Ngôi vô địch của Viettel và lời cảnh báo đến CLB Hà Nội
(Dân trí) - Dù Viettel vô địch, họ vẫn chưa chắc mạnh hơn CLB Hà Nội. Nhưng việc không mạnh bằng đối thủ mà vẫn có thể xưng vương thì đấy chính là cái hay của các đội bóng vốn yếu thế tại V-League năm nay.
Và ngôi vô địch của Viettel ngoài chuyện vinh danh chính bản thân đội này, sẽ còn là động lực cho phần còn lại của toàn bộ giải V-League trong việc tìm đến ngôi đầu của giải đấu, tìm cách vượt qua CLB Hà Nội và nhóm các đội bóng của bầu Hiển.
Thực tế V-League năm nay, nhất là thực tế của giai đoạn 2 cho thấy Viettel nói riêng và các đội bóng còn lại của giải đấu nói chung không cần liên minh vẫn có thể lên ngôi.
Bởi, nếu ngược lại, nếu có dạng bóng đá liên minh thì nhóm các đội bóng phía Nam, vốn có vị trí địa lý rất gần nhau, gồm CLB TPHCM, Sài Gòn FC, B.Bình Dương và HA Gia Lai đã “đẩy” Sài Gòn FC – đội bóng vốn có lợi thế nhất về mặt điểm số trước khi giai đoạn 2 LS V-League 2020 bắt đầu, lên ngôi vô địch, chứ không phải Viettel hay kể cả CLB Hà Nội.
Họ có thể xa luân chiến, theo kiểu gặp đối thủ thì “phang”, gặp đội thân với mình thì đá nhẹ nhàng, để bên “dập”, bên “nâng”. Nhưng họ không làm thế, họ chơi sòng phẳng đến tận cùng, qua đó đóng góp rất lớn cho chất lượng và hình ảnh của giải đấu.
Đơn cử là HA Gia Lai đang thua xiểng liểng, gặp phải đội bóng mà nhiều người ngỡ là rất thân với họ (sau vụ cho mượn tiền đạo Công Phượng) là CLB TPHCM. Ấy thế mà đội bóng thành phố vẫn giáng cho HA Gia Lai thêm một đòn nữa, khiến đội bóng phố núi choáng váng. Cho dù, bản thân CLB TPHCM đến lúc đó chẳng còn khả năng tranh huy chương.
Hay như B.Bình Dương vốn không có chỉ tiêu rõ ràng ở giai đoạn 2, nhưng vẫn đá thắng Sài Gòn FC đến 3-1, để rồi vì trận thua đó trước B.Bình Dương mà đội bóng của HLV Vũ Tiến Thành mất ngôi đầu bảng, mất luôn ngôi vô địch.
Và người ta đánh giá cao ngôi vô địch của Viettel cũng ở điểm ấy, ngôi vô địch của hình thức bóng đá không liên minh, không chi phối làng cầu nội bằng cách tác động đến nhiều đội bóng khác nhau, cùng chịu ảnh hưởng từ một ông bầu.
Ngôi vô địch của đoàn quân trong tay HLV Trương Việt Hoàng vì thế là cái kết có hậu cho V-League, và cũng sẽ là động lực cho phần còn lại của giải đấu.
Bản thân Viettel từ sau khi đăng quang sẽ tin rằng họ có thể thành công, chứ không phải đầu tư trong vô vọng như FLC Thanh Hoá trước đây. Từ đó Viettel sẽ nâng cấp đội bóng của mình, hòng giữ được vị thế cạnh tranh trong các mùa giải tiếp theo.
Nhiều nhà đầu tư khác ở bên ngoài nhìn vào, trông thấy thành công của Viettel cũng sẽ tin rằng họ có thể thành công, nếu đầu tư đúng hướng, chiêu mộ đúng người, mà không phải ngại chuyện giải đấu bị chi phối bởi những liên minh, bởi những tiếng còi có chủ đích của một bộ phận trọng tài như trước.
Và nếu điều đó đến với V-League, đến với bóng đá Việt Nam sau ngôi vô địch có tính chất mở đường của Viettel, thì giải đấu sẽ có lợi ở tính cạnh tranh, ở sự sòng phẳng. Mà ở bất kỳ lĩnh vực nào, sự cạnh tranh sòng phẳng và lành mạnh chính là tiền đề để phát triển. Bóng đá Việt Nam nói chung, giải V-League nói riêng cũng vậy!