Nhân ngày Gia đình Việt Nam:

Nếu con muốn thấy cầu vồng...

Lê Giang

(Dân trí) - Cách đây không lâu tôi gặp lại cô bạn cũ thời học sinh. Lúc đó bạn đang trong tình trạng khủng hoảng vì cuộc sống hôn nhân...

Bạn muốn ly hôn chồng nhưng lại băn khoăn không biết sau khi ly hôn cuộc sống sẽ thế nào. Bạn sợ. Sợ nhất là cha mẹ mình không đón nhận.

Nếu con muốn thấy cầu vồng... - 1

Ảnh minh họa: Getty Images.

Bảy năm trước, bạn kết hôn. Cuộc hôn nhân không được bố mẹ bạn ấy chấp thuận. Người đàn ông bạn chọn có một quá khứ không mấy tốt lành: Trải qua hai đời vợ và đều bị vợ bỏ. Nếu nói phụ nữ lấy chồng như đánh bạc, thì bố mẹ cho rằng bạn cược cuộc đời mình vào đây khả năng chỉ nhận về toàn cay đắng.

Nhưng có ai đang yêu mà đủ tỉnh táo để nghe những lời khuyên. Vả lại có người đàn ông nào đi tán gái mà đem theo "cưa cùn". Chẳng biết người đàn ông kia ngọt nhạt thế nào mà bạn đã ở tuổi chạm ba mươi rồi vẫn nửa say nửa tỉnh lao theo. Bạn còn khóc với cha mình: "Dù cha mẹ có từ con, con cũng nhất quyết chọn anh ấy". Cha mẹ bạn thôi thì hỉ nộ ái ố đủ cả. Cuối cùng vẫn không thắng nổi con mình.

Người ta vẫn nói: Từ tình yêu chuyển sang hôn nhân dễ khiến người ta vỡ mộng. Nếu ai vượt qua được năm năm đầu tiên của hôn nhân thì sau đó mọi việc sẽ dễ dàng hơn. Nhưng với bạn, sau năm năm khó khăn mới thực sự bắt đầu. Chồng bạn sau hai cuộc hôn nhân chóng vánh, có lẽ đã cố gắng lắm để giữ cuộc hôn nhân này nhưng rồi vẫn "ngựa quen đường cũ" với đủ tính xấu: Gái gú, vũ phu.

Bạn đã hai đứa con rồi, không thể nói ly hôn là ly hôn. Nhưng nếu cứ sống chung thế này thì khổ quá. Hôm đó bạn kể với tôi, nước mắt rơi từ đầu đến cuối cuộc chuyện trò. Chuyện đau lòng của bạn, bạn không dám hé với mẹ cha nửa lời. Xưa, mẹ bạn khóc vì bạn rất nhiều. Bạn chẳng dám vác mặt về nhà nữa. Mà nếu bỏ chồng, không về nhà thì bạn với con biết đi đâu. Nghĩ tới nghĩ lui đành cắn răng chịu đựng.

Tôi biết bố bạn, ông ấy nổi tiếng khó tính nhất làng tôi. Thậm chí, tôi còn chẳng hiểu sao với tính cách của mình, ông lại có thể nhượng bộ bạn để bạn lấy người đàn ông đó. Giờ bạn mà bỏ chồng, có khi ông còn đắc ý, ai bảo "cá không ăn muối".

Nhưng mấy hôm trước tôi về nhà, bất ngờ gặp bạn ở làng. Bạn nói ly hôn rồi, giờ cùng hai con ở nhà bố mẹ đẻ. Tôi hỏi: "Về đây là tốt rồi. Bố mẹ bạn có nặng nề lắm không?". Bạn cười, mặt nhẹ nhõm: "Không, chính bố mình gọi mình về, khuyên mình ly hôn đấy chứ. Chẳng biết nghe ai nói mình khổ, ông gọi về hỏi nguyên do. Rồi ông nói với mình: Ngày xưa bố mẹ nói thì không nghe, giờ con làm sai thì con tự sửa. Bỏ chồng cũng chẳng hay ho gì, nhưng có chồng mà khổ còn tệ hơn. Con làm đơn ly hôn đi, cố mà giành quyền nuôi hai đứa nhỏ. Những ngày sau này sẽ vất vả đấy, nhưng nếu con không dám đi qua giông bão, làm sao có thể thấy được cầu vồng".

Nghe bạn nói, tôi cảm động đến phát khóc. Có ai nghiêm khắc với mình như cha, cũng có ai bao dung mình như cha.

Chúng ta vẫn thường phạm phải sai lầm: Sẵn sàng vì người ngoài mà tổn thương người thân. Cuối cùng, khi mình lỡ bước sa chân, khi bản thân thương tích đầy mình, chỉ có mẹ cha, chỉ có anh em ruột thịt trong nhà mở rộng vòng tay đón mình quay trở lại.

Trong một bộ phim, có người cha từng nói với con trai: "Gia đình là thứ tồn tại duy nhất. Những thứ khác, có hay không không quan trọng". Câu nói ấy, không phải vô cớ mà trở thành câu nói "nóng" trên mạng xã hội suốt thời gian dài. Chúng ta có thể thiếu đủ thứ trên đời, nhưng nếu thiếu gia đình thì những thứ khác có còn ý nghĩa?

Không biết có ai đã từng tự hỏi: Nếu không có gia đình, chúng ta sẽ ra sao? Có lẽ không chỉ là cô đơn, bơ vơ, lạc lõng. Câu hỏi này có lẽ chỉ những người thực sự trải qua cảm giác này mới có thể hiểu được. Nếu không có gia đình chúng ta sẽ còn quan trọng với ai? Thực sự có ý nghĩa với ai trong cuộc đời này?

Chúng ta đi ra đời, va vấp để trưởng thành, chịu cay đắng để lớn lên, để nhận ra không có ai vô duyên vô cớ mà đối đãi tốt với mình. Chỉ có gia đình mới là những người yêu thương ta vô điều kiện. Họ chấp nhận ta dẫu ưu khuyết điểm thế nào. Họ đón nhận ta, dẫu có lúc ta vô tâm tệ bạc. Khi cần, họ sẵn sàng hi sinh vì ta, cho ta một nơi trú ẩn bình yên mà liếm láp vết thương của đời mình.

Chúng ta có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi để trở về. Ở đó ta nhận ra, dù thế giới này có rộng rãi đến bao nhiêu cũng không thể bằng nơi nhà mình nhỏ hẹp. Ở đó có những người sẽ đón ta về sau cơn mưa, dùng tình yêu thương mà ủ ấm, rồi cùng ta bình yên mà ngồi ngắm cầu vồng.