Tổng quan bệnh Nghiện ma túy
Nghiện ma túy là gì?
Ma túy là chất kích thích thần kinh gây cảm giác như giảm đau, hưng phấn, dễ chịu, buồn ngủ mà nếu dùng nhiều lần sẽ phải sử dụng lại chất này nếu không cơ thể sẽ cảm thấy rất khó chịu..
Nghiện ma túy là khi phải sử dụng ma túy để sinh hoạt bình thường. Khi sử dụng ma túy thì cảm thấy khoan khoái, đê mê, sung sướng, còn nếu thiếu đi nó thì người bị nghiện ma túy sẽ cảm thấy bị hành hạ tinh thần, thể xác không chịu được, bằng mọi giá phải sử dụng được ma túy nên có thể gây ra những hậu quả xấu cho sức khỏe đặc biệt là khả năng kiểm soát hành vi và cho cả xã hội.
Nghiện ma túy có thể bao gồm ma túy có nguồn gốc tự nhiên như nghiện thuốc phiện, cocain…, nghiện ma túy bán tổng hợp như nghiện heroin và nghiện ma túy tổng hợp như nghiện thuốc lắc, nghiện ma túy đá…
Nguyên nhân bệnh Nghiện ma túy
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghiện ma túy là những lý do sau đây khiến con người tìm đến chất ma túy:
Giảm đau
Giúp con người tỉnh táo và minh mẫn trong học tập và làm việc.
Do đã trở thành tập tục.
Mục đích thư giãn, giải trí.
Triệu chứng bệnh Nghiện ma túy
Triệu chứng nghiện ma túy như thế nào?
Rất ít khi người nghiện chỉ sử dụng một loại ma túy mà họ sẽ pha trộn nhiều loại ma túy chung với nhau để đạt được cảm giác hưng phấn nhiều nhất có thể khi dùng ma túy.
Tuy nhiên, với tất cả những người nghiện ma túy đều có biểu hiện chung là hội chứng cai, hay còn gọi là hội chứng thiếu, đói thuốc. Hội chứng này xuất hiện khi người nghiện ngưng sử dụng ma túy mà trước đó đã sử dụng rất nhiều hoặc sử dụng trong thời gian dài nhưng bây giờ không còn khả năng để tiếp tục mua thuốc sử dụng nữa. Khi có ít nhất ba trong các biểu hiệu sau ( sau liều cuối khoảng tám đến mười hai giờ) thì được chẩn đoán hội chứng cai:
Lo lắng, bất an, buồn bã, cáu gắt, giận dữ
Đau nhức cơ
Buồn nôn hoặc nôn
Ảo giác kiến bò dưới da.
Da nhăn và lở loét
Sụt cân nhanh
Mồ hôi có mùi khai
Hôi miệng
Thường xuyên chảy máu mũi
Quầng thâm mắt rõ rệt.
Nổi da gà, giãn đồng tử.
Rối loạn thần kinh thực vật: sốt cao, vã mồ hôi, trụy tim mạch, có thể dẫn đến tử vong.
Mê sảng, kích động hành vi, vùng vẫy, la hét, tự sát
Đối tượng nguy cơ bệnh Nghiện ma túy
Những đối tượng nguy cơ dẫn đến việc nghiện ma túy bao gồm:
Những người bị trầm cảm, lo lắng và tự ti có nguy cơ mắc phải nhiều hơn so với người bình thường.
Những người có tiền sử sang chấn tâm lý như bị lạm dụng, chiến tranh, bị căng thẳng và tiền sử gia đình nghiện ma túy.
Một số người khi dùng các thuốc giảm đau mạnh như morphine cũng có thể bị nghiện ma túy.
Hoặc những người bẩm sinh sinh ra bộ não đã có xu hướng cần đến những dạng thuốc phiện ở mức độ cao hơn so với người bình thường.
Phòng ngừa bệnh Nghiện ma túy
Để phòng ngừa tình trạng nghiện ma túy , cần sự phối hợp của nhiều quốc gia, lãnh thổ.
Cần có sự đồng bộ nhiều ngành nghề, sự đầu tư chiến lược trước mắt và lâu dài của cơ quan nhà nước.
Đóng vai trò quan trọng đặc biệt là sự hỗ trợ từ gia đình trong việc giáo dục, xây dựng nhân cách cho các thành viên để tránh khỏi những tác động từ xã hội dẫn đến nghiện ma túy.
Nhà trường, xã hội cũng là một phần không nhỏ trong lối sống lành mạnh ngăn chặn việc nghiện ma túy.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Nghiện ma túy
Để chẩn đoán người nghiện ma túy, trên lâm sàng cần chẩn đoán hội chứng cai như đã nói ở trên. Ngoài ra, cần làm them các kỹ thuật để xác định bệnh nhân có nghiện ma túy hay không:
Lấy các loại mẫu thử để giám định các nhóm ma túy như: nhóm Opioids, nhóm ma túy tổng hợp ATS, nhóm cần sa, nhóm benzodiazepines, nhóm cocain, ketamin, LSD… Các loại mẫu thử được tiến hành như sau:
Lấy mẫu máu tĩnh mạch
Lấy mẫu nước tiểu.
Lấy mẫu tóc ở phía sau đỉnh đầu.
Lấy mẫu tang vật của người sử dụng như cây cỏ, viên, dung dịch…
Các biện pháp điều trị bệnh Nghiện ma túy
Giúp người nghiện ma túy cai nghiện
Người nghiện ma túy sẽ được cai nghiện tại cơ sở điều trị cai nghiện của nhà nước để có đủ phương tiện giúp họ nhanh chóng cắt cơn nghiện. Đây là giai đoạn khó khăn đối với người nghiện vì sẽ mang lại những đau đớn về tinh thần và thể xác vì không được dùng ma túy trong thời gian này.
Thời kỳ hậu cai nghiện
Bệnh nhân sau cắt cơn cai nghiện cần được điều trị tiếp theo để đề phòng cơn nghiện tái phát.
Bệnh nhân được điều trị duy trì để tác động sinh học thần kinh độc hại do ma túy gây ra giảm bớt đi.
Tạo điều kiện cho người nghiện thay đổi lối sống, suy nghĩ tích cực hơn, thực hiện các công việc lao động, vui chơi giải trí phù hợp.
Một số điều trị nghiện ma túy như: thuốc đồng vận – agonist ( methadone, buprenorphine), thuốc hỗ trợ ( clonidine, thuốc chuyên khoa tâm thần)
Có thể vừa điều trị thuốc vừa kết hợp trị liệu để giúp đỡ người nghiện.
Và quan trọng hơn cả, cần sự phối hợp, hỗ trợ từ bác sĩ, bệnh nhân, gia đình và xã hội trong việc điều trị lâu dài cũng như việc loại bỏ ma túy ra khỏi cộng đồng.