Vì đâu võ thuật Trung Quốc dần trở thành bộ môn... dưỡng sinh?

Hạo Minh

(Dân trí) - Trong lịch sử, nhiều lần các triều đại phong kiến Trung Quốc cấm dân chúng tập luyện võ thuật và trang bị vũ khí cá nhân. Điều đó khiến võ thuật cổ truyền của Trung Quốc dần bị mai một, suy yếu.

Trong mắt nhiều người, võ thuật Trung Quốc chỉ là những câu chuyện trong tiểu thuyết. Cũng có nhiều người ban đầu tin vào võ thuật Trung Quốc, nhưng khi nhìn thấy nhiều võ sư giả mạo biểu diễn trên mạng, họ đã thất vọng. Võ sư rởm ngày càng xuất hiện nhiều, võ sư thật chẳng thấy đâu, khiến nhiều người nghi ngờ về sự tồn tại của võ thuật Trung Quốc. Nhiều môn phái được gọi là võ thuật Trung Quốc trông rất đẹp mắt, nhưng không có tác dụng chiến đấu nên bị coi là phô trương.

Có phải võ thuật Trung Quốc thực sự chỉ có trong tiểu thuyết hay không?  Nếu nhìn vào lịch sử Trung Quốc, câu trả lời sẽ là không, võ thuật Trung Quốc có thật, bởi có tới bốn lần các triều đại phong kiến trước đây ra lệnh cấm võ thuật vì lo sợ bị đảo chính. Quả thật nếu võ thuật Trung Quốc chỉ là những trò biểu diễn, vô hại thì các triều đại phong kiến trước đây đã không phải thi hành những chính sách cấm đoán hà khắc, làm đảo lộn xã hội.

Vì đâu võ thuật Trung Quốc dần trở thành bộ môn... dưỡng sinh? - 1

Những võ sư rởm như Mã Bảo Quốc khiến võ thuật Trung Quốc bị tổn hại nghiêm trọng.

Lần thứ nhất là vào thời nhà Tần. Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất sáu nước đã quyết định tịch thu vũ khí của mỗi nước, nấu chảy rồi đúc 12 người bằng đồng và dụng cụ cho nhân dân sản xuất nông nghiệp. Lệnh cấm võ thuật, vũ trang của Tần Thủy Hoàng đương nhiên để củng cố nền thống trị của nhà Tần, muốn duy trì chế độ quân phiệt mãi mãi.

Vậy nên Tần Thủy Hoàng muốn người dân phải canh tác đất đai thật tốt và sử dụng ít vũ lực. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, nền thống trị của nhà Tần chưa ổn định, và ảnh hưởng của lệnh cấm với nền võ học Trung Quốc rất nhỏ.

Lệnh cấm thứ hai do Tống Thái Tổ khởi xướng, có thể nói gây ảnh hưởng mạnh tới võ học Trung Quốc. Tống Thái Tổ sau khi binh biến thành công  lập ra nhà Tống đã rất lo sợ về việc quân tướng và binh lính của mình sẽ nổi dậy, chiếm đoạt quyền lực. Vì thế nên mới có câu chuyện Tống Thái Tổ giải tán quyền lực của tướng lĩnh bằng một chén rượu.

Triều Tống xem nhẹ quân sự, coi trọng đạo giáo vì thế cũng giữ cho quốc gia yên ổn khoảng thời gian hơn ba trăm năm, võ thuật cũng bị mài mòn theo. Dẫu vậy việc kế thừa từ hệ tư tưởng từ cha ông khiến con cháu nhà Tống càng kém cỏi về khả năng quân sự. Sau này họ đã bị nhà Nguyên chinh phục.

Lần cấm quân thứ ba là vào thời nhà Nguyên. Hiệu quả chiến đấu của nhà Nguyên rất mạnh, nhưng nhân sự đã bị tiêu hao. Để khống chế số lượng lớn người Hán, nhà Nguyên bắt đầu thu vũ khí để giảm thiểu sự chống đối. Đối với những người dám giấu vũ khí riêng, họ sẽ trực tiếp giết chết không cần phán xử. Người ta nói rằng vào thời nhà Nguyên, đến một con dao làm bếp cũng là vật dụng được sử dụng chung cho nhiều người. Việc cấm vũ trang trong triều đại nhà Nguyên rất mạnh mẽ, nhưng cũng nhanh chóng sụp đổ.

Vì đâu võ thuật Trung Quốc dần trở thành bộ môn... dưỡng sinh? - 2

Võ thuật Trung Quốc được truyền lại bị giảm dần tính chiến đấu

Lệnh cấm quân thứ tư là vào thời Ung Chính, nhà Thanh. Nếu bạn đã xem bộ phim truyền hình "Thất kiếm hạ Thiên Sơn", bạn chắc chắn đã quen thuộc với cốt truyện, bối cảnh của bộ phim này là việc cấm sử dụng quân đội trong thời kỳ Ung Chính. Vào thời Ung Chính, ngoài việc cấm thường dân mang dao, họ còn cấm các cuộc thi đấu võ thuật, cũng chỉ để làm suy yếu sự phản kháng của người Hán. Người Mãn thực thi các chính sách cấm đoán võ thuật mạnh mẽ, cho đến khi triều Thanh sụp đổ, Trung Quốc bước sang một xã hội mới, ở đó võ thuật hay binh khí thô sơ không còn có vị thế quan trọng đối với quân sự, xã hội.

Nếu nhìn ra thế giới, những bộ môn võ thuật nổi tiếng khác như Muay Thái, Jiu-Jitsu và Taekwondo đã được truyền lại rất tốt thì võ thuật Trung Hoa đã bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các lệnh cấm của các triều đại phong kiến, khiến võ thuật  Trung Quốc mài nhẵn hết các góc cạnh, không còn khả năng chiến đấu và chỉ còn sử dụng để tu tâm, dưỡng tính, rèn luyện sức khỏe.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm