VPF sẵn sàng hầu toà cùng Next Media, để giải quyết bản quyền V-League

(Dân trí) - Trao đổi với giới truyền thông sáng 6/3, chủ tịch HĐQT VPF Trần Anh Tú cho biết hợp đồng bản quyền truyền hình giữa VPF nhiệm kỳ trước với Next Media có nhiều bất cập, và VPF hiện tại sẵn sàng đấu tranh để giành lại bản quyền truyền hình này.

Cho đến thời điểm này, vài ngày trước giờ V-League 2018 khai diễn, việc tranh chấp bản quyền truyền hình giữa VPF (đơn vị tổ chức giải V-League) và Next Media vẫn chưa đi đến hồi kết.

Giải thích chuyện vừa nêu, chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), kiêm Tổng giám đốc (TGĐ) VPF Trần Anh Tú nói: “Khi nhận nhiệm vụ ở nhiệm kỳ 3 tại VPF, chúng tôi rà soát lại một số hợp đồng cũ nhận thấy hợp đồng bản quyền truyền hình giữa VPF với Next Media trước đây có nhiều bất cập. Hiện tại, đây là tranh chấp kinh tế giữa VPF và Next Media”.

Ông Tú cũng công khai thông tin về khả năng VPF sẵn sàng hầu toà để giành lại bản quyền phát sóng V-League: “Trong trường hợp giữa VPF và Next Media không đi đến được thoả thuận chung, sự việc có thể được phán quyết bởi trọng tài kinh tế, hoặc toà án kinh tế”.

Chủ tịch VPF Trần Anh Tú (trái) tiết lộ hợp đồng bản quyền truyền hình giữa VPF trước đây với Next Media có nhiều bất cập (ảnh: H.D)
Chủ tịch VPF Trần Anh Tú (trái) tiết lộ hợp đồng bản quyền truyền hình giữa VPF trước đây với Next Media có nhiều bất cập (ảnh: H.D)

“Những đài đã ký hợp đồng với Next Media có thể sẽ chưa thể phát sóng V-League 2018, nhưng những đài không ký với Next Media thì vẫn đàm phán với VPF về truyền hình V-League bình thường” – ông Trần Anh Tú nói thêm.

Qua trao đổi với một lãnh đạo khác của VPF hiện tại, Ban giám đốc nhiệm kỳ 2 của VPF từng ký hợp đồng sản xuất V-League với Next Media tới năm 2022. Vị này bình luận đó là ký bản hợp đồng để chuyển nhượng thương quyền mà người ký cũng không chắc chắn sở hữu cái mà họ ký.

Hủy hợp đồng với Next Media, VPF đang tìm đối tác tốt hơn trong việc thực hiện truyền hình trực tiếp các trận đấu thuộc V-League. Người đứng đầu VPF thông tin thêm, các trận đấu V-League 2018 sẽ không được trực tiếp toàn bộ, mà sẽ lựa chọn trận có chất lượng, có khả năng tạo hiệu ứng truyền thông để trực tiếp.

Cũng về vấn đề bản quyền truyền hình của V-League, ông Trần Anh Tú nói thêm: “Trước đây, hầu hết các gói bản quyền truyền hình giải trong nước đều theo phương thức hàng-đổi-hàng, tức là nhà đài phát sóng V-League, sẽ đổi lại khoảng 15 phút quảng cáo (5 phút trước trận và 10 phút giữa 2 hiệp). Nếu VPF tìm được nhiều nhà tài trợ, thì tiền quảng cáo thu về của VPF nhiều, ngược lại thì sẽ ít”.

“Mà để tìm được nhà tài trợ, chúng tôi trước hết phải xây dựng sản phẩm thật tốt, phải có giải đấu chất lượng tốt, thì sản phẩm mới dễ bán và bán được giá. Về lâu dài, V.League cần được tổ chức một cách chuyên nghiệp. Hiện VPF có rất nhiều phương án để quảng bá cho V-League, chứ không riêng gì kênh quảng bá qua truyền hình” – ông Tú nói thêm.

Song song với việc đấu tranh giành lại bản quyền truyền hình giải V-League, VPF cũng vừa ký kết hợp đồng tài với nhà tài trợ mới, với giá trị hợp đồng được cho là rất tốt.

Kim Điền

VPF sẵn sàng hầu toà cùng Next Media, để giải quyết bản quyền V-League - 2