Sức mạnh nam nhi và sự... bỉ ổi!
(Dân trí) - Cô em đồng nghiệp bị bạn trai đánh phải nhập viện cấp cứu vì muốn chia tay. Anh ta đe dọa tung clip riêng tư của hai người và "em bỏ tôi thì em chết, cả nhà em chết".
Mới cách đây hai hôm, đúng đêm Noel, cô gái 26 tuổi nhập viện. Em đã rất khéo léo, lấy cớ để từ chối đi chơi vào tối đó. Anh bạn lao đến phòng trọ, đánh đấm điên cuồng, nhắc lại điệp khúc tung clip riêng tư, bỏ tôi thì em chết, cả nhà em chết.
Nằm trong viện với khuôn mặt sưng phù, cô gái nghẹn ngào: "Sao đàn ông bây giờ khốn nạn vậy?".
"Đàn ông bây giờ" có vẻ như là "vơ đũa cả nắm" nhưng trường hợp của cô không hề là cá biệt. Đàn ông hành xử bỉ ổi, khốn nạn có thể nhìn thấy khắp nơi ở quanh chúng ta. Đã rất nhiều cô gái bị thương thật, bỏ mạng, bị đe dọa chỉ vì từ chối tình cảm, hay muốn chia tay.
Ở Yên Bái, mới đây một thanh niên cao to, lực lưỡng 27 tuổi, bị từ chối tình cảm, lén vào nhà cô gái mà anh ta yêu đơn phương rồi hành hung, đánh đập dã man cô trong nhiều giờ đồng hồ.
Cách đây không lâu, một nữ giáo viên trẻ tại TPHCM vừa tốt nghiệp thạc sĩ đang ở tuổi đẹp nhất, rộng mở nhất bị chồng sắp cưới là đồng nghiệp cùng trường đâm hàng loạt nhát dao lên người, chết ngay tại chỗ.
Lý do, cô gái phát hiện chồng sắp cưới lăng nhăng với người khác, xét mối quan hệ này không ổn, cô muốn chia tay và hủy hôn. Kết quả, cô gái phải đổi cả tính mạng cho mong muốn của mình.
Mới đây, Tòa án Nhân dân TPHCM tuyên án tử với bị cáo Kim Thanh Bình ở Trà Vinh vì hành vi giết người. Nạn nhân là bạn gái của Bình, xét thấy mối quan hệ này quá nhiều bất đồng, mâu thuẫn, cô gái muốn chia tay, hủy hôn và kết quả bị đâm 19 nhát vào người.
Cũng chỉ nam nhi, phái mạnh mới thường xuyên dùng hình ảnh, clip riêng tư trong chuyện tinh cảm của hai người để đe dọa, tống tiền, tống tình bạn gái.
Ngay trong gia đình, có rất nhiều vụ việc người chồng bạo hành vợ không thể nào chấp nhận nổi. Vụ việc chàng võ sư ra tay với người vợ mới sinh như bao cát, nhiều người đánh đấm vợ kinh hoàng ngay trước mặt con nhỏ, nhiều người vợ phải lê lết vào viện vì... sức mạnh của chồng.
Ngoài đường, cũng nhan nhản cách hành xử bỉ của cánh nam nhi gây phẫn nộ. Từ những người về tuổi được xem là trưởng thành cho đến thế hệ nhỏ tuổi hơn.
Đó là sự việc một thanh niên 29 tuổi ở Bình Dương, khi va quệt giao thông với nữ sinh đi xe đạp điện. Thay vì sự hào hiệp tối thiểu của một người đàn ông với phụ nữ, giúp đỡ, hỏi han thì thanh niên này lao vào dùng chân đạp liên tiếp vào đầu, mặt một nữ sinh. Rồi tiếp đó, hắn còn rút trong người ra một cây gậy ba khúc đánh liên tiếp vào người em học sinh làm em bị chấn thương mặt, phải khâu 10 mũi ở mũi, đầu.
Trong nhiều vụ bạo lực học đường, qua các clip khi các bạn học sinh, nữ sinh đánh nhau, điều đáng suy ngẫm nhất lại là hình ảnh của những người xung quanh. Rất nhiều nam nhi đứng ngoài mặc kệ bạn hoặc reo hò cổ vũ cho cảnh tượng các bạn gái bị đánh.
Giáo dục dung túng phái nam
Trong mối tương quan với phái yếu, nam nhi luôn được gọi là phái mạnh. Nhưng giờ đây, có thể thấy ở khắp nơi, trong mối quan hệ với phụ nữ, sức mạnh của nhiều phái nam lại là nắm đấm, là bạo lực, là hành xử côn đồ, bỉ ổi.
Con người ở giới tính nào, mạnh hay yếu cũng phải có đạo đức, giáo dục. Nhưng việc giáo dục đang rất bất bình đẳng giới tính.
Gia đình, quan niệm xã hội "đe nẹt" các bạn gái "công - dung - ngôn - hạnh" đủ kiểu, phụ nữ phải thế này thế kia. Trong khi, đẻ được đứa con trai thì tưng bừng ăn mừng, hầu tận nơi, dung túng... Không những giáo dục bỏ quên bé trai mà phải nói còn tiếp tay làm hư khí chất nam nhi.
Câu cửa miệng của nhiều ông bố bà mẹ và của rất nhiều người "Con trai thế nào chả được".
Nói về cách hành xử thô bạo của nam nhi, chuyên gia tâm lý Nguyễn Lan Hải (Cố vấn chuyên môn Hội quán Các Bà Mẹ) bày tỏ, vấn đề này xuất phát từ giáo dục trong gia đình và cả bất bình đẳng giới còn rất nặng nề trong xã hội.
Nhiều bạn trai mang tư tưởng bạo lực có thể ảnh hưởng từ chính bố mình, hành xử thô lỗ, kỳ thị phụ nữ.
Theo bà, ngay từ nhỏ, chúng ta cần giáo dục các bé trai, bé gái để tạo ra một mối quan hệ lành mạnh trong tương lai. Chúng ta dạy các bé gái giữ gìn bản thân, độc lập, tự chủ thì đừng quên dạy các bé trai biết tôn trọng phụ nữ, chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
Các bạn trai cần hiểu sức mạnh của người đàn ông không phải ở nắm đấm, ở việc bắt nạt người yếu thế. Sức mạnh của người đàn ông là để vun đắp, bảo vệ các mối quan hệ đẹp đẽ với mọi người, đặc biệt là quan hệ với người khác phái như với mẹ, với em gái, cô giáo, chị dâu, đồng nghiệp nữ...
Có như vậy, mới tạo ra thế hệ đàn ông Việt có hiểu biết pháp luật, có sự phát triển về mặt cảm xúc, biết ứng xử lịch sự, tế nhị... để thay đổi bộ mặt gia đình, xã hội.