10 sự kiện kinh tế thế giới nổi bật 2013
(Dân trí) - Kinh tế thế giới năm 2013 đã có những diễn biến tương đối thuận lợi khi đà phục hồi tại những thị trường quan trọng nhất tiếp tục tăng tốc. Dù vậy không phải không có những khoảng lặng. Sau đây là 10 sự kiện tiêu biểu của kinh tế thế giới năm qua.
1. Các thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: Điều chưa biết trong vụ 40.000 người “sập bẫy” Tâm Mặt Trời Vén màn bí mật chuyện Châu Âu giúp Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự Nội các Triều Tiên thắt chặt kiểm soát kinh tế sau vụ xử tử Jang Song-thaek |
Việc Cục dự trữ liên bang Mỹ bơm tiền ra đã giúp hạ lãi suất dài hạn, làm cho cổ phiếu có sức hấp dẫn cao hơn trái phiếu. Ngoài ra, việc các công ty mua cổ phiếu quỹ mạnh bất thường cũng khiến giá đi lên. Thậm chí đà tăng giá quá mạnh đến mức đã có ý kiến lo ngại về tình trạng bong bóng.
2. Chính phủ liên bang Mỹ hỗn loạn
Quốc hội Mỹ đã gần như khiến nền kinh tế nước này, không chỉ một mà nhiều lần, suýt “trật bánh”. Đầu tiên là các nghị sỹ đã để việc cắt giảm thuế trợ cấp xã hội kéo sang sau ngày 1/1, khiến lương của người Mỹ sụt giảm. Kế đó là việc thực hiện cắt giảm mạnh chi tiêu liên bang hồi tháng 3, do bất đồng về ngân sách.
Sự rối loạn lên đến đỉnh điểm hồi tháng 10 vừa qua khi hai đảng trong quốc hội không thể thống nhất về ngân sách năm tài khóa 2014, khiến chính phủ liên bang phải đóng cửa một phần trong 16 ngày, làm hơn 700.000 viên chức phải nghỉ phép không lương và kinh tế Mỹ thiệt hại khoảng 24 tỷ USD. Và thậm chí, nước Mỹ còn suýt rơi vào cảnh vỡ nợ, trước khi quốc hội mở cửa chính phủ trở lại và ngân sách mới cho 2 năm tới được thông qua hồi tháng này.
3. Đảo Síp xin giải cứu, khủng hoảng eurozone vẫn tiếp diễn
Tháng 3/2013, chính quyền CH Síp đã phải chấp nhận khoản giải cứu 10 tỷ euro từ liên minh châu Âu và Quỹ tiền tệ quốc tế để tránh rơi vào cảnh phá sản. Những người gửi tiền tại các ngân hàng nước này đã vô cùng giận dữ khi những ai gửi trên 100.000 euro đều bị mất sạch. Síp chính là nạn nhân mới nhất trong cuộc khủng hoảng tại eurozone.
Đến nay Ailen là nước đầu tiên hoàn trả được toàn bộ tiền cứu trợ, nhưng các cư dân nước này vẫn đang tìm đường di cư để kiếm việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp tại trong giới trẻ tại các nước Nam Âu hiện lên cao kỷ lục: 58% tại Hy Lạp, 57,4% tại Tây Ban Nha và 41,2% tại Ý.
4. Các “đại gia” ngân hàng thế giới liên tục nộp phạt
Ngân hàng lớn nhất nước Mỹ đã chấp nhận nộp 13 tỷ USD nhằm khắc phục hậu quả cho những gì họ gây ra trong cuộc khủng hoảng cho vay mua nhà, vốn đã châm ngòi cho khủng hoảng tài chính toàn cầu. Án phạt trên đã vượt xa kỷ lục trước đó thuộc về hãng dầu khí BP, khi hãng này phải nộp 4 tỷ USD cho chính phủ Mỹ vì gây ra thảm họa tràn dầu.
Ngoài ngân hàng trên, một loạt ngân hàng lớn khác như Deutsche Bank của Đức, RBS và Barclays của Anh, Societe Generale của Pháp, UBS của Thụy Sỹ, Citigroup của Mỹ...cũng phải nộp phạt hàng trăm triệu USD vì liên quan đến hoạt động thao túng lãi suất đồng Euro, đồng Yên Nhật
5. Cuộc đua "bơm" tiền lan khắp thế giới
Nhằm kích thích tăng trưởng, phục hồi kinh tế, các ngân hàng trung ương khắp thế giới từ Mỹ tới châu Âu và Nhật Bản đã cùng đua nhau hạ lãi suất điều hành xuống những mức thấp kỷ lục. Trong khi các nhà đầu tư, người mua nhà và các doanh nghiệp hưởng lợi, những người phải sống dựa vào thu nhập từ tiết kiệm tại các quốc gia này lại chịu thiệt.
Chủ tịch Fed Ben Bernanke đã duy trì mức lãi suất ngắn hạn chủ chốt của Mỹ gần bằng 0%, và còn bãi bỏ luôn cả chỉ dẫn trước đó về thời điểm lãi suất có thể được điều chỉnh tăng. Cuối cùng đến tháng 12, Fed mới giảm dần chương trình bơm tiền mua trái phiếu. Trong khi đó ngân hàng trung ương Nhật vẫn giữ lãi suất gần mức 0% kèm theo cam kết tăng gấp đôi lượng cung tiền bằng cách mua trái phiếu. Ngân hàng trung ương châu Âu đã hai lần cắt giảm, đưa lãi suất xuống chỉ còn 0,25%.
6. Sập xưởng may tại Bangladesh
Tháng 4/2013, hơn 1134 người đã thiệt mạng khi xưởng sản xuất Rana Plaza tại Bangladesh đổ sập. Các công nhân tại đây khi đó đang sản xuất quần áo cho nhiều thương hiệu lớn toàn cầu. Cho đến nay gần 200 người vẫn còn mất tích.
Thông tin sau đó nhanh chóng cho thấy, tòa nhà này thực chất đã được chuyển đổi từ một trung tâm thương mại, và chưa từng được thiết kế để lắp đặt các máy móc hạng nặng, chứa hàng trăm công nhân cùng lúc, hay để gánh 2 tầng được xây dựng thêm.
Thảm kịch đã khiến các hãng may mặc cũng như nhà bản lẻ khắp thế giới chịu áp lực phải hành động. Trong đó có cam kết hỗ trợ kinh phí để thực hiện việc kiểm tra an toàn lao động, và tạo cho công nhân cơ hội được thương lượng về lương.
7. Kinh tế Trung Quốc giảm tốc mạnh
Kinh tế Trung Quốc dù không chịu ảnh hưởng của việc Mỹ cắt giảm kích thích kinh tế, nhưng dự báo GDP của nước này năm nay chỉ tăng 7,6%, cao hơn chút ít mục tiêu 7,5% của chính phủ. Dù vậy, đây là tốc độ thấp nhất trong nhiều năm qua, khi nước này thường tăng trưởng ở mức 2 con số.
Với đội ngũ lãnh đạo mới được bầu trong mùa Thu, Trung Quốc hiện đang cố gắng chuyển hướng nền kinh tế từ tăng trưởng dựa vào xuất khẩu và đầu tư, sang dựa vào tiêu dùng nội địa.
8. Nhật Bản và học thuyết kinh tế Abenomics
Trở lại nắm quyền hồi tháng 12 năm ngoái, thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã cam kết hồi sinh kinh tế nước mình, vượt qua giai đoạn giảm phát kéo dài và niềm tin người tiêu dùng suy yếu. Và chính sách mà ông triển khai đó là in thêm tiền, tăng chi tiêu công và cải cách cấu trúc kinh tế.
Những chính sách này đến nay được gán cho cái tên học thuyết kinh tế Abe (Abenomics). Và quả thực niềm tin người tiêu dùng và giới đầu tư đã được cải thiện. Dù vậy đã xuất hiện những lo ngại về sự bùng nổ của nợ công, khi số nợ công của Nhật nay đã tương đương 245% GDP.
9. Cổ phiếu Twitter nhảy vọt sau khi lên sàn
10. WTO đạt được thỏa thuận lịch sử
Các nỗ lực tự do hóa thương mại thế giới đã nhận được một sự khích lệ lớn khi tháng 12 vừa qua, lần đầu tiên các thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) đạt được một thỏa thuận giúp tăng cường sự lưu thông hàng hóa giữa các quốc gia. Nó cũng khép lại những vòng đám phán liên miên mà không đạt được tiến triển nào để từ vòng đám phán Doha, Qatar năm 2001. Ước tính thỏa thuận này sẽ giúp kinh tế toàn cầu được hưởng lợi từ 400 – 1000 tỷ USD.
Tổng hợp