Những sự kiện dở khóc dở cười tại V-League 2020
(Dân trí) - HLV Chung Hae Seong (CLB TPHCM) bị sa thải rồi được mời trở lại, trọng tài bắt sai khiến đội Nam Định suýt rớt hạng mong cho bi kịch đừng đến… Đấy là những dấu ấn không biết nên khóc hay nên cười?
HLV Chung Hae Seong bị CLB TPHCM sa thải rồi được mời quay lại
Không lâu sau thất bại 0-3 trước CLB TPHCM ở giai đoạn 1 LS V-League năm nay, đội bóng thành phố tuyên bố điều chuyển ông Chung Hae Seong từ vị trí HLV trưởng về với cương vị Giám đốc kỹ thuật, xem như một hình thức… đuổi khéo.
Thế nhưng, cũng chỉ hơn chục ngày sau đó, chính CLB TPHCM tổ chức gặp mặt báo chí chớp nhoáng, thông báo vị HLV người Hàn Quốc quay trở lại với vị trí HLV trưởng, khiến cho HLV tạm quyền Nguyễn Hữu Thắng và dàn trợ lý mới của ông Thắng cùng “lên đường”.
Nguyên nhân của quyết định thiết nhất quán này từ phía CLB TPHCM, được cho là xuất phát từ chỗ đội bóng thành phố và HLV Chung Hae Seong không đạt được thoả thuận đền bù lướng.
Ông Chung đòi CLB TPHCM phải chung đủ hơn chục tháng lương còn lại, trong khi đội bóng thành phố chỉ muốn chung một nửa theo như thời hạn hợp đồng. Rốt cuộc, CLB TPHCM không sa thải vì vừa sợ tốn tiền đền bù hợp đồng, vừa phải tìm HLV mới, trả lương cho HLV mới, coi nhất sẽ mất cùng lúc 2 đầu lương.
Bóng vào lưới trọng tài vẫn “móc” được ra ngoài
Đấy là tình huống xảy ra ở trận đấu trong khuôn khổ vòng 3 giai đoạn 2, nhóm B, giữa CLB bóng đá Quảng Nam và DNH Nam Định trên sân Tam Kỳ (Quảng Nam). Ở hiệp 2 của trận đấu này, Rafaelson của Nam Định sút bóng vào lưới đội Quảng Nam trong tư thế hoàn toàn hợp lệ.
Tuy nhiên, trợ lý trọng tài K’Đức Tuấn dù không bị khuất tầm nhìn, cũng như tình huống cũng không nhanh đến mức không thể quan sát, vẫn quyết định căng cờ báo việt vị.
Khi đó, tỷ số đang là 1-0 nghiêng về phía CLB bóng đá Quảng Nam, nếu Nam Định được công nhận bàn thắng và gỡ hoà, có khả năng đội này đã trụ hạng sớm trước 2 vòng đấu, thay vì phải hồi hộp đến phút chót.
Sau trận đấu, trợ lý trọng tài K’Đức Tuấn thừa nhận mình sai rành rành, cũng như cho biết nếu Nam Định mà rớt hạng ông sẽ phải rất hối hận với quyết định của mình. Lý lẽ được chống chế là thời tiết xấu khiến cho việc quan sát không tốt. Nhưng càng nói thì càng sai, nếu đã là thời tiết xấu đến mức gây ảnh hưởng đến tầm nhìn của trọng tài, thì chính các trọng tài phải cho dừng trận đấu, dời sang thời điểm khác, chứ không thể tiếp tục dưới điều kiện như họ phản ánh được!
Điều đáng chú ý khác nằm ở chỗ, mùa giải 2020 là mùa giải làm nhiệm vụ chuyên nghiệp cuối cùng của trợ lý trọng tài K’Đức Tuấn, khi ông đã đến tuổi phải nghỉ theo quy định của AFC. Có nghĩa là Ban trọng tài VFF phân công một trọng tài trước sau gì cũng nghỉ theo chế độ, bắt trận đấu cực căng có ý nghĩa quyết định số phận của cả một tập thể, một địa phương. Thế thì khác nào “giao trứng cho… ác”.
Bầu Đệ và công văn đòi bỏ giải gây xôn xao
Ở giai đoạn V-League nghỉ lần thứ 2 vì dịch Covid-19, chủ tịch CLB bóng đá Thanh Hoá, ông Nguyễn Văn Đệ, bất ngờ ký công văn tuyên bố muốn rút lui khỏi giải đấu, dành quân và dành sức để đá mùa sau.
Đồng thời, cũng trong công văn của mình, vị chủ tịch của đội bóng xứ Thanh muốn VFF và BTC giải V-League hỗ trợ cho đội Thanh Hoá, vì những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.
Công văn này sau đó bị chính tỉnh Thanh Hoá và ngành TDTT tỉnh này phản ứng, yêu cầu ông Đệ rút lại quyết định của mình.
Không chỉ có công văn đòi bỏ giải, chủ tịch CLB bóng đá Thanh Hoá, ông Nguyễn Văn Đệ còn có những quyết định kỳ lạ trong việc sử dụng và sa thải HLV.
Từ Fabio Lopez (người Italia) cho đến Nguyễn Thành Công đều bị ràng buộc và buộc phải nghỉ sau những quy định kỳ lạ chỉ thấy ở đội bóng xứ Thanh, trong đó có việc HLV trưởng muốn thay đổi nhân sự trên sân phải có sự đồng thuận của… đa số tập thể Ban huấn luyện.
Lập kỷ lục thua, HA Gia Lai vẫn có lượng CĐV số 1 V-League
Thật kỳ lạ là ngay cả ở thời điểm mà đội bóng của bầu Đức sa sút mạnh ở giai đoạn 2 V-League, họ vẫn thu hút cực đông khán giả, thậm chí các trận đấu có đội HA Gia Lai xuất hiện còn đón lượng người xem đông hơn không ít trận cầu có ý nghĩa tranh ngôi vô địch.
Khi HA Gia Lai làm khách trước CLB TPHCM ở vòng 5 giai đoạn 2, sân Thống Nhất vẫn đón hơn cả vạn người xem, dù đội bóng phố núi vừa trải qua 4 trận liền toàn thua, riêng ở trận đấu vừa nêu với đội bóng thành phố, họ tiếp tục vẫn thua.
Lượng khán giả này đông gấp… chục lần so với số lượng người xem trận Sài Gòn FC gặp Than Quảng Ninh cũng trên sân Thống Nhất trước đó 1 ngày, dù chủ nhà Sài Gòn FC vẫn đang tranh ngôi vô địch.
Chừng 4 – 5 ngày sau, HA Gia Lai đến B.Bình Dương làm khách của đội bóng đất Thủ Dầu, hàng ngàn khán giả vẫn mua vé vào sân xem họ thi đấu, giữa một đội bóng vừa thua liền 5 trận liên tục (HA Gia Lai), đá với một đội bóng đã hết mục tiêu (B.Bình Dương).
Không có bất kỳ đội bóng nào tại V-League có lượng người hâm mộ đông hơn HA Gia Lai, bất chấp thành tích của họ ra sao tại V-League.
Đấy không biết là điều nên buồn hay nên vui, bởi giá như một bộ phận người hâm mộ khắt khe hơn với chuyện thành tích của đội bóng phố núi, biết đâu HA Gia Lai buộc phải quyết liệt hơn trong việc tranh thành tích, tranh thứ hạng tại giải vô địch quốc gia, thay vì đón nhận các trận thua quá dễ?