Nếu như được nói lời trăn trối...

Hoài Nam

(Dân trí) - Chúng ta vẫn thường hỏi nhau "Nếu còn một ngày để sống...". Nhưng ít ai tự đặt cho mình tình huống, nếu như được nói lời trăn trối, mình sẽ nói điều gì?

Có lần, mệt trong người, chị vờ nằm xỉu để "trốn" không đọc sách, kể chuyện cho cậu con trai hơn 5 tuổi. Tưởng mẹ... chết đến nơi, đứa con khóc réo rắt, chạy đi lấy nước, đổ vào miệng mẹ, rồi hỏi liên tục: Mẹ ơi, mẹ có điều gì muốn nhắn nhủ không? 

Câu hỏi của con như thể để nói lời trăn trối. Lúc đó, lần đầu tiên chị nghĩ đến tình huống, lúc này đây, nếu được nói lời trăn trối... 

Chị nói với con, nhờ con nói lại với bà ngoại, mẹ xin lỗi bà, nhiều lắm. Từ bé đến lớn, chị đã rất nhiều lần buông những lời, có những hành vi làm đau bà, làm tổn thương bà. 

Nếu như được nói lời trăn trối... - 1

(Ảnh minh họa)

Chị nói với con, hãy nói với ba con, mẹ xin lỗi ba rất nhiều vì đã từng làm tổn thương, quá quắt với ba. Và mẹ xin lỗi con vì quá nhiều lần mẹ làm đau con, xúc phạm con, cay nghiệt, đòi hỏi vô lý ở con... 

Và nhìn lại hàng chục năm qua, có biết bao nhiêu người, bao nhiêu lời chúng ta cần xin lỗi.

Cuộc đời, hóa ra mình tổn thương nhất là những lần... mình chiến thắng. Điều làm ta tổn thương dai dẳng không phải khi người khác làm đau mình mà lại là những lần mình làm đau người khác.

Trước khi muốn tấn công, làm tổn thương ai, hãy ngừng lại một phút để cân nhắc. Vì có thể, người tổn thương nhất lại chính là mình. 

Tấn công được người khác, vào lúc đó có thể chúng ta hả hê, chiến thắng đấy, nhưng sau đó, sẽ tự thấy bản thân mình thật tệ hại. Làm đau được người khác, mình tưởng là mình chiến thắng nhưng chính mình là người thua cuộc với sự dằn vặt, thậm chí kinh hãi bản thân. 

Có câu "Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác". Quá khứ khó buông tha chúng ta thường bởi những gì chúng ta gây ra chứ không hẳn những gì chúng ta phải chịu đựng.  

Hồi đi học, chị từng là thủ phạm gây ra vài vụ bạo lực học đường với một số người bạn có lúc vô tình nhưng có lúc cố ý. Có khi là cái bạt tai, có khi là lời nói bai, đả kích, bôi xấu... Lần nào chị cũng hỉ hả vì mình là người chiến thắng. 

Giờ đây, có lẽ họ đã quên, đã bỏ qua, bạn bè vẫn qua lại với nhau, vẫn giúp đỡ nhau khi cần. Có người nhắc lại chuyện cũ còn không hề nhớ có sự việc như vậy xảy ra. 

Sự tổn thương mình gây cho họ có lẽ cũng đã phai nhòa như ký ức tuổi học trò nhưng mỗi khi nhớ lại, chị chưa bao giờ tha thứ cho chính mình. 

Với bà ngoại cũng vậy, cái tuổi mới lớn ương bướng và cả bây giờ, chị vẫn làm đau bà với những tranh cãi, chống đối, hả hê khi nhìn mẹ bất lực. Bà nhắc như một kỷ niệm vui, còn chị thấy sao mình tàn nhẫn với mẹ quá. 

Chúng ta thường tổn thương nhất bởi chính những người thân yêu, máu mủ. Mà ở đó mình có thể là nạn nhân nhưng cũng có thể là thủ phạm.

Với ba của con cũng vậy. Hết tình cảm, chán ghét nhau, ly hôn nhưng dù thế nào đi nữa, cũng không cần có những lời nói, hành vi gây sát thương, đả kích, đổ lỗi cho cho nhau đến vậy. 

Nếu còn điều gì nuối tiếc cho cuộc tình 10 năm thì đó chính là mình đã quá đáng quá, mình đã cư xử tệ hại quá...  

Cuộc đời, không ai cấm chúng ta chọn cách ứng xử đàng hoàng hơn, thanh thản hơn... 

Rồi cuộc sống quanh mình, biết bao nhiêu lần chúng ta gây sát thương cho người khác mà không hay biết. Đó có thể là những câu hỏi thăm quen thuộc như cưới chồng đi, sinh con đi, chưa có con trai à, sao béo thế, nhìn người thế này chồng có bồ là đúng rồi, có vậy mà cũng buồn....

Trong công việc hàng ngày, chúng ta cũng có thể vì nhận thức, vì yếu kém hay vì lòng ghen ghét, háo thắng mà làm tổn thương đồng nghiệp, khách hàng... Có khi người khác sẽ quên, còn mình, có dễ tha thứ cho bản thân? 

Cuộc đời, có biết bao nhiêu tổn thương mình gây ra cho người khác mà có thể mình không biết, không dám đối diện.

Chúng ta luôn dặn nhau, luôn dạy con không ai được làm phép tổn thương mình nhưng cũng đừng quên hãy tự nhắc cố gắng để không không gây tổn thương cho người khác. Nếu có, hãy dùng hết dũng khí để xin lỗi. 

Lời xin lỗi không chỉ dành cho đối phương, để người khác bớt tổn thương mà cũng là hành trình để giúp mình tự chữa lành cho bản thân, tự tha thứ cho chính mình.