"Cao thủ võ thuật Việt Nam - Trung Quốc không làm màu để nổi tiếng"

Hoàng Quốc

(Dân trí) - Các môn võ cổ truyền Trung Quốc vốn là niềm tự hào lớn với đất nước này. Tuy nhiên, một vài năm nay, các võ sư Trung Quốc liên tục bị "bóc mẽ" khi để thua xấu mặt trước các võ sĩ nghiệp dư.

Ồn ào võ thuật Trung Quốc

Từ Hiểu Đông chính là người liên tục chê bai võ thuật Trung Hoa, đồng thời liên tục đưa ra những lời khiêu chiến, thách đấu với các võ sư Trung Quốc. Võ sĩ MMA mỉa mai võ thuật truyền thống của Trung Quốc đơn thuần là màn thêu hoa dệt gấm, không người nào có thể đánh đấm. Tất cả kẻ được gọi là bậc thầy võ thuật hay đại sư thật ra đang lừa người khác.

Cả đời chẳng bước lên võ đài thực chiến. Thứ võ thuật đó chỉ có thể dùng để biểu diễn. Thực tế, Từ Hiểu Đông từng nhiều lần hạ đo ván dễ dàng các võ sư Trung Quốc. Võ sĩ MMA đã hạ gục Lã Cương chỉ trong 47 giây, khiến cao thủ Vịnh Xuân vỡ mũi và nhập viện khẩn cấp.

Cao thủ võ thuật Việt Nam - Trung Quốc không làm màu để nổi tiếng - 1

Từ Hiểu Đông nhiều lần đánh bại các cao thủ võ cô truyền Trung Quốc.

Trước đó, Từ Hiểu Đông thậm chí còn hạ knock out Ngụy Lôi chỉ trong 10 giây, và trở nên nổi tiếng. Với những trận thắng áp đảo, võ sĩ họ Từ cho rằng võ thuật truyền thống Trung Quốc giờ đây chỉ còn hư danh để phục vụ phim ảnh, biểu diễn. Võ sư môn phái nào cũng chỉ là giả mạo. Gần đây, nhiều võ sư của Trung Quốc cũng bị bóc mẽ những chiêu lừa bịp, khiến hình ảnh võ thuật cổ truyền Trung Hoa ngày ngàng thất thế, mất hình ảnh.

Thời gian qua, liên tiếp xảy ra những màn tỉ thí giữa võ sư cổ truyền Trung Quốc và các tay đấm chuyên nghiệp. Đáng chú ý là trận thua ê chề của võ sư phái Vịnh Xuân, Đinh Hạo - người tự nhận mình là truyền nhân đời thứ tư của đại tôn sư Diệp Vấn, trước tay đấm tán thủ chuyên nghiệp Trần Cẩm Vân.

Mới đây, hai website của Trung Quốc là Nammuxuan.com và Mihunye.com đã đăng tải một bài viết thú vị về nhân vật Mã Bảo Quốc - kẻ bị coi là "Võ sư tệ nhất Trung Quốc" hay "Gã hề làng võ Trung Quốc". Bài viết có tiêu đề: "Bán võ thuật Trung Quốc, kiếm hơn 10 ngàn tệ mỗi ngày, Mã Bảo Quốc lừa đảo suốt một thời gian dài".

Những bài viết như thế này càng khiến võ thuật truyền thông Trung Quốc trở nên "mất giá" thê thảm. Những bê bối như trên xung quanh võ cổ truyền Trung Quốc đã dội gáo nước lạnh vào danh dự và uy tín của một trong những cái nôi lâu đời nhất của làng võ thuật châu Á.

Giới võ thuật thế giới nhấn mạnh tới việc võ thuật cổ truyền Trung Quốc không có thực chiến, nên khó có thể đánh lại được với những môn võ như karate, Muay Thái và đặc biệt là võ tự do MMA.

Cao thủ võ thuật Việt Nam - Trung Quốc không làm màu để nổi tiếng - 2

Ông Hoàng Vĩnh Giang khẳng định không có chuyện võ thuật Trung Quốc chỉ là trò biểu diễn, càng không phải là lừa bịp.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam, cho biết: "Đúng là có nhiều võ sĩ của Trung Quốc đã làm xấu hình ảnh nền võ thuật đất nước mình, nhưng tôi cho rằng không có chuyện võ thuật Trung Quốc chỉ là trò biểu diễn, càng không phải là lừa bịp.

Quốc gia nào cũng vậy, luôn có những môn võ truyền thống được truyền từ nhiều đời. Ở đâu cũng có người này, người kia, nhưng một số võ sĩ thích lên mạng làm vài ba trò lăng nhăng thì tôi không quan tâm".

Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang cho biết không thể khẳng định võ thuật Trung Quốc không có tính thực chiến. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng những võ sư giỏi họ không bao giờ lộ diện.

Cùng chung với ý kiến của võ sư Hoàng Vĩnh Giang, nhiều võ sư Việt Nam khác cũng cho rằng võ thuật cổ truyền Trung Quốc đang trở thành tâm điểm với những màn thách đấu gây trò hề. Những người học võ chân chính, không bao giờ tham gia vào các trò thách đấu rồi đưa lên mạng xã hội để bôi xấu hình ảnh của nhau.

Nhiều võ sư ngộ nhận về sức mạnh

Võ sư Đinh Trọng Thủy - Chưởng võ phái Vĩnh Xuân Kungfu Thăng Long, Phó ban chuyên môn Hội võ thuật Hà Nội, chia sẻ: "Trên quan điểm của tôi, một số võ sư Trung Quốc họ thích danh vọng, thích được lên truyền hình, mạng xã hội để có sự nổi tiếng.

Có một sự thật là nhiều võ sư họ không phân biệt được sự khác nhau giữa người làm thầy và học trò. Cũng như một đội bóng, vai trò của HLV trưởng khác với cầu thủ, và chắc chắn thầy không đá bóng hay bằng học trò được.

Trong võ thuật cũng vậy, khi các võ sư làm công tác giảng dạy, thì sao đấu nổi các võ sĩ ở thời đỉnh cao. Khi thi đấu, đôi bên phải cùng hạng cân, cùng tuổi, chứ kể có là võ sư mà hơn tuổi và kém hạng cân thì cũng thua thôi".

Ông Đinh Trọng Thủy đã lấy ví dụ hình ảnh các cao thủ võ lâm "gừng càng già càng cay" trên phim ảnh, nhưng ở ngoài đời thực thì không có chuyện đó.

"Nhiều người nhầm lẫn việc cứ võ sư là đấu đá giỏi, nhưng có những võ sư chỉ đánh quyền, làm sao lên võ đài khốc liệt được. Võ sư có quyền và lên võ đài, chúng ta phải phân biệt được điều đó", võ sư Đinh Trọng Thủy chia sẻ.

Theo Trưởng võ phái Vĩnh Xuân Kungfu Thăng Long, khi thi đấu, một cao thủ võ thuật thực sự là biết cử học trò có cùng đẳng cấp đấu với đối thủ. So với Trung Quốc, Việt Nam ít những võ sư ồn ào bởi họ biết mình ở vị trí nào, đang đứng ở đâu. Tuy nhiên, vẫn có một số người vẫn thích có sự nổi tiếng, thích cái danh hão.

Cao thủ võ thuật Việt Nam - Trung Quốc không làm màu để nổi tiếng - 3

Võ sư Đinh Trọng Thủy cho biết Việt Nam ít những võ sư ồn ào bởi họ biết mình ở vị trí nào.

"Tôi làm ở Liên đoàn võ thuật nên biết nhiều võ sư không có bằng cấp, mà chỉ tự phong. Còn khi thi đấu, dù tuổi cao và kém hạng cân nhưng vẫn ngộ nhận, nên thua là đúng", ông Thủy thẳng thắn chia sẻ.

Theo võ sư Đinh Trọng Thủy, dù Trung Quốc hay Việt Nam thì võ thuật cổ truyền vẫn có tính truyền thống, có chỗ đứng và đặc biệt là có tính đối kháng không thua kém bất cứ môn võ hiện đại nào.

"Nhiều người không biết chứ các võ sĩ đội tuyển Việt Nam thi đấu ở SEA Games hầu hết là học võ cổ truyền. Họ đánh rất tốt và giành nhiều huy chương. Điều quan trọng là người dạy, người tập phải ý thức được sự khác biệt giữa quyền và đối kháng.

Ở giải các CLB Võ thuật cổ truyền lần thứ 36, có hơn 10 môn võ tham dự, chất lượng rất cao. Còn ở giải võ đối kháng, chúng tôi có mời nhiều môn võ hiện đại như Muay Thái, Kickboxing… nhưng họ cũng đâu có gì đáng ngại. Chỉ có các VĐV đội tuyển mới thực sự là mạnh.

Tóm lại, học võ gì cũng được, quan trọng nhất chính là mục tiêu tập luyện, và khi thi đấu phải đúng luật. Võ cổ truyền có mai một, nhưng vẫn có nhiều người đang tập luyện thực sự. Không phải vì một số hình ảnh các võ sư lớn tuổi thua mà mất đi cả một truyền thống dân tộc", võ sư Đinh Trọng Thủy khẳng định.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm