1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Vì sao võ thuật Trung Quốc "lạc hậu" nhưng vẫn có chỗ đứng?

H.Long

(Dân trí) - Lịch sử võ thuật Trung Quốc là câu chuyện dài, với nhiều tầng triết lý. Dù ngày nay, nó đang dần được xem là lạc hậu bởi thiếu tính thực chiến nhưng nó vẫn có chỗ đứng nhất định.

Võ thuật Trung Quốc ẩn chứa nhiều tầng triết lý

Giống như nhiều môn võ cổ truyền khác trên thế giới, võ học Trung Quốc chính là thể hiện văn hóa của đất nước này. Ngay từ khi ra ra đời từ thiên niên kỷ III trước Công nguyên, võ học Trung Quốc đã xây dựng nhiều tầng triết lý khác nhau. Đó không còn là việc học võ để chiến đấu, mà còn là học đạo cũng như nhiều lĩnh vực khác.

Vì sao võ thuật Trung Quốc lạc hậu nhưng vẫn có chỗ đứng? - 1

Võ Trung Quốc không chỉ là câu chuyện của tính chiến đấu, mà còn có nhiều tầng triết lý ẩn sâu trong đó.

Không thể nói rằng võ Trung Quốc thiếu tính chiến đấu. Bởi ngay từ khi ra đời, họ đã có môn võ có tên là jiao di. Môn võ này không chỉ là chiến đấu tay không, mà còn phải tìm ra điểm yếu chí tử của kẻ thù hoặc tìm cách giết chết kẻ thù. Chỉ có điều, nó cũng như nhiều môn võ khác ở Trung Quốc. Nó không chỉ đòi hỏi về thể lực, mà còn cả kiến thức về y học và triết học. Bởi lẽ đó, người học võ cần phải có kiến thức thực sự thâm sâu.

Chia sẻ về triết lý trong võ học Trung Quốc, Xu Xiangdong (một bậc thầy võ học Trung Quốc) chia sẻ: "Những gì chúng ta thấy trong võ thuật chỉ là những nhánh cây. Gốc của võ thuật Trung Quốc là Đạo giáo, Đạo Phật và Đạo Khổng. Bạn có thể đánh mạnh vào một sợi dây treo? Bạn có thể đứng yên trên một quả bóng lăn không? Đó không phải là về sức mạnh thể chất của bạn, nó là về sự hiểu biết của bạn về vật thể và không gian. Chiến đấu không phải là về hình thức, mà về cả tâm trí".

Giải thích rõ hơn, võ sư Xu Xiangdong nêu lên triết lý về sự cân bằng: "Về cơ bản, nó là về mối quan hệ giữa tâm trí và cơ thể. Khí là năng lượng dịch chuyển trong cơ thể bạn, nhưng khí tuân theo những gì trong tâm trí bạn. Khi bạn vui, tức giận hoặc khi bạn nhìn thấy ai đó mà bạn yêu thích, cơ thể của bạn sẽ phản ứng khác nhau.

Trong võ thuật Trung Quốc, khi bạn có thanh kiếm trong tâm trí của bạn, bạn có nó trong tay. Khi bạn không có nó trong tâm trí của bạn, ngay cả khi bạn đang cầm một thanh kiếm, đó không phải là một thanh kiếm".

Bởi lẽ đó, võ thuật Trung Quốc ngay từ khi ra đời cũng không hướng tới yếu tố thực chiến quá nhiều. Nó được chia làm hai môn tu luyện, đó là nội công và ngoại công. Về nội công, võ Trung Quốc gần như chỉ hướng tới yếu tố sức khỏe. Đơn cử như một bài tập hàng ngày của Xu Xiangdong ở thời điểm mới học võ là hứng chịu 100 cú đấm vào bụng. Điều đó đòi hỏi ông phải vận khí, chống lại nó. Vì yếu tố này, Xu Xiangdong vẫn có sức khỏe cường tráng dù đã hơn 60 tuổi.

Vì sao võ thuật Trung Quốc lạc hậu nhưng vẫn có chỗ đứng? - 2

Nhiều môn phái Trung Quốc hướng tới tập luyện nội công và học đạo, hơn là phát triển thực chiến.

Hầu hết nhiều môn võ thuật truyền thống Trung Quốc lúc này hướng tới yếu tố nội công. Do đó, họ gần như không có khả năng thực chiến cao. Ví dụ, chưởng môn phái Võ Đang, Trần Sư Hành có thể thi triển rất giỏi khinh công, hay dùng tay không chém đứt đôi tờ giấy. Nhưng về yếu tố thực chiến của ông (cũng như Võ Đang) là không cao. Nó tương tự như việc nhiều võ sĩ khác biểu diễn chặt gạch, hay dùng chân đá gẫy thanh gỗ.

Hay Thiếu Lâm Tự cũng là nơi nổi tiếng về võ thuật ở Trung Quốc. Trong đó, các nhà sư Thiếu Lâm (trong quá khứ) không chỉ là những người giỏi nội công, mà còn tinh thần cả y học. Hiện nay, trong thư viện cổ ở chùa Thiếu Lâm đã lưu giữ khá nhiều cuốn sách liên quan tới triết lý của tôn giáo, y học...

Trong khi đó, Wushu là một trong những môn võ sử dụng nội công và ngoại công. Trong môn võ này cũng bao hàm nhiều triết lý. Ngay từ cái tên Wushu cũng có nghĩa là "nghệ thuật quân sự". Nó hướng tới sử dụng "nắm đấm dài" và "đòn tay ngắn". Trong chiến đấu, Wushu có hai lối đánh là sử dụng tay không và vũ khí. Vì vậy, để nói rằng võ Trung Quốc không có tính thực chiến là không đúng. Chỉ có điều nó vẫn còn đặt nặng về triết lý. Yếu tố này khiến cho võ thuật Trung Quốc không thể quảng bá mạnh mẽ.

Tôn Tử từng nổi tiếng với cuốn sách "Nghệ thuật chiến tranh". Nó không chỉ đề cập tới chiến lược, kế sách chiến tranh, mà còn nói nhiều về võ thuật. Cuốn sách này vẫn có giá trị tới ngày nay và được nghiên cứu cả ở học viện quân sự nổi tiếng West Point.

Nói vậy để thấy không thể phủ nhận giá trị của võ học truyền thống Trung Quốc. Nó cũng có cái hay nhất định, với nhiều triết lý sâu sắc.

Vì sao võ thuật Trung Quốc lạc hậu nhưng vẫn có chỗ đứng? - 3

Các môn võ hiện đại hướng tới việc hạ gục đối thủ nhanh nhất có thể, nên có tính thực chiến cao hơn.

Vì sao võ thuật Trung Quốc lạc hậu?

Điều này dễ dàng lý giải. Lịch sử võ thuật Trung Quốc đã có cả nghìn năm. Ở mỗi thời điểm, mục tiêu của võ thuật hướng tới là khác nhau. Như đã nói ở trên, võ thuật Trung Quốc được lưu truyền tới ngày nay vẫn mang nhiều tính triết lý, trong đó hầu hết chỉ mang tính rèn luyện sức khỏe (tập luyện nội công).

Trong dòng chảy của võ thuật thế giới, tư duy võ thuật đã khác trước. Nó hướng tới việc hạ gục đối thủ một cách nhanh nhất. Điều đó khiến những đòn tấn công trở nên nhanh, mạnh và mang tính triệt hạ rất cao.

Đơn cử như môn võ tự do (MMA), các võ sĩ phải học nhiều môn võ khác nhau như Muay Thái, Kickboxing, Teakwondo, Nhu thuật... để tùy từng thời điểm, tùy từng sơ hở của đối thủ để có thể hạ gục. Để có được điều này, các võ sĩ phải thường xuyên di chuyển, ra đòn mạnh nhất, tránh đòn và tránh bộc lộ sơ hở.

Thậm chí, một môn võ có tính "triệt hạ" cao là Jiu Jitsu (Nhu thuật Brazil) còn hướng tới sử dụng đòn khóa siết, tấn công thẳng vào các khớp xương hoặc động mạch lớn và những điểm yếu nhất trên cơ thể con người. Tức là trực tiếp gây tổn thương mạnh.

Đó là lý do mà võ thuật hiện đại luôn chiếm ưu thế trong thực chiến. Nó khiến cho võ Trung Quốc trở nên "lạc hậu" với thời cuộc. Gần như, tới thời điểm này, các võ sư Trung Quốc vẫn chỉ tập luyện theo hướng nội công, ưu tiên về quyền cước, chứ không học nhiều về khả năng di chuyển, chiến đấu.

Một yếu tố khác khiến võ Trung Quốc không thể cạnh tranh bởi sự... thất truyền. Theo lý giải của chuyên gia Tao Feng trên tờ Beijing Business Today, các võ sư Trung Quốc quá bảo thủ trong việc truyền dạy võ công. Trong khi đó, người học cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của nhiều triết lý.

Do đó, những tinh túy của võ học Trung Quốc trong quá khứ dần bị mai một và không được lĩnh hội hết trong thời điểm hiện tại.