1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

10 sự kiện thể thao Việt Nam nổi bật năm 2013

(Dân trí) - 1 năm bận rộn của thể thao Việt Nam (TTVN) khép lại bằng hành trình của các VĐV nước ta tại SEA Games 27. Đây cũng là lúc mà giới chuyên môn và người hâm mộ trong nước nhìn lại những sự kiện nổi bật nhất trong năm.

1. Năm thất bát của các đội bóng đá

Đội tuyển U23 Việt Nam bị loại ngay sau vòng bảng, đội tuyển nữ không thể bảo vệ thành công ngôi vô địch SEA Games. Trước đó nữa, đội tuyển bóng đá nam quốc gia thua mất mặt tại vòng loại Asian Cup 2015, với kỷ lục chẳng ai muốn có: Thất bại liên tiếp 5 trận.

Tất cả các thất bại đó, cộng với giải trong nước lộn xộn do XM Xuân Thành Sài Gòn bỏ V-League, tạo nên bức tranh màu tối cho bóng đá nội trong năm. Những thất bại liên tiếp ấy nói cho cùng chỉ là hậu quả của việc buông lỏng đào tạo trẻ, cùng định hướng kém của những người đang làm công tác điều hành nền bóng đá Việt Nam.

U23 Việt Nam khép lại năm thất bát của bóng đá nội bằng việc bị loại trong ê chề ở SEA Games 27
U23 Việt Nam khép lại năm thất bát của bóng đá nội bằng việc bị loại trong ê chề ở SEA Games 27

Trong bối cảnh ấy thì việc U19 Việt Nam gây ấn tượng mạnh ở giải Đông Nam Á và vòng loại giải châu Á như một làn gió mát thổi vào cơn khô hạn của bóng đá nội. Lứa U19 hiện nay cũng là niềm hy vọng lớn nhất của chúng ta trong tương lai gần.

2. Đoàn thể thao Việt Nam hoàn thành chỉ tiêu tại SEA Games 27

Với 73 HCV, 86 HCB và 86 HCĐ, đoàn TTVN hoàn thành mục tiêu HCV (từ 70 trở lên) lẫn mục tiêu thứ hạng (nằm trong 3 quốc gia dẫn đầu). Trong số 73 HCV mà đoàn có được, đáng chú ý ở 2 môn cơ bản gồm điền kinh và bơi thành công lớn. Điền kinh lần đầu giành đến 10 HCV (nhiều nhất từ trước đến nay), trong khi bơi có 5 HCV, vượt qua thành tích có không quá 2 HCV ở mỗi kỳ SEA Games.

Phạm Thị Bình (HCV marathon nữ) góp phần giúp đoàn TTVN hoàn thành chỉ tiêu ở SEA Games
Phạm Thị Bình (HCV marathon nữ) góp phần giúp đoàn TTVN hoàn thành chỉ tiêu ở SEA Games

3. Sự vươn lên của Ánh Viên và hàng loại tài năng trong môn bơi

Trong bối cảnh mà Hoàng Quý Phước chưa phải là già, nhưng đã bị xem là cũ so với sự vươn lên với tốc độ chóng mặt của nhiều tài năng mới trên đường đua xanh. Đấy là một Nguyễn Thị Ánh Viên gây sửng sốt cho các đối thủ ở khu vực Đông Nam Á mỗi khi lao mình xuống nước, đấy là Lâm Quang Nhật thành công ở nội dung chẳng ai ngờ nhất (1.500m).

Lực lượng trẻ tài năng này đảm bảo cho bơi Việt Nam tiếp tục giữ được vị thế thêm vài kỳ SEA Games nữa, cũng như mở ra triển vọng hướng đến các đấu trường cao hơn là Asiad và Olympic, tất nhiên nếu họ được đầu tư đúng. Đặc biệt trong số đó là Ánh Viên, nữ kình ngư hiện là thách thức lớn nhất của các đối thủ trong làng bơi Đông Nam Á, cũng như là một trong những VĐV hay nhất SEA Games 27.

Ánh Viên trở thành biểu tượng chiến thắng mới của TTVN
Ánh Viên trở thành biểu tượng chiến thắng mới của TTVN

4. Lê Quang Liêm vô địch cờ chớp thế giới

Ngày 10/6 có thể coi là ngày lịch sử của cờ vua Việt Nam. Lần đầu tiên chúng ta có kỳ thủ giành ngôi vô địch thế giới, nội dung cờ chớp. Tại giải đấu này, dù nhiều kỳ thủ mạnh như Anand (Ấn Độ), Nakamura (Nhật)… không tham dự, nhưng không vì thế mà phủ nhận thành công của Lê Quang Liêm.

Nhờ sự giúp sức của đồng đội Nguyễn Ngọc Trường Sơn (thắng đối thủ trực tiếp của Quang Liêm là Ruslan Ponomariov), Lê Quang Liêm trở thành người Việt Nam đầu tiên giành danh hiệu cao quý này.

5. Hoàng Xuân Vinh giành Huy chương vàng cúp bắn súng thế giới

Luôn so kè với đối thủ lớn nhất của mình là Lương Trí Vĩ từ vòng loại cho đến VCK, Hoàng Xuân Vinh cuối cùng vượt lên trên với tổng điểm 200,8 điểm, hơn Lương Trí Vĩ 0,7 điểm, giành HCV nội dung 10m súng ngắn hơi nam. Đấy là HCV đầu tiên của bắn súng Việt Nam ở cấp độ thế giới.

6. Thể dục dụng cụ trắng tay tại giải thế giới

Đây là điều nằm trong dự đoán của giới chuyên môn. Dù giành khá nhiều HCV tại các giải quốc tế, nhưng khi bước vào giải VĐTG tại Bỉ, đội tuyển TDDC Việt Nam với những cái tên như Phan Thị Hà Thanh, Nguyễn Hà Thanh… đều không thể giành huy chương. Đơn giản là do đối phương quá mạnh và chúng ta cần phải có thêm những bước tiến khác, nếu muốn đạt đến tầm thế giới.

7. Tay vợt Lý Hoàng Nam đoạt HCV đại hội thể thao trẻ châu Á

Cũng giống như thành tích vô địch cờ chớp thế giới của Lê Quang Liêm, sự kiện Lý Hoàng Nam vô địch nội dung đơn nam môn quần vợt, đại hội thể thao trẻ châu Á là sự kiện lần đầu đến với TTVN. Hoàng Nam vô địch giải này sau khi đánh bại Mendoza Zosimo trong trận chung kết.

Đến tháng 10, Hoàng Nam vô địch tiếp giải U18 của ITF tại Bangkok (Thái Lan), leo lên đứng hạng 95 của ITF, trở thành tay vợt thiếu niên đầu tiên của Việt Nam lọt vào top 100.

8. Arsenal (Anh) đến Việt Nam

Không phải đến để tham dự một giải đấu chính thức, nhưng chuyện một CLB hàng đầu châu Âu như Arsenal (Anh) đến Việt Nam có thể gọi là sự kiện lớn, bởi trước đó chúng ta rất khó mời các CLB lớn đến thi đấu giao hữu.

Podolski và Running man Vũ Xuân Tiến
Podolski và "Running man" Vũ Xuân Tiến

Lần đầu tiên, Arsenal, một trong bốn đội bóng vang danh nhất xứ sương mù, đẳng cấp hàng đầu thế giới đã có trận đấu biểu diễn trên sân Mỹ Đình. Việc Arsenal sang Việt Nam có thể tạo ra hiệu ứng tốt, trong việc chúng ta có thể mời các CLB khác đến.

Cũng nhân sự kiện Arsenal đến Việt Nam, xuất hiện một sự kiện hy hữu khác liên quan đến nhân vật “Running Man” Vũ Xuân Tiến, người đã bất ngờ chạy bộ theo xe chở đội Arsenal trên hành trình dài nhiều cây số, trước khi “chạy thẳng” đến sân Emirates theo lời mời đặc biệt của CLB này.

9. Lời chia tay buồn của Nguyễn Tiến Minh trong môn cầu lông

Chưa bao giờ Tiến Minh đứng trước cơ hội lớn đến thế để đoạt HCV nội dung đơn nam SEA Games, do tất cả các đối thủ mạnh nhất Đông Nam Á đều rút tên khỏi giải. Dù vậy, tay vợt số 1 Việt Nam một lần nữa gây thất vọng, khi để thua đối thủ đứng dưới mình trên bảng xếp hạng thế giới.

Đây là thất bại một lần nữa phản ánh sự thiếu ổn định của Tiến Minh, tay vợt đang có thứ hạng trong tốp 10 thế giới. Và thật đáng tiếc bởi khi SEA Games 27 (nhiều khả năng là SEA Games cuối cùng của Minh), cầu lông Việt Nam còn rất lâu nữa mới tìm ra một tay vợt đủ sức đứng trong top… 100.

10. Đoàn Việt Nam đứng thứ 3 tại đại hội thể thao và võ thuật trong nhà châu Á

Cùng với SEA Games 27, Đại hội thể thao và võ thuật trong nhà châu Á lần 4 (AIMAG 4) là kỳ đại hội mà đoàn TTVN cử đoàn VĐV đông đảo tham gia. Chúng ta đứng 3/45 quốc gia có mặt tại kỳ đại hội này, chỉ sau 2 siêu cường thể thao châu lục là Trung Quốc và Hàn Quốc.

Dù vậy, cũng giống như nhiều môn thi đấu tại SEA Games, phần lớn các môn thi đấu ở AIMAG vốn không được phần còn lại của thế giới quan tâm (cờ vây, kurash, kababdi, kick-boxing, bowling, Muay, dance sport…), nên tiếng vang của đại hội này không lớn.
Ban thể thao