“VPF cho phép Next Media khai thác bản quyền V-League đến năm 2022 là quá thẩm quyền”
(Dân trí) - Xung quanh tranh cãi về vấn đề bản quyền truyền hình giải V-League giữa VPF và Next Media, các luật sư đã chỉ ra những điểm bất cập ở một số nội dung của thương vụ này, đặc biệt là việc VPF nhiệm kỳ cũ giao quyền khai thác bản quyền truyền hình cho Next Media đến tận năm 2022.
Theo hợp đồng giữa VFF và VPF, VFF chỉ uỷ quyền cho VPF tổ chức và khai thác hình ảnh giải V-League cho đến hết năm 2018. Tuy nhiên, nhiệm kỳ 2 của VPF lại ký bản hợp đồng chuyển nhượng tiếp bản quyền truyền hình giải V-League từ VPF cho Next Media đến tận năm 2022.
Về nội dung này, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TPHCM, giám đốc cty Luật TNHH Đức Chánh) cho biết: “Về mặt dân sự, việc một bên ký hợp đồng có điều khoản mà mình không có quyền là vô hiệu”.
“VPF chỉ được giao khai thác giải V-League đến hết năm 2018, thì họ chỉ có quyền chuyển nhượng việc khai thác hình ảnh của giải đấu này đến hết năm 2018. Khoản thời gian sau thời điểm năm 2018 được xem là vô hiệu. Việc ký quá thời hạn mà mình có quyền khai thác là vượt quá phạm vi hợp đồng, vượt quá thẩm quyền”.
Trước đó, nhiệm kỳ 3 của VPF sau khi nhậm chức, tiến hành rà soát lại các bản hợp đồng cũ mà nhiệm kỳ 2 đã ký, phát hiện một số bất cập trong một vài bản hợp đồng này, trong đó có hợp đồng chuyển nhượng bản quyền truyền hình cho Next Media đến tận năm 2022. Sau khi phát hiện bất cập, VPF muốn đàm phán lại với phía Next Media, nhưng bất thành, dẫn đến tranh cãi giữa đôi bên những ngày gần đây.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh giải thích thêm: “Nói cho dễ hiểu thì hãy hình dung việc cho thuê nhà. Một người thuê nhà đến năm 2018, nhưng sau đó lại cho người khác thuê lại nhà này đến tận năm 2022 là vượt quá thẩm quyền”.
Còn liên quan đến việc VPF đòi đương phương chấm dứt hợp đồng với phía Next Media, sau khi “tố” Next Media không thực hiện đúng các cam kết trong thoả thuận từng có với VPF, luật sư Nguyễn Đức Chánh giải thích: “Đối với các hợp đồng thương mại, một trong hai bên nếu cho rằng bên kia vi phạm hợp đồng, có quyền đơn phương chấm dứt hoặc tạm dừng hợp đồng”.
Riêng vi phạm như thế nào thì phải rà soát lại hợp đồng cụ thể đã ký giữa các bên. Đồng thời, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng đấy là đúng hay sai sẽ do toà án phân xử, nếu như cả hai bên không thể đi đến thoả thuận chung.
Điều này khá trùng khớp với phát biểu của chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc VPF Trần Anh Tú khi trao đổi với giới truyền thông sáng 6/3: “Hợp đồng bản quyền truyền hình giữa VPF và Next Media có quá nhiều bất cập, Next Media không thực hiện đúng cam kết như thoả thuận với VPF, làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của VPF. Đây tranh chấp về mặt kinh tế, và nếu các bên không đạt được thoả thuận chung, thì việc đúng – sai sẽ do trọng tài kinh tế hoặc toà án kinh tế phán xét”.
Trọng Vũ