Làn sóng cầu thủ Việt Nam sang J-League gây xôn xao báo Nhật Bản
(Dân trí) - Trong năm 2021, ít nhất 3 cầu thủ Việt Nam thi đấu cho các đội bóng thuộc các hạng đấu của J-League, bằng toàn bộ số lượng cầu thủ Việt từng sang Nhật Bản trong nhiều năm trước đó.
Ba cầu thủ Việt Nam sang Nhật thi đấu trong năm nay là Đặng Văn Lâm (Cerezo Osaka), Cao Văn Triền và Trần Danh Trung (FC Ryukyu). Đặng Văn Lâm đã được CLB Cerezo Osaka đăng ký cho mùa giải 2021, còn Cao Văn Triền và Trần Danh Trung sẽ khoác áo FC Ryukyu từ mùa Hè năm nay, tức là từ giai đoạn 2 của mùa giải bóng đá nhà nghề Nhật Bản.
Với ba cầu thủ nói trên, số lượng cầu thủ Việt Nam sang Nhật thi đấu tại các hạng đấu thuộc giải J-League, bằng đúng tổng số cầu thủ nội từng khoác áo các CLB chuyên nghiệp Nhật Bản trong suốt chiều dài lịch sử của bóng đá Việt Nam trước đó.
Không tính giai đoạn bóng đá Nhật Bản chưa tiến lên chuyên nghiệp, kể từ thời điểm hệ thống giải J-League trở thành hệ thống bóng đá nhà nghề, chỉ có 3 cầu thủ Việt Nam từng khoác áo các CLB của Nhật, gồm Lê Công Vinh (Consadole Sapporo), Nguyễn Công Phượng (Mito Hollyhock) và Nguyễn Tuấn Anh (Yokohama FC).
Thậm chí, đây là năm đầu tiên có cầu thủ Việt Nam thi đấu ở hạng đấu cao nhất của bóng đá nhà nghề Nhật Bản J-League 1, khi Đặng Văn Lâm chuyển đến chơi cho CLB Cerezo Osaka. Còn trước đó, cả Công Vinh lẫn Công Phượng và Tuấn Anh mới chỉ được đá ở J-League 2.
Làn sóng cầu thủ Việt Nam ồ ạt sang Nhật dĩ nhiên khiến truyền thông xứ sở mặt trời mọc quan tâm lớn. Đặc biệt, Cao Văn Triền và Trần Danh Trung hay trước đó là Đặng Văn Lâm có thể vẫn chưa phải là những cầu thủ Việt Nam cuối cùng sang Nhật Bản thi đấu trong năm nay.
Để cố đi tìm nguyên nhân cho làn sóng "di cư" cầu thủ đầy bất ngờ nói trên, tờ Nikkei của Nhật Bản dẫn lời chủ tịch CLB Sài Gòn FC, ông Trần Hòa Bình, người vừa đưa 2 cầu thủ Cao Văn Triền và Trần Danh Trung sang giải J-League 2.
Nikkei viết về những chia sẻ của ông Bình: "Tôi muốn cầu thủ Việt Nam phát triển nhanh hơn. Việc cầu thủ Việt Nam tích lũy kinh nghiệm khi thi đấu tại J-League sẽ giúp họ được nâng tầm, qua đó nâng tầm đội tuyển Việt Nam".
"Việc đưa cầu thủ Việt Nam sang Nhật được tiến hành theo từng bước. Đầu tiên, tôi muốn HLV Shimoda (HLV của Sài Gòn FC, cựu Giám đốc kỹ thuật Liên đoàn bóng đá Nhật Bản) truyền đạt kinh nghiệm về văn hóa và tiêu chuẩn ở các CLB Nhật Bản cho cầu thủ Việt Nam.
Bước tiếp theo, tôi đưa cầu thủ Việt Nam sang Nhật thi đấu, với thỏa thuận mỗi năm đưa 2 cầu thủ giỏi nhất của chúng tôi đến CLB FC Ryukyu thuộc giải J-League 2" - tờ Nikkei của Nhật Bản tiếp tục dẫn lời ông Trần Hòa Bình.
Ngoài việc cầu thủ Việt Nam đang sang khoác áo các CLB Nhật Bản ngày một nhiều hơn, tờ báo của Nhật Bản cũng quan tâm đến sự phát triển của bóng đá Việt Nam, của cầu thủ Việt Nam trong tương lai.
Việt Nam là thị trường mà giải J-League của Nhật Bản rất quan tâm. Theo quy định của hệ thống các giải đấu nhà nghề J-League, cầu thủ đến từ các nền bóng đá thành viên của AFC, trong đó bao gồm cầu thủ Việt Nam, sẽ không bị tính là cầu thủ ngoại khi thi đấu tại Nhật Bản.
Tờ Nikkei của Nhật Bản tiếp tục đi tìm lý do cầu thủ Việt Nam muốn sang Nhật thi đấu, thông qua bình luận của ông Trần Hòa Bình: "Ưu tiên hàng đầu của tôi là phát triển nguồn nhân lực. Tôi có một học viện bóng đá tại Việt Nam, nhưng phải chờ thêm 5 - 10 năm nữa mới cho kết quả".
"Còn trước mắt, tôi muốn cầu thủ Việt Nam học được những điểm tích cực từ cầu thủ Nhật Bản, học hỏi về tính cống hiến cho đội tuyển. Cầu thủ Việt Nam của chúng tôi chăm chỉ và năng động, điều cần làm là cho họ cơ hội để phát triển, và tôi nắm bắt cơ hội đó để đưa họ sang Nhật" - vẫn là chia sẻ của "bầu" Bình, được báo chí Nhật Bản quan tâm.