Nhân Ngày của Cha:

Bây giờ con đã làm cha

Hoàng Bắc

(Dân trí) - Có một lần nào đó, rất lâu rồi, ba từng nói với con: "Sau này, khi con có con, con sẽ hiểu cho lòng ba bây giờ"....

Lúc đó con đã nói rất to rằng: "Nếu con có con, con sẽ không đối xử với nó theo cách ba đã làm với con". Ánh mắt ba nhìn con lúc đó thoáng buồn và đớn đau. Ánh mắt đó vẫn theo con đến tận bây giờ.

Bây giờ con đã làm cha - 1

Ảnh minh họa: Getty Images.

Từ nhỏ con đã được ông bà nội cưng chiều. Con chẳng thiếu thốn thứ gì dù gia đình mình không mấy khá giả. Bà thường ôm con cưng nựng rằng con là thằng cháu đích tôn, là vàng mười, là bảo bối. Mẹ cũng chiều con hệt vậy, chỉ có ba là nghiêm khắc vô cùng.

Tuổi thơ của con không được sống chung với ba nhiều. Ba là quân nhân, đơn vị mới là nhà, còn nhà thì giống như là quán trọ. Thỉnh thoảng lắm ba mới về nhà. Ba về đợt nào là con mong ba chóng đi đợt đó. Có ba ở nhà, mọi thứ không giống thường ngày. Chính bà nội cũng từng mắng ba: "Thằng bé còn nhỏ đã biết gì mà con cứ nguyên tắc khuôn phép làm vậy?". Mẹ cũng than phiền ba nghiêm khắc và cứng nhắc quá. Ba lại nói mọi người sẽ chiều hư con.

Con lớn lên trong đầy đủ chiều chuộng yêu thương, luôn có những thứ mình thích, luôn sẵn những thứ mình cần. Cho đến khi ba về hưu, cuộc sống hoàn toàn trở nên đổi khác.

Mỗi sáng ba lôi con dậy sớm yêu cầu chạy bộ cùng ba. Ba không thích hình xăm trên cổ tay con. Ba muốn biết bạn bè thân thiết của con gồm những ai. Ba đặt giờ giới nghiêm mỗi tối cuối tuần con đi chơi cùng bè bạn. Ba ít nói, nhưng mỗi lời ba nói đều khiến con không thích, vì nó trái ngược với những điều con muốn.

Mười bảy tuổi con biết yêu. Ba nói: "Việc quan trọng của con bây giờ là học, còn cả cuộc đời dài phía sau để nghĩ đến chuyện tình cảm. Nhưng nếu bây giờ con không học, sau này cuộc đời con sẽ rất vất vả". Hôm đó giọng ba gay gắt một cách đáng ghét. Ba biết đấy, có thằng con trai mới lớn nào lại thích được nhắc nhở dạy dỗ đâu. Có thằng con trai đang yêu nào lại muốn nghe những điều như ba vừa nói.

Rồi con trượt Đại học, nó nằm ngoài suy nghĩ của con. Con không quá giỏi nhưng không nghĩ kết quả sẽ tệ như vậy. Ông bà nội buồn, mẹ cũng rất buồn. Con nghĩ ba sẽ nổi trận lôi đình theo kiểu: "Tao biết mà, cá không ăn muối cá ươn. Có mỗi việc học thôi cũng không làm được thì mày định làm cái gì?".

Nhưng không, ba không giận, không mắng chửi. Tối đó, con nằm trong phòng, nhìn mấy đứa bạn khoe đỗ Đại học. Ba vào, ngồi cạnh bên. Ba im lặng hồi lâu rồi hỏi: "Giờ con định thế nào? Muốn ôn năm sau thi lại hay đi học nghề?".

Con hỏi ba có giận con không. Ba nói: "Con đã thấy có cha mẹ nào giận con cái hay chưa? Giờ có chửi mắng con thì cũng đâu thay đổi được kết quả, chi bằng tìm hướng đi tiếp theo". Đó là lần đầu tiên con thấy ba hiền với con, nó nằm ngoài tưởng tượng của con trước đó.

Con đi học nghề rồi theo mấy đứa bạn tập tành làm ăn. Con về xin mẹ cho con một số tiền góp vốn. Ba biết chuyện, vô cùng tức giận: "Mày không lo học cái nghề để sau này cho ấm cái thân. Mày tưởng bán hàng mà dễ à, đi hốt được tiền của thiên hạ à? Mày ôm hàng về bán cho ai hay là đi lừa đảo cả người nhà? Mày nên nhớ, mỗi đồng tiền cha mẹ bỏ ra cho mày đều phải xứng đáng, còn lại một xu cũng không cho".

Ba chưa bao giờ ủng hộ con một việc gì. Nhưng dù thế ba cũng đâu cần phải nặng lời khó nghe như thế: "Ba à, con chưa làm, sao ba biết con không làm được. Ba không tin tưởng con thì cũng đừng mỉa mai con như vậy. Ba xem cả đời quân nhân học hành phấn đấu của ba có được gì ngoài mấy cái bằng khen trên tường kia. Cho đến khi về hưu, gia tài của ba là mấy bộ quân phục, không có nhà cao cửa rộng, không có xe đẹp xe sang. Ba sống tằn tiện liêm khiết, cả nhà phải sống khổ theo ba. Ba không biết cách, hoặc không muốn làm giàu, nhưng con thì khác".

Lời con vừa dứt, bàn tay ba đã in hằn trên má bỏng rát. Ba đánh con. Bàn tay ba run run. Con bỏ ra khỏi nhà. Con tự ái, con tự đi vay tiền bên ngoài. Và rồi đúng như ba nói, con bị lừa nhưng lại chẳng đủ dũng khí để lừa ai. Cuối cùng mẹ phải dấm dúi cho con tiền trả nợ.

Ba mắc trọng bệnh, khi phát hiện bệnh ba đã ở giai đoạn cuối. Hôm mẹ gọi điện cho con, nói ba chắc chẳng thể gắng gượng được bao lâu nữa. Con về nhà, ngồi cạnh ba, ba vẫn cười: "Đời này có ai mà không phải chết. Ước mong của ba là được nhìn thấy con có một cuộc đời an ổn, sống làm người tử tế. Ba còn ước được bế cháu nội, được tập cho nó đi xe đạp, đưa đón nó đến trường. Điều đó ba không có cơ hội làm với con, giờ thì với cháu cũng không còn cơ hội nữa". Ba ạ, đó là lần đầu tiên trong đời con khóc.

Sau ngày tiễn ba rời cõi tạm, mẹ đưa cho con một cuốn sổ tiết kiệm ba dành riêng cho con. Số tiền không quá nhiều nhưng con biết đó là số tiền cả đời ba mẹ đã chắt chiu dành dụm. "Số tiền trước đây mẹ đưa con trả nợ cũng là ba đưa cho đó. Ba không cho mẹ nói với con, sợ con xấu hổ. Cả đời ba tằn tiện là vì muốn sau này con đỡ vất vả hơn. Số tiền này là ba dành riêng cho con để con dùng khi con cần nhất".

Ba! Giờ con đã được làm cha rồi. Con cũng đã chín chắn và trưởng thành hơn. Và con nhận ra rằng làm cha thật khó. Con nghĩ mình đã hiểu ba hơn. Không phải ba không thương con, chỉ là ba đã chọn cách thương con khác mẹ. Phải đến khi mất ba rồi con mới nhận ra điều đó. Sao ba không cho con biết điều đó sớm hơn?

Hôm nay là Ngày của ba đó. Đối với những đứa con không còn ba như con bây giờ, ngày này chỉ là niềm thương nhớ, hối tiếc và day dứt mà thôi.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm