1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Bóng đá trở lại, bản quyền truyền hình V-League vẫn là con số “không”

(Dân trí) - Sân Thiên Trường như một lễ hội trong ngày bóng đá trở lại sau đại dịch, nhưng niềm vui vẫn chưa thể trọn vẹn, khi những hình ảnh đó chưa thể giúp các CLB có thêm khoản thu ltừ bản quyền truyền hình.

Sau trận đấu mang tính lịch sử giữa Nam Định và HA Gia Lai trên sân Thiên Trường ở vòng loại Cúp Quốc gia, báo chí Thái Lan đã thể hiện sự ngưỡng mộ và cả… ghen tị so với V-League. Trong khi Thái-League dự kiến phải tới tháng 9 mới trở lại, thì V-League là giải đấu đầu tiên trên thế giới có khán giả, sau đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, dù thèm bầu không khí như V-League, nhưng người Thái vẫn có những thứ mà bóng đá Việt Nam phải thua dài. Mới đây, công ty có trụ sở tại London (Anh) là DAZN đã đưa ra lời đề nghị lên đến 2 tỷ baht/mùa (khoảng 1.450 tỷ đồng) dành cho bản quyền truyền hình Thai-League kéo dài từ năm 2021 - 2028.

Bóng đá trở lại, bản quyền truyền hình V-League vẫn là con số “không” - 1

Thai League thu được số tiền khổng lồ từ bản quyền truyền hình, còn con số này của V-League chỉ là con số "không"

Được biết, quy mô của gói bản quyền này còn mở rộng bao trùm cả giải hạng Ba, hạng Tư, các trận đấu thuộc giải futsal với số tiền lên đến 16 tỷ baht (khoảng 11.500 tỷ đồng).

Thực tế, chuyện bản quyền truyền hình Thái-League đã được báo chí Việt Nam nói tới từ cách đây chục năm về trước, có nghĩa không có gì là lạ. Thế nhưng, cứ mỗi lần giải Thái-League tiết lộ những khoản tiền khổng lồ về bản quyền truyền hình, thì bóng đá Việt Nam lại chạnh lòng.

Cần phải nhắc lại trong khoảng 10 năm qua, bản quyền truyền hình Thái-League được các ông lớn tranh giành nhau. True Vision là đơn vị luôn chiếm ưu thế trong việc sở hữu bản quyền truyền hình Thái-League 1 (vô địch quốc gia) và Thai League 2 (hạng Nhất).

Siam Sport sở hữu bản quyền Cúp Liên đoàn và Cúp Quốc gia (Thái FA Cup), Thái-League 4 (hạng Ba). Còn Mycujco, nền tảng phát sóng trực tuyến trên internet sở hữu Thái-League 3 (hạng Nhì) giai đoạn 3 năm gần đây.

Như vậy, giải đấu nào của Thái Lan cũng bán được bản quyền truyền hình, với những gói tăng theo mỗi năm. Ở bản hợp đồng sắp ký, Thái-League thậm chí có thể bán tới…8 năm, với giá trị khoảng 50 triệu USD/năm.

Nhìn rộng ra cả khu vực Đông Nam Á, các quốc gia như Singapore, Indonesia, Malaysia giá dù không cao bằng Thái Lan, nhưng cũng luôn bán được bản quyền truyền hình giải vô địch quốc gia với giá cao.

Nhìn xa ra, bản quyền truyền hình Ngoại hạng Anh cũng như các giải đấu quốc tế như World Cup, Euro, hay đơn cử như AFF Cup luôn là điều mà V-League phải học hỏi.

Trở lại câu chuyện của bóng đá Việt Nam, vấn đề bản quyền truyền hình khiến người trong cuộc trăn trở nhiều năm qua. Thậm chí dù cú hích giải U23 Châu Á 2018 mang đến nhiều hiệu ứng tích cực, thế nhưng cho đến thời điểm hiện tại, bản quyền V-League vẫn chưa thể mang về giá trị như mong muốn, thậm chí chỉ là cho có, theo kiểu “hàng đổi hàng” chứ không có mấy giá trị về tiền mặt.

Bóng đá trở lại, bản quyền truyền hình V-League vẫn là con số “không” - 2

Bóng đá Việt Nam tưng bừng trong ngày trở lại hôm 23/5/2020, nhưng vấn đề bản quyền truyền hình vẫn là nỗi đau lớn của nhà tổ chức

Chủ tịch VPF Trần Anh Tú từng chia sẻ: “Theo quan điểm của tôi, giá trị thu được chưa tương xứng với giá trị của bản quyền truyền hình. Tuy nhiên, đây là yếu tố lịch sử để lại và chúng ta cũng nên hiểu rằng xuất phát điểm giá trị bản quyền truyền hình V-League gặp rất nhiều khó khăn”.

Xuất phát điểm đó từ năm 2005, với số tiền bản quyền truyền hình V-League được phân chia theo tỷ lệ 55% - 35% - 15% (VFF - chủ nhà - đội khách). 6 năm sau, bản hợp đồng giữa VFF và AVG đã gây nên cuộc tranh cãi lớn, và sau đó VPF được thành lập với những tuyên bố mạnh của bầu Kiên.

VPF cho rằng sẽ khai thác được tối thiểu 50 tỷ đồng mỗi năm từ bản quyền truyền hình, và hứa hẹn con số này sẽ lần lượt tăng lên 100 tỷ đồng, 300 tỷ đồng hay 500 tỷ đồng vào những năm tiếp theo với sự tham gia của các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam vào cái gọi là "Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam".

Còn nhớ, sau khi thành lập, VPF cam kết kể từ năm 2013 trở đi sẽ khai thác bản quyền truyền hình các giải đấu với giá trị tối thiểu là 50 tỷ đồng/năm (tương đương 2,5 triệu USD), nghĩa là tăng gấp khoảng 8 lần so với thời kỳ AVG nắm giữ bản quyền truyền hình.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, giá trị bản quyền truyền hình đã không còn được người trong cuộc quan tâm, vì giá trị rất thấp. Thậm chí, VPF và một công ty truyền thông “đấu thầu” bản quyền truyền hình còn không có một bản hợp đồng mang tính thương mại thực sự.

Theo đó, VPF và công ty này đã thoả thuận chủ yếu theo hình thức “hàng đổi hàng”. Sau khi hai bên trao đổi lại và có sự thay đổi thì đối tác này có hỗ trợ lại cho VPF 1 tỷ đồng tiền bản quyền truyền hình, từ mùa giải 2018 - một con số quá “bèo” với giá trị của giải đấu lớn nhất Việt Nam.

Điều đáng nói là ở nhiệm kỳ trước, VPF lại ký bản hợp đồng chuyển nhượng tiếp bản quyền truyền hình giải V-League cho công ty truyền thông này đến tận năm 2022. Do đó, bản thân Chủ tịch VPF hiện tại Trần Anh Tú rơi vào tình cảnh khó, nếu muốn đưa ra những thay đổi về phát triển vấn đề bản quyền giải đấu.

Thuỳ Anh