10 sự kiện thể thao Việt Nam nổi bật năm 2015
(Dân trí) - Năm 2015 khép lại với việc đoàn thể thao Việt Nam hoàn thành chỉ tiêu tại SEA Games 2015, đoàn thể thao người khuyết tật của chúng ta cũng hoàn thành chỉ tiêu ở Para Games. Đây tiếp tục là một năm sôi động đối với thể thao nước nhà.
1/ Đoàn thể thao Việt Nam hoàn thành chỉ tiêu HCV tại SEA Games. Giành 73 HCV tại Đại hội thể thao Đông Nam Á, đoàn thể thao Việt Nam san bằng thành tích so với kỳ đại hội trước đó 2 năm. Tuy nhiên, so về chất lượng thì số 73 HCV của SEA Games 2015 được đánh giá cao hơn SEA Games 2013, khi chúng ta thành công ở các môn cơ bản thuộc phong trào Olympic như điền kinh (11 HCV), bơi (10), thể dục dụng cụ (9), Rowing (8) hay đấu kiếm (8). Riêng ở môn bơi, Việt Nam gia nhập nhóm mạnh nhất Đông Nam Á nhờ sự xuất hiện và tỏa sáng rực rỡ của Nguyễn Thị Ánh Viên (giành đến 8 HCV, chỉ ít hơn VĐV chủ nhà Schooling 1 HCV), điều mà chúng ta chưa hề làm được trước đây.
2/ VFF chia đôi quan điểm xung quanh chuyện của HLV Miura. Năm qua cũng là một năm mà người ta chứng kiến hiện tượng lạ trong làng cầu nội, cụ thể là chứng kiến sự đối lập quan điểm về HLV trưởng đội tuyển quốc gia Toshiya Miura trong chính nội bộ VFF. Trong suốt năm phó chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức liên tiếp chỉ trích vị HLV người Nhật, đỉnh điểm trong số đó là phát biểu rằng HLV Miura là HLV tệ nhất mà bóng đá Việt Nam từng có. Không có nhiều người ở VFF ủng hộ quan điểm vừa nêu của bầu Đức, nhất là càng không có nhiều người ủng hộ cách phát ngôn hơi thiếu tế nhị của ông chủ CLB HA Gia Lai. Tuy nhiên, vấn đề là không ai trực tiếp lên tiếng ủng hộ HLV Miura sau những phát biểu dạng trên, trong khi vai trò của chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng quá mờ nhạt. Vì vai trò của ông Dũng mờ nhạt nên càng về sau, người ta càng phải nghe nhiều phát biểu chưa xứng tầm phát ra từ chính hàng ngũ chóp bu ở VFF.
3/ Hiện tượng Ánh Viên trên đường đua xanh. Chinh phục hầu hết các giải đấu mà mình tham dự trong năm, kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên vụt trở thành biểu tượng không chỉ trong thể thao, mà còn đối với giới trẻ Việt Nam nói chung. Giành 8 HCV SEA Games, 16 HCV giải bơi vô địch quốc gia, Ánh Viên hiện không có đối thủ ở trong nước cũng như tại Đông Nam Á. Chưa hết, cũng trong năm nay, cô giành thêm 2 HCB và 1 HCĐ thuộc hệ thống cúp thế giới, chứng tỏ khát vọng gia nhập đẳng cấp cao của cô gái này.
4/ U23 Việt Nam giành HCĐ SEA Games và vào VCK U23 châu Á. Đây là năm thành công kép đối với đội tuyển U23 Việt Nam. Có thể có nhiều ý kiến khen chê khác nhau về vị trí thứ 3 mà chúng ta có được tại SEA Games lần thứ 28. Nhưng nếu xét trên mặt bằng chất lượng bóng đá nội nói chung, cũng như tốc độ sa sút ở 2 kỳ SEA Games trước đó, thì bộ HCĐ SEA Games 2015 không phải là một thất bại. Song song với bộ HCĐ ấy, đội tuyển U23 Việt Nam cũng giành quyền vào VCK U23 châu Á, tại một sân chơi mà thường thì các đội bóng trong nước trước giờ không xem trọng.
5/ Lý Hoàng Nam trở thành người Việt Nam đầu tiên vô địch một giải đấu trẻ trong hệ thống Grand Slam. Ở môn quần vợt, tay vợt Lý Hoàng Nam bất ngờ giành ngôi vô địch đôi nam trẻ Wimbledon, khi đứng chung cặp với VĐV người Ấn Độ Sumit Nagal. Đây là lần đầu tiên có một tay vợt Việt Nam vươn đến thành tích này. Mục tiêu tiếp theo của Lý Hoàng Nam là gia nhập nhóm 200 tay vợt mạnh nhất quần vợt nhà nghề thế giới sau vài năm nữa.
6/ Thể thao trí tuệ Việt Nam tiếp tục chứng tỏ sức mạnh. Trong khi kỳ thủ số 1 của cờ vua Việt Nam là Lê Quang Liêm cho thấy sự chững lại, thì một kỳ thủ khác cùng trang lứa là Nguyễn Ngọc Trường Sơn đang dần ổn định. Trường Sơn cũng là người giúp cho cờ vua Việt Nam có tấm HCV ở nội dung cờ chớp, giải vô địch cờ vua châu Á. Bên cạnh Trường Sơn và Quang Liêm, chúng ta còn có Nguyễn Anh Khôi vẫn đang tiến những bước vững chắc trên con đường gia nhập nhóm kỳ thủ có trình độ cao.
7/ Thạch Kim Tuấn không thành công ở giải vô địch cử tạ thế giới. Là niềm hy vọng hàng đầu của cử tạ Việt Nam không chỉ tại giải vô địch thế giới 2015, mà còn ở Olympic Rio 2016, nhưng Thạch Kim Tuấn đã và đang gặp những trục trặc lớn. Đầu tiên, lực sĩ số 1 của chúng ta chỉ giành HCĐ ở hạng cân 56kg nam tại giải vô địch thế giới (ở giải năm ngoái, Thạch Kim Tuấn có 1 HCV và 2 HCB). Tiếp đến Thạch Kim Tuấn còn dính chấn thương rất phức tạp, có nguy cơ không thể tham dự Olympic vào năm sau. Thất bại của Thạch Kim Tuấn và sự quá tải đối với VĐV này đặt ra câu hỏi ngành thể thao đang sử dụng các VĐV đỉnh cao như thế nào? Có khoa học và đúng tầm hay không?
8/ Bắn súng thất bại tại giải vô địch châu Á. Chỉ giành 3 HCĐ, đội tuyển bắn súng Việt Nam khó gọi là thành công tại giải vô địch châu lục, tổ chức ở Kuwait hồi tháng 11. Sự đi xuống của bắn súng Việt Nam cũng trùng với chu kỳ chững lại nói chung của nhiều VĐV nổi bật các năm trước đó, mà đơn cử là xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Từ thất bại của đội tuyển bắn súng trong năm 2015, rất khó hy vọng họ làm nên kỳ tích ở Olympic 2016, dù bắn súng đã có suất dự Thế vận hội.
9/ Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam thành công tại Para Games. Đặt ra chỉ tiêu giành từ 40 HCV trở lên, kết quả là chúng ta có tổng cộng 48 HCV tại Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á vào cuối năm. Hầu hết những tấm HCV và những thành tích tốt nhất của thể thao người khuyết tật Việt Nam ở Para Games đều đủ sức cạnh tranh ở Asian Para Games, hay thậm chí tiệm cận khả năng tham dự Paralympic.
10/ Bóng đá nữ Việt Nam tuột dốc. Trắng tay trên sân nhà ở giải vô địch Đông Nam Á, phải thay HLV trưởng chỉ sau 8 tháng sử dụng là thành tích đáng buồn của bóng đá nữ Việt Nam trong năm. Điều đáng quan tâm là sự tuột dốc hôm nay đã được cảnh báo từ trước, khi những người quan tâm đến bóng đá nữ nhìn thấy khoảng trống mênh mông ở khâu kế thừa lực lượng, nhưng lại không được các cơ quan quản lý nền bóng đá giải quyết tốt, bằng những định hướng phát triển nguồn nhân lực một cách rõ ràng. Riêng thành tích vào vòng loại thứ 3 Olymic 2016 không được đánh giá quá cao, do đối thủ chính là Thái Lan không mặn mà tranh chấp vé, đồng thời chúng ta cũng hầu như không có cửa vượt qua vòng loại thứ 3 ấy.
Dân trí