1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Bản quyền V-League rẻ như cho, VPF trăn trở

(Dân trí) - Chỉ bằng một phần rất nhỏ so với giá trị bản truyền truyền hình Thai-League, V-League đang lãng phí một nguồn thu khổng lồ. Làm thế nào để nâng giá trị V-League, lại là bài toán khó với VPF.

Sau năm 2018 đầy khởi sắc, bóng đá Việt Nam hướng tới năm 2019 và những năm tiếp theo với nhiều sự kỳ vọng về sự đổi thay. V-League dĩ nhiên luôn là giải đấu được quan tâm nhất bởi đây là sân chơi số 1 quốc nội, là giải đấu cung cấp cầu thủ tốt nhất cho các đội tuyển.

Những chuyển động của V-League có tác động trực tiếp tới bức tranh bóng đá nước nhà, và là sự khẳng định của một giải đấu chuyên nghiệp. Tuy nhiên, một trong những vấn đề đang trở nên đau đầu và cũng là nỗi trăn trở của VPF, chính là bản quyền truyền hình.

Chủ tịch VPF Trần Anh Tú từng than thở: “Tôi đã bạc cả tóc vì chuyện kiếm tiền cho công ty, cho 3 giải chuyên nghiệp Việt Nam”.

Bản quyền V-League rẻ như cho, VPF trăn trở - 1

VPF thực sự trăn trở, vì sự thiếu hiệu quả trong công tác truyền thông cho V-League

V-League sau năm 2018 có nhiều tín hiệu tích cực từ số lượng khán giả, nhưng như vậy là chưa đủ để thu hút các doanh nghiệp lớn đổ tiền vào sân chơi này. Không có khán giả (cả xem trực tiếp và xem trên ti vi), bản quyền truyền hình coi như không còn mấy giá trị.

Ông Trần Anh Tú cho hay, mùa giải 2018 VPF được một đối tác truyền thông trả 1 tỷ đồng tiền bản quyền truyền hình các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia và hy vọng con số này sẽ tăng ở mùa 2019, khi có một số đối tác quốc tế đặt vấn đề mua bản quyền V-League 2019.

Tuy nhiên, đến giờ là năm 2020, vấn đề bản quyền truyền hình chẳng có mấy thay đổi, thậm chí còn tệ hơn về hiệu quả truyền thông.

Bầu Tú nhấn mạnh, khi bản quyền truyền hình có nguồn thu lớn, mọi thứ sẽ dễ làm hơn rất nhiều. Nhìn sang Nhật Bản, giải J-League của họ bán bản quyền truyền hình được 172 triệu USD trong mùa 2018 trên tổng thu nhập 250 triệu USD. Thế nhưng với V-League, nguồn thu này vẫn ở dạng… tiềm năng.

Chẳng nói đâu xa, ngay như Thai-League, cũng thu khoảng 50 triệu USD/năm, và dự kiến tăng lên sau mỗi năm. Số tiền này được chia cho các CLB, từ đó bóng đá Thái Lan có thêm rất nhiều lực để phát triển, bên cạnh động lực cho các cầu thủ phấn đấu.

Các CLB ở Việt Nam không thể chờ tiền từ BTC. Họ cũng phải cải thiện chất lượng mặt cỏ, khán đài… Còn về chuyên môn, bóng đá Việt Nam phải giải quyết được những nghi án tiêu cực, trọng tài, nhường điểm… để làm sao lên hình tốt hơn khi hình ảnh giải đấu được phổ rộng ra nhiều quốc gia.

Hình ảnh như đã thấy của V-League chung quy cũng là vì tiền. Một giải đấu không có nhà tài trợ lớn và gắn bó lâu dài, một giải đấu suốt nhiều năm không thu được tiền từ bản quyền truyền hình, một giải đấu chưa thể có nguồn thu từ bán vé, bán đồ lưu niệm… rất khó có thể tạo nên một sự đột phá.

Đặc biệt những “điểm nóng” như trọng tài, bạo lực sân cỏ, tiêu cực, đang kéo V-League tụt lùi so với bóng đá khu vực, và dĩ nhiên không thể đòi hỏi giá trị về bản quyền truyền hình với bức tranh như vậy.

Theo Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh, trong khi BTC nỗ lực nâng cao chất lượng trọng tài cũng như có sự hợp lý trong công tác trọng tài, thì các đội bóng cũng phải thể hiện sự chuyên nghiệp, người hâm mộ đến sân cổ vũ văn hoá, không gây áp lực cho đội ngũ trọng tài. V-League muốn giải quyết được vấn đề trọng tài, phải đến từ nhiều phía.

Một vấn đề khác cũng cần có sự thay đổi, thậm chí là bắt buộc đó là các đội bóng phải đáp ứng tiêu chí chuyên nghiệp của AFC. Hiện tại, mới chỉ có 5/14 CLB là đáp ứng các tiêu chí này.

Về vấn đề kỷ luật, đại diện VPF và VFF nhấn mạnh, sẽ tiếp tục xử phạt nặng những CLB, ban quản lý sân để xảy ra tình trạng đốt pháo sáng.

Những nhà quản lý kỳ vọng, sau 20 năm tiến lên chuyên nghiệp, bóng đá Việt Nam cần tiếp tục nâng cao hơn nữa ý thức chuyên nghiệp và chạm mốc các tiêu chí mà AFC đưa ra, khi đó mới giải quyết được những vấn đề mà VPF trăn trở.

Thuỳ Anh