Tổng quan bệnh Nhau tiền đạo
Nhau tiền đạo là gì?
Nhau tiền đạo là bệnh lý của bánh nhau trong đó bánh nhau bám ở vị trí bất thường. Trong thai kỳ bình thường, bánh nhau thường bám vào phần đáy tử cung, có thể là mặt trước hoặc mặt sau. Trong nhau tiền đạo, bánh nhau bám vào đoạn dưới tử cung và cổ tử cung, một phần hay toàn bộ, được xác định kể từ sau tuần thai thứ 28. Tùy theo vị trí bám, nhau tiền đạo được chia ra làm 4 loại:
Nhau bám thấp: khi bờ bánh nhau bám ở đoạn dưới tử cung, chưa đến lổ trong cổ tử cung
Nhau bám mép: bờ bánh nhau bám đến lỗ trong cổ tử cung nhưng chưa che kín lỗ trong.
Nhau tiền đạo bán trung tâm: bánh nhau bám ở đoạn dưới tử cung và che kín một phần lỗ trong cổ tử cung.
Nhau tiền đạo trung tâm: bánh nhau bám đoạn dưới tử cung và che kín hoàn toàn lỗ trong cổ tử cung.
Nhau tiền đạo có ảnh hưởng gì không?
Nhau tiền đạo bám ở đoạn dưới tử cung và cổ tử cung nên cản trở đường ra của thai trong quá trình chuyển dạ, từ đó làm tăng tỷ lệ mổ lấy thai. Các biến chứng khác mà nhau tiền đạo gây ra bao gồm: chảy máu tử cung, sinh non, thiếu máu, có thể gây tử vong cho mẹ và con.
Bất kỳ tác nhân nào làm nhau bám vào phần dưới tử cung và không dịch chuyển lên phía trên trong suốt quá trình mang thai đều được xem là nguyên nhân nhau tiền đạo. Nhiều trường hợp thai phụ có nhau tiền đạo nhưng không biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Điều trị nhau tiền đạo phụ thuộc vào từng thể, có thể theo dõi cho sản phụ sinh thường theo đường âm đạo hoặc mổ lấy thai.
Nhau tiền đạo gặp với tỷ lệ khoảng 1/300 thai kỳ. Tỷ lệ mắc nhau tiền đạo đang có xu hướng tăng trong vòng 30 năm trở lại đây. Một số nguyên nhân để giải thích cho xu hướng này là tuổi mẹ, mang thai nhiều lần, hút thuốc lá.
Nguyên nhân bệnh Nhau tiền đạo
Nguyên nhân nhau tiền đạo vẫn chưa được hiểu rõ. Bất kỳ tác nhân nào làm nhau bám vào phần dưới tử cung và không dịch chuyển lên phía trên trong suốt quá trình mang thai đều được xem là nguyên nhân nhau tiền đạo.
Triệu chứng bệnh Nhau tiền đạo
Nhau tiền đạo có thể biểu hiện các triệu chứng lâm sàng trong lúc mang thai, trong khi chuyển dạ. Sự khác nhau giữa các triệu chứng phụ thuộc vào thể lâm sàng và mức độ nặng của bệnh.
Toàn thân:
Có thể choáng nếu mất máu nhiều với các biểu hiện như da xanh tái, niêm mạc nhạt màu, tay chân lạnh, mạch nhanh, thở nhanh, huyết áp có thể bình thường hoặc hạ. Người bệnh thường rơi vào trạng thái hốt hoảng, lo sợ. Nếu mất máu ít, bệnh nhân đôi khi chỉ cảm thấy mệt mỏi.
Cơ năng:
Chảy máu âm đạo: rau tiền đạo là một trong những nguyên nhân gây chảy máu âm đạo bất thường trong 3 tháng cuối thai kỳ. Đây là triệu chứng thường gặp nhất với chảy máu đỏ tươi, có khi lẫn máu cục. Máu chảy tự nhiên và tự cầm đột ngột. Chảy máu tái phát nhiều lần với lượng máu ngày càng tăng. Chảy máu có thể thấy trong 3 tháng cuối thai kỳ hoặc trong lúc chuyển dạ.
Đau bụng do tử cung co thắt
Thực thể:
Ngôi thai bất thường: thường gặp ngôi ngang, ngôi mông hoặc ngôi đầu cao.
Khám trong: có thể sờ thấy bánh nhau qua cổ tử cung.
Đặt mỏ vịt: thấy máu chảy từ cổ tử cung
Tim thai: biến đổi tùy từng trường hợp.
Đối tượng nguy cơ bệnh Nhau tiền đạo
Các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh nhau tiền đạo:
Mẹ lớn tuổi: thai phụ trên 35 tuổi có tỷ lệ mắc nhau tiền đạo là 1,1%, cao gấp đôi so với 0,5% ở phụ nữ dưới 35 tuổi.
Sinh đẻ nhiều lần cũng làm tăng nguy cơ của nhau tiền đạo, đặc biệt khi kết hợp với yếu tố tuổi mẹ lớn.
Thuốc lá làm tăng nguy cơ của nhau tiền đạo ít nhất 2 lần.
U xơ tử cung cũng là một yếu tố nguy cơ của nhau tiền đạo.
Tử cung có hình dạng bất thường
Sẹo mổ tử cung do mổ lấy thai, nạo phá thai làm tăng nguy cơ nhau bám vị trí bất thường ở phần dưới tử cung.
Tiền sử mắc nhau tiền đạo ở những lần mang thai trước.
Phòng ngừa bệnh Nhau tiền đạo
Các biện pháp giúp giảm khả năng mắc nhau tiền đạo và phòng ngừa biến chứng của nó:
Hạn chế có thai lúc lớn tuổi, đặc biệt là khi đã có đủ con.
Tuân thủ đúng các chỉ định mổ lấy thai giúp hạn chế sẹo tử cung không cần thiết.
Không hút thuốc lá, tránh hít phải khói thuốc lá thụ động trong khi mang thai
Đến khám ngay tại các cơ sở y tế có chuyên khoa sản phụ khoa khi có bất kỳ bất thường nào trong quá trình mang thai như ra máu âm đạo, đau bụng dưới
Nghỉ ngơi và tránh làm việc nặng nhọc
Khi đã được chẩn đoán nhau tiền đạo vào những tháng cuối, thai phụ cần được nhập viện và theo dõi sát.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Nhau tiền đạo
Chẩn đoán nhau tiền đạo chủ yếu dựa vào các phương tiện chẩn đoán hình ảnh. Các triệu chứng lâm sàng đóng vai trò gợi ý tới bệnh cảnh nhau tiền đạo và các xét nghiệm cận lâm sàng giúp đánh giác biến chứng và mức độ nặng của bệnh.
Siêu âm bụng: bệnh nhân cần nhịn tiểu để dễ quan sát vị trí bám của bánh nhau.
Nhau tiền đạo trung tâm: bánh nhau che lấp hoàn toàn lỗ trong cổ tử cung. Nhau tiền đạo trung tâm gặp trong 20-30% các trường hợp.
Nhau tiền đạo bán trung tâm: bánh nhau che lấp một phần lỗ trong cổ tử cung
Nhau bám mép: bờ bánh nhau bám đến lỗ trong cổ tử cung nhưng chưa che kín lỗ trong.
Nhau bám thấp: khi bờ bánh nhau bám ở đoạn dưới tử cung, chưa đến lổ trong cổ tử cung
Siêu âm cũng có giá trị chẩn đoán trong trường hợp rau tiền đạo biến chứng rau cài răng lược. Hình ảnh thu được trong trường hợp này là khoảng cách giữa bánh nhau và thành bàng quang thu hẹp lại, mạch máu xuyên qua thành cơ tử cung đến thành bàng quang trên phổ siêu âm doppler.
MRI giúp chẩn đoán nhau cài răng lược, đặc biệt nhau bám mặt sau nhưng hiện nay ít dùng.
Nhau cài răng lược thường được chẩn đoán sau tuần thai thứ 28.
Các biện pháp điều trị bệnh Nhau tiền đạo
Phần lớn trường hợp nhau cài răng lược đều được chỉ định mổ lấy thai. Nhau cài răng lược trung tâm ở những thai kỳ đủ tháng, hoặc nhau cài răng lược có chuyển dạ đang ra máu nhiều là các chỉ định mổ lấy thai tuyệt đối vì bánh nhau che lấp cổ tử cung, cản trở đường ra của thai nhi. Nếu bánh nhau chỉ che phủ một phần lỗ trong cổ tử cung hoặc bám gần mép cổ tử cung thì thai phụ cần nghỉ ngơi tại giường, không hoạt động mạnh, có thể theo dõi cho sinh đường âm đaok. Sản phụ cần được chuẩn bị tâm lý cho một cuộc mổ lấy thai. Việc điều trị cụ thể tùy thuộc vào mức độ biểu hiện các triệu chứng trên lâm sàng.
Điều trị nhau tiền đạo không triệu chứng
Theo dõi ngoại viện kể từ khi phát hiện nhau tiền đạo tới thời điểm sinh, tái khám theo hẹn hoặc khi có bất thường như ra máu âm đạo, hay xuất hiện cơn go tử cung.
Không giao hợp, không làm việc nặng.
Hạn chế thăm khám âm đạo
Chủ động dùng thuốc trưởng thành phổi khi thai đạt 28-34 tuần tuổi.
Sử dụng các thuốc giảm co tử cung.
Nếu là nhau tiền đạo trung tâm, cần xác định thời điểm mổ lấy thai chủ động
Điều trị nhau tiền đạo đang chảy máu âm đạo ít
Đây là một cấp cứu sản khoa - cần thực hiện:
Nghỉ ngơi tuyệt đối tại giường
Xác định tuổi thai. Nếu thai chưa đủ tháng cố gắng dưỡng thai đến khoảng 32-34 tuần.
Chỉ định thuốc trưởng thành phổi khi thai từ 28-34 tuần.
Sử dụng các thuốc giảm go tử cung.
Truyền máu nếu mất máu ảnh hưởng đến thể trạng, khi Hb<10g/dl.
Theo dõi sinh thường ngã âm đạo khi thai nhi đủ tháng, nhau bám thấp và ngôi đầu. Cần theo dõi chặt chẽ, liên tục các yếu tố chuyển dạ, tim thai bằng monitoring sản khoa. Nếu tim thai có dấu hiệu bất thường cần mổ lấy thai cấp cứu.
Mổ lấy thai ở những trường hợp khác như ngôi thai bất thường, nhau tiền đạo trung tâm. Cân nhắc cắt tử cung toàn phần hay bán phần khi có biến chứng nhau cài răng lược hoặc chảy máu nhiều không cầm được bằng các phương pháp khác như khâu tử cung cầm máu hay thắt động mạch tử cung.
Điều trị nhau tiền đạo đang chảy máu âm đạo nhiều
Đây là một cấp cứu sản khoa - cần thực hiện:
Lấy đường truyền tĩnh mạch, hồi sức, truyền máu cho mẹ.
Chỉ định mổ lấy thai cấp cứu. Quá trình hồi sức phải được tiến hành song song.
Sau sinh phải theo dõi tổng trạng của mẹ, huyết áp, nhịp tim, lượng nước tiểu trong một giờ.
Chuyển trẻ đến đơn vị hồi sức sơ sinh.
Tóm lại, nhau tiền đạo là một bất thường của bánh nhau, đang có tỷ lệ tăng lên. Sản phụ có nhau tiền đạo cần được theo dõi chặt chẽ, cho nhập viện vào các tháng cuối của thai kỳ để được đánh giá toàn diện và quyết định phương pháp và thời điểm chấm dứt thai kỳ phù hợp. Cơ sở y tế tiếp đón thai phụ có nhau tiền đạo phải có trung tâm phẫu thuật để kịp thời mổ lấy thai cấp cứu, đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.