Chuyên gia: Việt Nam cần thay đổi tư duy về thể thao học đường, phong trào
(Dân trí) - Chuyên gia Đoàn Minh Xương chỉ ra thực tế các nền thể thao mạnh nhất, dẫn đầu Olympic là những các quốc gia có thể thao học đường rất phát triển: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc…
Ông Đoàn Minh Xương từng là HLV bóng đá chuyên nghiệp và vô địch bóng đá quốc gia với đội Đồng Tháp. Ông Xương còn là một giáo viên, sau đó là giảng viên Đại học Thể dục thể thao (TDTT) TPHCM. Hiện tại, ông tham gia công tác phát triển bóng đá cộng đồng TPHCM.
Chính vì thế, chuyên gia Đoàn Minh Xương hiểu rõ thể thao chuyên nghiệp lẫn thể thao phong trào, hiểu rõ thể thao đỉnh cao lẫn thể thao học đường. Ông Xương trao đổi với phóng viên báo Dân trí.
Khác biệt giữa thể thao thế giới và thể thao Việt Nam
Có quá nhiều vấn đề để nói về thất bại của thể thao Việt Nam tại Olympic Paris 2024, đúng không thưa ông?
- Tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta cần phải thay đổi tư duy. Việc đầu tư dàn trải như thời gian qua không còn phù hợp. Chính vì thế, nhìn vào những gì diễn ra với thể thao Việt Nam trong vài năm gần đây, tôi cho rằng nhiều người không thấy bất ngờ khi chúng ta không thành công ở đấu trường Olympic.
Mũi nhọn của chúng ta nằm ở đâu, thế mạnh của thể thao Việt Nam như thế nào ở đấu trường Olympic là điều mà những người hiểu về thể thao Việt Nam không thấy.
Về vấn đề này, các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á như Philippines, Indonesia, Thái Lan có định hướng rõ ràng hơn hẳn chúng ta. Họ có chiến lược rõ nét hơn, có sự chuẩn bị từ trước, nhắm vào những môn mà họ có thể giành huy chương ở Olympic.
Cụ thể những môn đó là gì?
- Có những môn rất phù hợp với người Đông Nam Á, chí ít là những môn này phù hợp hơn so với mặt bằng chung của nhiều môn thi đấu tại Olympic. Đầu tiên đó là nhóm các môn đòi hỏi sự tập trung và tính chính xác, như bắn súng, bắn cung.
Thứ hai là nhóm các môn võ hạng cân nhẹ, những môn không va chạm trực tiếp như cầu lông, cử tạ các hạng cân nhẹ, thể dục dụng cụ (TDDC). Các nước như Thái Lan, Philippines, Indonesia có chiến lược phát triển những môn này, trong khi thể thao Việt Nam quá dàn trải.
Thể thao học đường là chân đế vững chắc nhất
Để thay đổi thực tế đó, thể thao Việt Nam phải thay đổi điều gì, thưa ông?
- Như tôi đã nói, chúng ta phải thay đổi tư duy. Thể thao Việt Nam phải huy động được các nguồn lực xã hội, thay đổi đích đến. Thay vì nhắm vào SEA Games, chúng ta phải hướng đến những đấu trường lớn hơn. Thay vì đầu tư quá nhiều môn để giành vị trí số một SEA Games, chúng ta phải tập trung để hướng đến Olympic.
Đặc biệt, việc phát triển thể thao học đường rất quan trọng. Có một thực tế ở chỗ hầu hết các nền thể thao mạnh nhất thế giới, đứng đầu Olympic, gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Australia, Hàn Quốc, thậm chí Thái Lan, Philippines đều phát triển mạnh thể thao học đường.
Thể thao học đường là nguồn nhân lực, nguồn vận động viên (VĐV) vô tận mà không có lò đào tạo, không có hệ thống đào tạo nào khác có được. Đây cũng là môi trường an toàn được các phụ huynh tin tưởng.
Họ tin thì họ mới cho con em mình theo đuổi, và trong số những phụ huynh đấy, cũng không thiếu nhà đầu tư, đấy là cũng là phương pháp thu hút nguồn lực từ xã hội.
Thường thì trong cả ngàn VĐV trẻ, mới có thể tìm ra một tài năng thực thụ, vậy thì vài trăm người còn lại sẽ làm gì nếu không thể tiến lên chuyên nghiệp? Thể thao học đường giải quyết luôn vấn đề này, những em không tiến lên được đỉnh cao vẫn sẽ ở lại học đường, tiếp tục việc học văn hóa và có nghề nghiệp ổn định, có trình độ chuyên môn trong lĩnh vực khác.
Vậy muốn xây dựng thể thao học đường, trước tiên cần phải có những gì?
- Điều kiện tiên quyết để phát triển thể thao học đường đó là phải có cơ sở vật chất dành cho điều này. Có cơ sở vật chất thể thao sẽ có VĐV, có VĐV sẽ có hệ thống thi đấu, có hệ thống thi đấu sẽ có nhà đầu tư và có tài năng thể thao.
Chúng ta thấy rằng ở Olympic vừa rồi, số lượng sinh viên thi đấu rất đông, số lượng sinh viên thành công, giành được huy chương tại Olympic rất đông. Ví dụ như ở đoàn thể thao nước Mỹ, tôi đọc thấy có thống kê hơn 200 VĐV Mỹ giành huy chương Olympic Paris 2024 là sinh viên của các trường đại học.
Những VĐV thành công nhất của Thái Lan và Philippines cũng là những sinh viên hoặc những người đã tốt nghiệp đại học (võ sĩ taekwondo giành huy chương vàng cho Thái Lan Panipak Wongpattanakit là thạc sĩ luật, VĐV giành 2 huy chương vàng thể dục dụng cụ cho Philippines Carlos Yulo là cử nhân văn học, tốt nghiệp tại Nhật Bản).
Tôi quay lại câu chuyện sở dĩ trước đây phụ huynh, nhất là phụ huynh ở các đô thị lớn ít cho con em của họ tham gia thể thao, vì họ không thấy tương lai, họ sợ rủi ro trong quá trình tập luyện. Nếu thể thao học đường phát triển tốt, phụ huynh sẽ thấy tương lai tốt hơn cho con em mình, đồng thời sẽ cảm nhận được sự an toàn nơi môi trường học đường.
Cơ sở vật chất đóng vai trò tiên quyết để phát triển thể thao học đường
Nhưng cũng ở các đô thị lớn như TPHCM và Hà Nội, rất khó để xây dựng cơ sở vật chất để phát triển thể thao học đường?
- Thật ra vẫn có giải pháp và giải pháp này dĩ nhiên không chỉ được quyết định bởi mỗi mình ngành thể thao. Ví dụ như giao quỹ đất cho nhà đầu tư nhưng phải đi kèm với cam kết chỉ được sử dụng quỹ đất này để xây dựng, phát triển cơ sở vật chất phục vụ thể thao. Không làm đúng cam kết sẽ bị thu hồi.
Cơ sở vật chất là điều kiện buộc phải có để phát triển thể thao, điều kiện buộc phải có để phát triển thể thao học đường.
Chúng ta cứ nhìn sang các nước xung quanh, các VĐV là sinh viên ở các nước không thể đạt đến trình độ thi đấu, trình độ giành huy chương Olympic, nếu như hàng ngày, hàng tuần họ không có sân bãi để tập luyện, hàng quý, hàng năm họ không có sân bãi để thi đấu các giải cấp trường, cấp liên trường và tiến tới cấp độ cao hơn.
Riêng về phương pháp và định hướng, phương pháp mà thể thao Việt Nam tìm kiếm VĐV đỉnh cao trong vài năm qua đã chệch hướng và đã lỗi thời?
- Có thể nói là như vậy. Tôi lấy ví dụ trường hợp của nữ kình ngư Ánh Viên, chúng ta từng đầu tư rất mạnh cho VĐV này, đưa Ánh Viên sang Mỹ tập huấn dài hạn, nhưng rốt cuộc thành tích của Ánh Viên cũng chỉ hơn trình độ SEA Games đôi chút, không tiến lên được tầm châu Á và xa hơn nữa.
Tức là phương pháp "nuôi gà nòi" như thế này không còn phù hợp nữa, phương pháp "nuôi gà nòi" tiềm ẩn quá nhiều rủi ro, vì việc tìm kiếm huy chương ở các đấu trường lớn phụ thuộc quá lớn vào phong độ của một ít "gà nòi".
Để có được nhiều thế hệ VĐV tài năng nối tiếp nhau, mỗi thế hệ có nhiều VĐV giỏi có trình độ tương đương với nhau, trước tiên phải xây dựng mô hình phát triển tài năng theo kiểu mô hình kim tự tháp, tức là phần chân đế phải chắc và rộng, càng lên cao thì càng nhỏ và càng tinh. Thể thao học đường chính là phương pháp tốt nhất để giải quyết bài toán này.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!