10 sự kiện khoa học nổi bật nhất năm 2013
(Dân trí) - Khoa học thế giới năm 2013 đã ghi nhận nhiều sự kiện quan trọng, từ khả năng từng có sự sống trên sao Hỏa, tới xác nhận sự tồn tại của hạt của Chúa, hay những thành tựu mới của kỹ thuật tế bào gốc. Sau đây là 10 sự kiện nổi bật nhất.
Tàu thăm dò Voyager 1 ra ngoài hệ mặt trời
Tháng 9 vừa qua, tàu thăm dò Voyager 1 do NASA phóng đi đã trở thành thiết bị đầu tiên do con người chế tạo rời khỏi hệ mặt trời, và đi vào vùng không gian giữa các vì sao. Tàu này được phóng đi năm 1977, với mục tiêu vươn tới sao Mộc và sao Thổ, nay đã ở cách mặt trời hơn 19 tỷ km.
Nồng độ CO2 trong khí quyển cao kỷ lục
Trong tháng 5 vừa qua, nồng độ khí CO2 trong khí quyển của trái đất đã đạt đến ngưỡng kỷ lục, khi lần đầu tiên trong lịch sử loài người vượt mốc 400 ppm. Chỉ ít tháng sau, trong tháng 9, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), một cơ quan quốc tế đánh giá tác động môi trường, đã chỉ ra rằng tác động của con người tới hệ thống khí hậu là rõ ràng hơn bao giờ hết. Hiện 95% chắc chắn rằng con người là nguyên nhân khiến khí hậu trái đất nóng lên.
Tạo ra tế bào gốc của người bằng kỹ thuật nhân bản
Cũng trong tháng 5, các nhà nghiên cứu đã lần đầu tiên thành công trong việc sử dụng kỹ thuật nhân bản để tạo ra những tế bào gốc phôi người. Quá trình này bao gồm việc tách nhân từ một tế bào bình thường và chuyển nó vào trong một quả trứng không được thụ tinh đã bị loại bỏ hết vật chất di truyền.
Khám phá này, được các nhà khoa học Úc miêu tả là “một đột phá lớn trong ngành y học tái tạo”, có thể giúp phát triển những liệu pháp điều trị riêng biệt cho một loạt các bệnh hiện chưa có thuốc chữa. Dù vậy, quá trình này sẽ đòi hỏi phải có người hiến tặng trứng, và cũng làm nảy sinh một số vấn đề về đạo đức.
Miếng thịt bò đắt nhất thế giới phát triển từ phòng thí nghiệm
Miếng thịt đầu tiên trên thế giới được nuôi cấy hoàn toàn trong phòng thí nghiệm đã được nấu chín và ăn thử tại một hội thảo ở London hồi tháng 8. Được một nhà phê bình ẩm thực miêu tả là “rất giống thịt”, sản phẩm này được phát triển bởi các nhà khoa học đại học Maastricht, Hà Lan, trong một dự án do nhà đồng sáng lập Google Sergey Brin tài trợ.
Từ hai tế bào gốc lấy từ sinh thiết hai con bò, các nhà khoa học đã nuôi cấy được những sợi cơ trong phòng thí nghiệm. Những sợi này được ép lại và đặt trong một chiếc bánh mỳ, bỏ thêm một số gia vị, với màu sắc được tô điểm từ nước củ cải đường và cây nghệ tây, cho ra đời món bánh mỳ kẹp thịt đắt nhất thế giới, có giá 332.000 USD.
Sao Hỏa dường như từng là nơi sống được
Tàu thăm dò Tò mò của NASA trên sao Hỏa tiếp tục có những phát hiện quan trọng, khi chỉ ra rằng một hồ nước đã biến mất trên “hành tinh đỏ” có thể đã có điều kiện thuận lợi cho sự sống cách đây khoảng 3 tỷ năm. Đây được xem như một xác nhận cho những nỗ lực của NASA trong việc tìm kiếm các điều kiện có thể sống được trên sao Hỏa trong quá khứ.
Virus HIV bị chặn đứng trong cơ thể “em bé Mississippi”
Một em bé được sinh ra mang theo virus HIV và được điều trị bằng một loạt thuốc diệt virus khác nhau trong 18 tháng đầu đời, đã được phát hiện không còn mang virus chết người này trong suốt 12 tháng sau khi ngừng điều trị. Khi em bé 30 tháng tuổi, kháng thể HIV-1 vẫn hoàn toàn không xuất hiện. Dù vậy, các nhà khoa học vẫn chưa thể trả lời liệu “em bé Mississippi” đã thực sự được chữa khỏi hay chưa.
Những bộ phận sống được tao ra từ tế bào gốc
Các nhà khoa học khắp thế giới đang sử dụng tế bào gốc để nuôi cấy những mô và bộ phận thay thế và năm 2013 đã chứng kiến những đột phá ấn tượng. Tại Nhật Bản, các nhà sinh học tế bào đã viết lại chương trình cho những tế bào da trở thành tế bào gốc, và từ đó phát triển được những lá gan nhỏ có thể hoạt động được mà họ gọi là nhánh gan.
Tại Áo, các nhà khoa học thần kinh đã phát triển được cơ quan tế bào não – những cấu trúc tế bào giống như các vùng khác nhau của não – dựa trên các tế bào phôi gốc và từ các tế bào của người lớn được lập trình lại.
Phát hiện núi lửa lớn nhất thế giới
Tháng 9/2013, các nhà khoa học đã phát hiện ngọn núi lửa đơn lớn nhất thế giới bên dưới đáy Thái Bình Dương. “Siêu” núi lửa này có đường kính tới 650km và đã ngừng hoạt động cách đây 145 triệu năm. Ban đầu, các nhà khoa học cho rằng ngon núi lửa, có tên Tamu Massif, là một loạt các núi lửa liền nhau, nhưng sau đó Chương trình khoan đại dương tích hợp đã chứng minh rằng đây chỉ là một núi lửa riêng lẻ khổng lồ.
Giải mã cấu trúc gen cổ xưa nhất
Các kỹ thuật tách và giải mã ADN siêu hiện đại đã cho phép các nhà khoa học giải mã những tiến hóa cổ xưa. Trong tháng 7, các nhà nghiên cứu đã tách và giải mã được gen của một con ngựa cổ, dựa trên xương bàn chân của nó được tìm thấy bị đóng băng tại vùng lãnh thổ Yukon của Canada. Nó được xác định có niên đại 700.000 năm, lâu hơn rất nhiều kỷ lục trước đó.
Ít tháng sau, một nhóm nghiên cứu khác đã công bố bộ gen của một con gấu tại Tây Ban Nha. Dù con gấu có niên đại trẻ hơn nhiều – chỉ 400.000 năm tuổi – xương của nó không được bảo quản trong tình trạng đóng băng như xương con ngựa tại Canada, khiến thành công này càng trở nên ấn tượng hơn.
Xác nhận sự tồn tại của “hạt của Chúa”
Tháng 3/2013, các nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân châu Âu đã xác nhận việc đạt được một bước đột phá trong ngành vật lý khi phát hiện sự tồn tại của hạt Higgs boson, hay còn gọi là “hạt của Chúa”, giúp lý giải vì sao vật chất trong vũ trụ có khối lượng.
Và hai nhà khoa học “cha đẻ” của lý thuyết này là Peter Higgs người Anh và Francois Englert người Bỉ đã được trao giải Nobel vật lý 2013 vì công trình nghiên cứu lý thuyết Higgs boson.
Thanh Tùng
Tổng hợp