Vì sao VFF phải đẩy nhanh tiến độ tìm Phó Chủ tịch tài chính?

(Dân trí) - Trái với kế hoạch từng được đặt ra hồi cuối năm ngoái, VFF gặp trục trặc về tài chính do dịch ảnh hưởng Covid-19, muốn sớm tìm Phó Chủ tịch (PCT) phụ trách tài chính, dựa vào chính các ứng cử viên cũ.

Ở Đại hội thường niên của chính VFF hồi cuối năm ngoái, cơ quan điều hành bóng đá nội tự tin đến mức tuyên bố chưa cần đến chức danh Phó Chủ tịch (PCT) phụ trách tài chính, do các nguồn thu của VFF lúc đó rất ổn định, nhờ tiếng vang của các đội tuyển quốc gia ở các giải quốc tế. 

Nhưng đấy cũng là thời điểm mà VFF không ngờ việc dịch Covid-19 xuất hiện, gây khó khăn cho nhiều lĩnh vực nói chung, trong đó có bóng đá và có VFF. 

Sau động thái giảm lương nhân viên, VFF tiếp tục cho biết các nguồn thu trong năm 2020 dự kiến giảm thêm 6% (khoảng 15 tỷ đồng), và để các hoạt động của bóng đá Việt Nam do VFF quản lý không đi chệch kế hoạch vì nguồn thu giảm sút, cơ quan điều hành bóng đá nội buộc phải tính đến chuyện bổ sung thêm PCT phụ trách tài chính và vận động tài trợ.

Vì sao VFF phải đẩy nhanh tiến độ tìm Phó Chủ tịch tài chính? - 1
VFF muốn sớm tìm ra PCT phụ trách tài chính mới, nhằm giải quyết các khó khăn hiện tại, đồng thời giúp cho hoạt động của các đội tuyển không bị ngưng trệ

Vị trí này hiện do PCT phụ trách chuyên môn Trần Quốc Tuấn kiêm nhiệm, sau khi người được bầu hồi đầu nhiệm kỳ 8 là ông Cấn Văn Nghĩa từ chức. Tuy nhiên, như đã nói, trong bối cảnh bình thường, khi mọi hoạt động đều trơn tru, ông Tuấn có thể kiêm nhiệm được, nhưng trong hoàn cảnh đặc biệt như hiện nay, việc kiêm nhiệm thêm vai trò phụ trách tài chính có thể là việc quá sức đối với vị PCT chuyên về chuyên môn.

Thành ra, thay vì chờ đến cuối năm như thông lệ, VFF dự định sẽ tổ chức đại hội thường niên ngay trong tháng 8 tới, để sớm bầu người giữ cương vị PCT phụ trách tài chính. Việc tổ chức đại hội sớm cũng là để các ứng cử viên chủ động trong tâm lý cũng như trong các kế hoạch tranh cử, và kế hoạch hành động trong trường hợp trúng cử PCT phụ trách tài chính và vận động tài trợ của VFF.

Các ứng cử viên này cho đến nay, có khả năng không phải là những gương mặt mới, mà đa số đều là những người từng tranh cử trước khi bước vào nhiệm kỳ 8.

Những nhân vật được nhắc đến hiện tại có ông Trần Văn Liêng - chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty Ca cao Việt Nam, ông Nguyễn Hoài Nam - Tổng giám đốc công ty Berjaya Việt Nam.

Đấy là những nhân vật ở ngoài VFF. Còn có thêm ít nhất 3 ứng cử viên khác hiện có tên trong Ban chấp hành (BCH) VFF, vừa là doanh nhân, vừa là những nhà quản lý thể thao ở các cấp độ khác nhau.

Đó là các ông Lê Văn Thành (chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty Cổ phần thể thao Động Lực), ông Trần Anh Tú (chủ tịch Hội đồng thành viên công ty TNHH Thương mại Thái Sơn Nam) và ông Phạm Thanh Hùng (chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty CP khai thác khoáng sản Vàng Hà Giang, PCT Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Ninh).

Dĩ nhiên, riêng ở thời điểm hiện tại, nhận nhiệm vụ PCT phụ trách tài chính của VFF là rất khó khăn, khó khăn hơn những hoàn cảnh bình thường khác, vì như đã nói, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang cố gắng vực dậy hoạt động kinh doanh của mình, chuyện tài trợ cho bóng đá giờ chỉ là chuyện phụ, nên VFF sẽ khó kêu gọi tài trợ hơn. 

Nhưng khó cỡ nào thì các hoạt động của bóng đá nội cũng không thể ngưng trệ, đồng thời càng gặp hoàn cảnh khó thì vai trò của người nhận trọng trách này càng đáng giá, rồi trong cái khó mới “ló” cái tài của nhân vật nắm kinh – tài cho VFF!

Kim Điền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm