Cơ hội đoạt huy chương của thể thao Đông Nam Á ở Olympic Paris
(Dân trí) - Không phải là các cường quốc thể thao ở đấu trường Olympic, nhưng các quốc gia Đông Nam Á vẫn có thế mạnh riêng ở đấu trường này, đặc biệt là ở các môn võ (hạng cân nhẹ), cầu lông, cử tạ…
Tính đến trước khi Olympic Paris 2024 khai mạc rạng sáng mai (0h30 ngày 27/7, theo giờ Việt Nam), các đoàn thể thao ở Đông Nam Á đã giành tổng cộng 109 huy chương các loại ở đấu trường Thế vận hội, qua các thời kỳ.
Trong đó, có 21 huy chương vàng (HCV), 40 huy chương bạc (HCB) và 48 huy chương đồng (HCĐ). Thái Lan là quốc gia ở Đông Nam Á giành nhiều HCV nhất, tổng cộng 10 HCV qua các kỳ Olympic.
Xếp tiếp theo lần lượt là các đoàn Indonesia (8 HCV), Philippines, Singapore và Việt Nam (mỗi đoàn có một HCV). Riêng Malaysia từng giành đến 8 HCB ở các kỳ Olympic, nhưng chưa từng giành HCV nào.
Về số lượng huy chương, Indonesia dẫn đầu Đông Nam Á với 37 huy chương các loại ở Thế vận hội. Xếp tiếp theo là Thái Lan với 35 huy chương các loại. Philippines giành được 14 huy chương các loại, Malaysia giành được 13, trong khi Việt Nam và Singapore mỗi đoàn giành được 5 huy chương các loại qua các thời kỳ.
Có 5 quốc gia tại Đông Nam Á chưa từng giành huy chương nào tại Thế vận hội, đó là các đoàn Brunei, Lào, Campuchia, Myanmar và Timor Leste.
Các quốc gia Đông Nam Á cực mạnh ở các môn võ, hạng cân nhẹ như quyền anh, taekwondo. Riêng Thái Lan và Philippines là các cường quốc quyền anh thế giới.
Ở môn cử tạ, hạng cân nhẹ, các đoàn thể thao Đông Nam Á cũng rất mạnh. Tại Olympic Paris 2024, có 2 vận động viên (VĐV) cử tạ Đông Nam Á có khả năng tranh chấp huy chương, thậm chí HCV, nếu họ đạt phong độ cao nhất và có thêm chút may mắn.
Những VĐV cử tạ có triển vọng lớn gồm Trịnh Văn Vinh của đoàn Việt Nam và Yuli Irawan của Indonesia, đều ở hạng cân 61kg nam.
Cầu lông là thế mạnh khác của Đông Nam Á. Các quốc gia Malaysia, Indonesia và Thái Lan đều đặt chỉ tiêu giành HCV Olympic Paris 2024 trong môn cầu lông.
Riêng Thái Lan có tay vợt Kunlavut Vitidsarn đang là đương kim vô địch đơn nam thế giới, cũng như họ có đôi nam nữ Dechapol Puavaranukroh và Sapsiree Taerattanachai được đánh giá còn mạnh hơn cả các VĐV Trung Quốc (cường quốc số một của cầu lông thế giới ở nhiều kỳ Olympic gần nhất).
Về mặt số lượng VĐV, Thái Lan là quốc gia ở Đông Nam Á cử nhiều VĐV nhất tham dự Olympic Paris 2024, với 51 người. Tiếp theo lần lượt là các đoàn Malaysia (29 VĐV), Indonesia (26 VĐV), Singapore (23 VĐV), Philippines (22), Việt Nam (16), Timor Leste (4), Brunei (3), Campuchia (3), Lào (3) và Myanmar.
Về mặt số lượng, các đoàn thể thao đến từ Đông Nam Á chưa là gì so với nhóm các siêu cường Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Australia. Tuy nhiên, như đã nói, thể thao Đông Nam Á vẫn có thế mạnh riêng và mang lại màu sắc riêng cho các kỳ Olympic.