Vì sao Thạch Kim Tuấn thất bại ở Olympic Tokyo?
(Dân trí) - Dù chọn mức cử đẩy khiêm tốn so với các đối thủ tại phần thi chung kết nội dung cử tạ nam hạng cân dưới 61 kg, nhưng Thạch Kim Tuấn đều thất bại ở cả 3 lần thi của mình.
Thạch Kim Tuấn chính là niềm hy vọng huy chương lớn nhất của đoàn thể thao Việt Nam trong ngày thi đấu 25/7. VĐV sinh năm 1994 nằm ở nhóm A, hạng cân 61kg, với sự quy tụ của tất cả đô cử mạnh nhất thế giới hiện tại.
Kim Tuấn đăng ký mức tạ 296kg gồm phần thi cử giật và cử đẩy (mỗi VĐV có 3 lần đăng ký mức tạ ở các phần thi). Trong lịch sử, thành tích tổng cử tốt nhất của Thạch Kim Tuấn là 304kg.
Ở phần thi cử giật, Thạch Kim Tuấn thất bại ngay lần đầu tiên ở mức tạ 126kg. Phải đến lần thứ hai VĐV quê Bình Thuần mới thành công mức tạ 126 kg cử giật. Sau đó, anh lại không thành công với mức tạ 130 kg ở lần thứ ba. Kim Tuấn xếp thứ 8 trong số 9 VĐV ở phần thi này.
Đáng chú ý, người đứng đầu nội dung cử giật là Li Fabin (141kg), đứng thứ 2 là Irawan Irawan Eko Yuli (137kg), đứng thứ ba là Itokazu Yoichi (133kg). Kỷ lục thế giới ở nội dung này là 145kg của Li Fabin.
Đến phần thi cử đẩy, Kim Tuấn đăng ký mức tạ 150 kg ở lần cử đầu tiên, sau đó nâng lên mức 153 kg. Song anh thất bại ở cả 3 lần trong phần thi này, qua đó hết cơ hội tại Olympic.
Ở nội dung cử đẩy, đô cử người Trung Quốc Li Fabin đứng đầu với thành tích 172kg, đứng thứ 2 là Eko Yuli của Indonesia (165kg), thứ 3 là Son Igor của Kazakhstan (163kg). Như vậy, VĐV giành HCV ở hạng 61kg là Li Fabin với tổng cử 313kg, HCB thuộc về Eko Yuli (302kg) và HCĐ là Son Igor (294).
Lý giải về nguyên nhân thất bại của Thạch Kim Tuấn ở Olympic Tokyo, tổng thư ký Liên đoàn Cử tạ Việt Nam Đỗ Đình Kháng cho biết Thạch Kim Tuấn đã gặp phải rất nhiều khó khăn trong quá trình chuẩn bị cho Olympic 2020.
"Nguyên nhân thì nhiều, trong đó có việc Tuấn phải cách ly khoảng 1,5 tháng, sau khi trở về từ vòng loại cuối Olympic. Cậu ấy cũng không còn ở thời kỳ phong độ đỉnh cao. Yếu tố tâm lý cũng là nguyên nhân đáng kể.
Gần hết 14 ngày cách ly, ở gần phòng Tuấn có một ca F0. Vì thế, cậu ấy phải cách ly lại từ đầu, mất thêm 21 ngày. Lúc này, chúng tôi buộc phải liên lạc qua nhiều kênh khác nhau để đưa tạ vào giúp Tuấn tập luyện. Tuy nhiên, cậu ấy cũng chỉ tập duy trì trong điều kiện thiếu thốn", ông Kháng cho biết.
Ngoài ra, theo ông Đỗ Đình Kháng thì Thạch Kim Tuấn không được đảm bảo dinh dưỡng cho cơ thể khi phải cách ly dài ngày dẫn tới không có được trạng thái sức khỏe và tinh thần tốt nhất cho phần thi chung kết tại Olympic Tokyo.
Sau khi Thạch Kim Tuấn thất bại, cử tạ Việt Nam chỉ còn niềm hy vọng vào Hoàng Thị Duyên ở hạng 49kg.