1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Bắn súng Việt Nam ở Olympic và khoảng trống sau thời Hoàng Xuân Vinh

Trọng Vũ

(Dân trí) - Từng là môn thể thao mang vinh quang cao nhất về cho Việt Nam ở Olympic, nhưng bắn súng không duy trì được phong độ ở hai kỳ Thế vận hội gần đây.

Hiện tượng đứt gãy thành tích

Tại Olympic Rio (Brazil) 2016, Hoàng Xuân Vinh giành một huy chương vàng (HCV) và một huy chương bạc (HCB) trong môn bắn súng. Đấy là thành tích tốt nhất mà thể thao Việt Nam có được ở các kỳ Olympic.

Tại Olympic Paris 2024, bắn súng (xạ thủ Trịnh Thu Vinh) tiếp tục là một trong hai niềm hy vọng giành huy chương hàng đầu của thể thao Việt Nam, bên cạnh cử tạ (hạng 61kg nam của lực sĩ Trịnh Văn Vinh).

Bắn súng Việt Nam ở Olympic và khoảng trống sau thời Hoàng Xuân Vinh - 1

Trịnh Thu Vinh xuất sắc hơn so với chính cô tại Olympic Paris 2024, nhưng vẫn chưa ở mức chắc chắn có huy chương (Reuters).

Tuy nhiên, bắn súng không thể thành công như mong đợi. Trịnh Thu Vinh thi đấu hay ở chung kết nội dung 10m súng ngắn hơi nữ. Dù vậy, mức độ "hay" của Trịnh Thu Vinh chỉ ở mức tiến bộ so với chính cô, đồng thời chỉ dừng ở mức cạnh tranh, chứ chưa ở mức chắc chắn nằm trong nhóm đoạt huy chương Thế vận hội.

Phong độ, tâm lý của Trịnh Thu Vinh hay bất kỳ xạ thủ nào khác thuộc đội tuyển bắn súng Việt Nam hiện tại không ổn định. Đây là vấn đề thuộc về đẳng cấp.

Trong một ngày đẹp trời, các xạ thủ Việt Nam có thể bắn rất hay, nhưng trong thi đấu thể thao, nhất là ở các đấu trường lớn, không phải ngày nào cũng là ngày đẹp trời với các vận động viên (VĐV).

Bắn súng Việt Nam xuất sắc hơn các môn còn lại của chính chúng ta ở đấu trường Olympic, nhưng sự xuất sắc đấy không mang tính liên tục, cũng không có tính kế thừa.

Bắn súng về lý thuyết là môn thi đấu rất phù hợp với tố chất của người Việt Nam, vì môn thể thao này đòi hỏi sự tỉ mỉ, tính chính xác, đồng thời không phải va chạm trực tiếp, không bị ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố cơ bắp.

Bắn súng Việt Nam ở Olympic và khoảng trống sau thời Hoàng Xuân Vinh - 2

Xạ thủ Phạm Quang Huy năm ngoái giành HCV Asiad nhưng năm nay không qua nổi vòng loại Olympic (Ảnh: Quý Lượng).

Nhưng bất chấp điều đó, phải tận 16 năm sau khi có tấm huy chương Olympic đầu tiên thuộc về Trần Hiếu Ngân (taekwondo tại Olympic Sydney năm 2000), bắn súng Việt Nam mới có huy chương đầu tiên tại đấu trường Thế vận hội vào năm 2016 ở Rio, thuộc về Hoàng Xuân Vinh.

Bỏ quên môn thể thao trọng điểm "săn" huy chương Olympic

Cũng phải đến tận năm 2023, 7 năm sau khi Hoàng Xuân Vinh giành HCV Olympic, 41 năm kể từ khi thể thao Việt Nam tham dự đấu trường Asiad 1982, chúng ta mới có HCV bắn súng đầu tiên tại Á vận hội (thuộc về xạ thủ Phạm Quang Huy).

Bắn súng chính là môn thể thao mang lại huy chương đầu tiên (huy chương đồng) cho thể thao Việt Nam tại Asiad ở kỳ Á vận hội năm 1982 thuộc về xạ thủ Quốc Cường). Điều đó phản ánh bắn súng dù là môn có triển vọng tranh huy chương rất lớn (chí ít là lớn hơn so với nhiều môn thể thao khác) tại đấu trường Olympic, nhưng chưa được đầu tư đúng phương pháp.

Việc chưa được đầu tư đúng hướng và đúng phương pháp một cách quyết liệt nên mới có chuyện thường xuyên xảy ra hiện tượng đứt gãy thành tích trong môn bắn súng, mới có hiện tượng tính kế thừa của các xạ thủ của chúng ta chưa cao, phong độ của các VĐV chưa ổn định.

Bắn súng Việt Nam ở Olympic và khoảng trống sau thời Hoàng Xuân Vinh - 3

Các quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan, Malaysia đều có môn thế mạnh, được đầu tư trọng điểm để đảm bảo việc giành huy chương Olympic, nhưng Việt Nam thì không (Ảnh: Getty).

Cũng nhân nói đến câu chuyện phong độ, xạ thủ Phạm Quang Huy mới năm ngoái giành HCV Asiad nhưng năm nay không qua được vòng loại Thế vận hội. Đó cũng là câu chuyện đẳng cấp, cũng là câu chuyện về phương pháp đầu tư.

Muốn có VĐV đẳng cấp, phải có nhiều sân chơi chất lượng cao để họ được cọ xát thường xuyên, dẫn đến việc ổn định về tâm lý thi đấu, trước khi ổn định thành tích. Nói như chuyên gia Đoàn Minh Xương, phải có sân chơi, phải có hệ thống thi đấu thì mới có VĐV tài năng được.

Lâu nay chúng ta đầu tư dàn trải quá nhiều môn, quá nhiều nội dung, nên tất yếu dẫn đến việc tiêu tốn nguồn lực vào nhiều môn khác nhau, tất yếu sẽ mất tập trung vào các môn trọng điểm có thể giúp chúng ta ổn định thành tích tại Olympic.

Cứ nhìn sang người láng giềng Thái Lan, ở bất cứ giai đoạn nào đi chăng nữa, Thái Lan vẫn chú trọng phát triển môn quyền anh các hạng cân nhẹ ở nội dung đối kháng, vì nội dung này đảm bảo cho Thái Lan luôn có huy chương Olympic.

Indonesia thường xuyên đẩy mạnh việc phát triển môn cử tạ các hạng cân nhẹ, còn Malaysia luôn tấn công vào môn cầu lông tại Thế vận hội. Trong khi đó, thể thao Việt Nam có môn thế mạnh bắn súng nhưng chúng ta chưa tận dụng triệt để thế mạnh này.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm