1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Vì sao trọng tài không cho tuyển Việt Nam hưởng phạt đền?

Hạo Minh

(Dân trí) - Ở trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Australia vừa diễn ra, cầu thủ Australia để bóng chạm tay trong vòng cấm địa, nhưng trọng tài không cho tuyển Việt Nam hưởng phạt đền. Lý do tại sao?

VAR từ chối phạt đền cho tuyển Việt Nam

Trong trận Australia thắng 1-0 trước Việt Nam ở lượt hai bảng B, vòng loại thứ ba World Cup 2022 vừa diễn ra tại Mỹ Đình, trọng tài đã gây tranh cãi lớn khi từ chối cho tuyển Việt Nam được hưởng một phạt đền. 

Pha bóng gây tranh cãi diễn ra ở phút 27, Hồng Duy sút bóng chạm tay hậu vệ Grant khi cầu thủ này đứng trong vòng cấm địa Australia. Dưới sự tư vấn của tổ trọng tài VAR, trọng tài chính Al Jassim đã dừng trận đấu đi ra đường biên quan sát lại tình huống này qua video. Sau khi tham khảo video, ông Al Jassim quyết định không có phạt đền cho Việt Nam. 

Vì sao trọng tài không cho tuyển Việt Nam hưởng phạt đền? - 1

Trọng tài báo hiệu sử dụng VAR để xem lại pha bóng chạm tay Grant, (Ảnh: Tiến Tuấn).

Vậy trọng tài Al Jassim căn cứ vào đâu để đưa ra nhận định này?

Theo quy định của Ủy ban Hiệp hội Bóng đá Quốc tế (IFAB) mới được đưa vào áp dụng từ tháng 3/2021, việc xác định bóng chạm tay cầu thủ trong vòng cấm địa được tạm hiểu như sau:

"Một cầu thủ để bóng chạm tay ở trong vòng cấm địa đội nhà sẽ chỉ bị thổi phạt đền nếu tay của anh ta ở vị trí không tự nhiên hoặc làm cơ thể to lớn hơn trạng thái bình thường (tạm hiểu nếu tay có tách ra khỏi cơ thể, nhưng đó là trạng thái hoạt động bình thường thì bóng có chạm tay cũng không bị thổi phạt)".

Trong tình huống của Grant, bóng chạm khủyu tay ở gần sát thân của cầu thủ này. Vì thế trọng tài nhận định hậu vệ của Australia không làm lớn cơ thể bất thường, anh ta phòng thủ trong trạng thái tự nhiên nên không xác định có lỗi. Đồng nghĩa không có phạt đền cho Việt Nam. 

Vấn đề gây tranh cãi nằm ở đâu?

Vì sao trọng tài không cho tuyển Việt Nam hưởng phạt đền? - 2

Trọng tài Al Jassim nhắc nhở Irvine sau khi cầu thủ này đốn ngã Tiến Linh, (Ảnh: Tiến Tuấn).

Nếu chỉ xét phần từ vai xuống khủyu tay, đúng là Grant để gần sát thân, có thể tính là trạng thái hoạt động tự nhiên. Tuy nhiên, xét nguyên cánh tay của cầu thủ này sẽ không như vậy. Khi Hồng Duy thực hiện cú sút, cả cánh tay của Grant vung lên, thậm chí phần cẳng tay vung ra xa và vuông góc với cơ thể. Nhìn tổng thể, rõ ràng Grant làm lớn cơ thể một cách bất thường.

Về nguyên tắc, các cầu thủ không được sử dụng tay chơi bóng nên họ sẽ phải khép tay sát người hoặc giấu tay sau lưng khi đối mặt với bóng. Ở trường hợp này, cánh tay của hậu vệ Australia có thiên hướng cản bóng và sau đó bóng đã chạm phần khủyu tay. Vì vậy cần phải có phạt đền cho tuyển Việt Nam.

Không khó để tìm ra nhận định đối lập với quyết định của ông Al Jassim. Nhìn lại trận đấu trước của tuyển Việt Nam gặp Saudi Arabia, hậu vệ Đỗ Duy Mạnh bị phạt do để bóng chạm tay trong vòng cấm địa. Có thể biện minh cánh tay của Duy Mạnh vung lên tự nhiên khi thực hiện một pha xoạc bóng, tuy nhiên trong bóng đá thì điều đó vẫn bị tính phạm luật, nên giới chuyên môn đa phần đều nhận định "phạt đền là đúng".

Vì vậy, quyết định không cho Việt Nam hưởng phạt đền là một quyết định sai nghiêm trọng của trọng tài Al Jassim.