Bản quyền Thai-League trị giá 50 triệu USD, V-League “lo ăn từng bữa”

(Dân trí) - Trong khi giải vô địch quốc gia Thái Lan Thai-League thu tới hàng chục triệu USD từ bản quyền truyền hình, thì tại V-League, nhà tổ chức và các đội bóng phải chạnh lòng khi nhắc tới chuyện này.

Tài trợ là vấn đề sống còn của V-League nhưng trong 3 năm liên tục, giải đấu này đã 3 lần thay đổi nhà tài trợ chính. Các nhà tài trợ đã phải “bỏ của chạy lấy người” chỉ sau một mùa giải, dù ai cũng cam kết sẽ đồng hành lâu dài, thậm chí tới 5 năm.

Tuy nhiên, một trong những vấn đề đau đầu và là trăn trở của VPF cũng như các đội bóng, đó là giá trị bản quyền truyền hình V-League rẻ như cho, thu lại chẳng đáng là bao.

Bản quyền Thai-League trị giá 50 triệu USD, V-League “lo ăn từng bữa” - 1

Giá trị bản quyền của V-League quá bèo bọt so với sức hấp dẫn của giải đấu số 1 Việt Nam

Còn nhớ, sau khi thành lập, VPF cam kết kể từ năm 2013 trở đi sẽ khai thác bản quyền truyền hình các giải đấu với giá trị tối thiểu là 50 tỷ đồng/năm (tương đương 2,5 triệu USD), nghĩa là tăng gấp khoảng 8 lần so với thời kỳ AVG nắm giữ bản quyền truyền hình.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, giá trị bản quyền truyền hình đã không còn được người trong cuộc quan tâm, vì giá trị rất thấp. Thậm chí, VPF và một công ty truyền thông “đấu thầu” bản quyền truyền hình còn không có một bản hợp đồng mang tính thương mại thực sự.

Theo đó, VPF và công ty này đã thoả thuận chủ yếu theo hình thức “hàng đổi hàng”. Sau khi hai bên trao đổi lại và có sự thay đổi thì đối tác này có hỗ trợ lại cho VPF 1 tỷ đồng tiền bản quyền truyền hình, từ mùa giải 2018 - một con số quá “bèo” với giá trị của giải đấu lớn nhất Việt Nam.

Điều đáng nói là ở nhiệm kỳ trước, VPF lại ký bản hợp đồng chuyển nhượng tiếp bản quyền truyền hình giải V-League cho công ty truyền thông này đến tận năm 2022. Do đó, bản thân Chủ tịch VPF hiện tại Trần Anh Tú rơi vào tình cảnh khó, nếu muốn đưa ra những thay đổi về phát triển vấn đề bản quyền giải đấu.

Nhìn sang bóng đá Thái Lan, V-League có lẽ phải chạnh lòng. Đầu tháng 12/2010, nhằm tránh việc phân phối độc quyền và để mở rộng việc quảng bá giải đấu hàng đầu của mình, LĐBĐ Thái Lan (FAT), BTC giải VĐQG Thái Lan (Thai-League), Siam Sport và True Vision Co.Ltd đã cùng nhau ký kết một bản hợp đồng truyền hình có thời hạn 3 năm từ năm 2011 đến năm 2013.

Từ thời điểm đó, True Vision và Siam Sport đã phải bỏ ra cho BTC Thai-League một số tiền là 40 triệu baht (tương đương 27,5 tỷ đồng) trong năm đầu tiên. Gói bản quyền này được tăng thêm 16 triệu baht sau mỗi năm và sẽ trở thành 72 triệu baht vào năm 2013 (tương đương 49,5 tỷ đồng).

Sau gần 10 năm, số tiền thu được từ bản quyền truyền hình của Thai-League thuộc dạng “khủng” ở bóng đá Đông Nam Á. FAT đương nhiên đang ở thế mời đối tác thì nay được đứng ở “cửa trên”.

True Vision nếu muốn tái ký, dĩ nhiên buộc phải tuân thủ quy định của phiên đấu giá sắp đến, mà theo nhận định của giới quan sát, rất khó để kênh truyền hình này có thể đánh bại được 2 đối thủ (1 doanh nghiệp trong nước và 1 doanh nghiệp nước ngoài) đang chạy đua để giành bản quyền Thai-League.

Bản quyền Thai-League trị giá 50 triệu USD, V-League “lo ăn từng bữa” - 2

Bản quyền Thai-League trị giá 50 triệu USD, nhờ khả năng xây dựng truyền thông thành công

Hợp đồng giữa FAT với đơn vị đang giữ bản quyền Thai-League là True Vision sẽ hết hạn cuối mùa giải năm nay. Do đó, từ mùa giải 2021 trở đi, FAT phải đàm phán hợp đồng với đối tác mới.

Bản quyền của Thai-League sẽ được đấu giá cho các đơn vị truyền hình. FAT cho biết bản quyền đấu giá phát sóng trực tiếp các giải bóng đá Thái Lan sẽ kéo dài đến 8 năm, bắt đầu từ năm 2021 trở đi.

Đáng chú ý, trong vòng 8 năm tới, giá trị bản quyền truyền hình của Thai-League được định giá lên đến 13 tỷ bath (tương đương 400 triệu USD và bằng hơn 9.500 tỷ đồng), điều này được chính giới chức bóng đá xứ Chùa vàng tiết lộ và khiến làng bóng đá Đông Nam Á choáng váng.

Với khoảng 50 triệu USD/năm từ bản quyền truyền hình, dĩ nhiên 16 CLB tại Thai-League được hưởng lợi đầu tiên. Có tiền, bóng đá phát triển dễ dàng hơn rất nhiều, và thực tế đã cho thấy rõ điều đó.

Theo thống kê đến cuối năm 2019, Thai-League dẫn đầu Đông Nam Á, xếp hạng 4 ở vùng Đông Á (sau các giải của Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, đồng thời đứng trên cả giải vô địch Australia). Giải vô địch Philippines và V-League của Việt Nam xếp các thứ hạng 2 và 3 tại Đông Nam Á, đứng hạng 6 và 7 vùng Đông Á.

Trong tốp 10 CLB đắt giá nhất Đông Nam Á, các đội bóng Thai-League chiếm đến 7 vị trí, với tổng số tiền lên đến gần 45 triệu euro, trong khi Việt Nam không có đại diện nào.

Bản quyền truyền hình thực sự là một “miếng bánh” hấp dẫn, tuy nhiên lại đang bị bỏ lãng phí ở V-League…

Hoàng Quốc