Giúp con bày tỏ cảm xúc - Mẹ thông minh luôn chú tâm điều này!

Theo một nghiên cứu gần đây, cha mẹ chỉ có trung bình 12,5 phút mỗi ngày để nói chuyện với con cái. Trong số đó, có khoảng 8,5 phút dành cho những lời buộc tội hoặc cấm đoán và chỉ còn 4 phút để trò chuyện thân thiện.

Vậy thì đừng để 4 phút ít ỏi đó cũng không đủ để gắn kết bố mẹ và con cái. Yêu thương con nhiều hơn, hiệu quả hơn nếu bố mẹ biết sử dụng đúng cách những cuộc trò chuyện giúp con khơi gợi cảm xúc.

Giúp con bày tỏ cảm xúc - Mẹ thông minh luôn chú tâm điều này! - 1

Ảnh minh họa.

Dưới đây là một số gợi ý cho bố mẹ khi đối diện với vấn đề của con.

Tập trung hoàn toàn vào con khi đối thoại

Không nghe nửa vời, không vừa nghe vừa nghịch điện thoại, không vừa nghe vừa làm việc vì điều đó khiến trẻ cảm thấy câu chuyện mình đưa ra không gây được sự chú ý của cha mẹ. Hoặc nặng nề hơn, trẻ nghĩ rằng cha mẹ không quan tâm đến trẻ. 

Hãy toàn tâm với trẻ trong lúc trò chuyện. Nhìn vào mắt trẻ, ngồi thấp ngang hàng với trẻ... Đó là cách giúp trẻ cảm thấy dễ dàng bày tỏ cảm xúc. Đôi khi bố mẹ không cần phải làm gì cả. Tất cả những gì trẻ cần là một sự im lặng cảm thông.

Không giáo huấn và đừng chất vấn

Có nhiều bố mẹ mở ra lời giáo huấn ngay lập tức như thể nó được cài đặt sẵn ngay khi trẻ bắt đầu trình bày vấn đề của mình. Vấn đề non nớt của trẻ nhiều khi bị quy chụp, đổ lỗi bởi cách nhìn của người lớn dù bản chất vấn đề nhiều khi khác hẳn. Với nhiều trẻ gặp khó khăn trong trình bày, trẻ có thể không thể suy nghĩ một cách rành mạch. Khi đó nếu bị giáo huấn hoặc chất vấn thì trẻ như một phản ứng thông thường sẽ đóng cửa mọi giác quan. Trẻ co mình và không muốn chia sẻ nữa.

Không phủ nhận cảm xúc của trẻ

"Có thế thôi mà đã khóc!", "Đàn ông gì mà chưa chi đã khóc nhè!", "Con gái cũng phải mạnh mẽ lên, yếu như sên!"... Đó là những lời cha mẹ có thể sẽ bật ra với nhiều đứa trẻ khi chứng kiến con mình không như mình mong muốn. Phản ứng bản năng, thiếu chín chắn này của cha mẹ sẽ khiến trẻ không cảm thấy được cảm thông, không cảm thấy được đồng hành. Trẻ cảm thấy bộc lộ cảm xúc là xấu. Và lần sau, lâu dần, trẻ sẽ giấu bỏ cảm xúc.

Đó không phải là cách tốt để khơi gợi cảm xúc và đồng hành cùng con. Thay vào đó cha mẹ có thể ôm con, hỏi han, nói những lời đồng cảm: "Khi nào con hết khóc chúng mình sẽ cùng nói chuyện", "Ừ, đôi khi khóc cũng tốt đấy, nó giúp con trôi sạch bụi trong mắt", "Đôi khi khóc được sẽ giúp con nhẹ lòng hơn. Rồi nói cho cha/mẹ biết đang có điều gì xảy ra với con"...

Không giải thích theo logic của người lớn

Khi trẻ đòi một thứ mà chúng không thể có được, cha mẹ thường giải thích lý do tại sao mà cha mẹ không thể cho chúng được. Thường thì chúng ta càng giải thích, trẻ lại càng phản ứng. Đôi khi chỉ cần có người hiểu được là chúng thèm món đồ đó thế nào là chúng có thể cảm thấy chấp nhận được sự thiếu thốn đó. Vì thế cha mẹ đừng đưa quá nhiều thông tin tiêu cực (nhà không có điều kiện, con không biết giữ đồ chơi, học thì dốt mà thích đòi hỏi...), cha mẹ cần chia sẻ sự mong muốn của trẻ và hy vọng con sẽ sớm đạt được ước nguyện đó khi có thể, đưa ra giải pháp tình thế hợp lý. Khi tất cả các cảm xúc được ghi nhận, một số hành động tiêu cực sẽ bị hạn chế.

Một số câu hỏi cha mẹ giúp con khơi gợi cảm xúc

Hôm nay con thế nào?

Cha mẹ có thể nói với con về ngày hôm nay của mình, điều này sẽ khuyến khích con nói chuyện và chia sẻ tâm tư với cha mẹ.

Bạn ấy đối xử với con thế nào?

Cha mẹ có thể hỏi con về một người bạn cụ thể hoặc đặt ra một câu hỏi chung chung như "Các bạn đối xử với con thế nào?". Điều này sẽ khiến trẻ cảm thấy tin tưởng và cởi mở hơn với cha mẹ nếu chúng đang gặp phải một tình huống khó khăn.

Có điều gì không ổn xảy ra phải không con?

Nếu có điều gì đó không ổn, cha mẹ có thể nhẹ nhàng hỏi con. Nếu trẻ không muốn nhớ lại, đừng gặng hỏi mà hãy cố gắng làm chúng vui lên.

Con có cần giúp đỡ gì không?

Việc cha mẹ đặt câu hỏi "Con có cần giúp đỡ gì không?" cũng sẽ khiến trẻ cảm thấy sự gần gũi và quan tâm của cha mẹ dành cho mình.