Xung đột Ukraine: Nga đột phá sản xuất vũ khí mới, bí mật là gì?
(Dân trí) - Mỹ hy vọng quân đội Nga sẽ "suy yếu" sau xung đột ở Ukraine, nhưng điều đó đã không thành hiện thực, do Nga tăng cường sản xuất đạn dược và các hệ thống vũ khí mới tinh vi hơn.
Bí mật của Moscow là gì? Sputnik đã trao đổi chuyên gia quân sự kỳ cựu Andrei Martyanov để tìm hiểu về vấn đề này.
Bộ trưởng Công thương Nga Denis Manturov ngày 24/7 cho biết sản lượng đạn dược hàng tháng xuất xưởng của ngành công nghiệp quốc phòng nước này đã vượt qua sản lượng cả năm 2022.
"Kể từ đầu năm nay, sản lượng nhiều loại vũ khí, thiết bị quân sự đặc chủng đã vượt quá con số tổng trong năm ngoái. Nếu chỉ nói về đạn dược, chúng ta đã đạt tới cấp độ mà sản lượng hàng tháng vượt qua tổng sản lượng năm 2022", ông nhấn mạnh.
Bộ trưởng khẳng định hầu hết các công ty quốc phòng nước này đều đáp ứng được thời hạn hoàn thành các đơn đặt hàng từ quân đội.
Nhà thầu KB Mashinostroyeniya thông báo đã tăng cường sản xuất, đáp ứng được 100% các đơn hàng quốc phòng. Sản lượng một số vũ khí thậm chí vượt mức 250% so với kế hoạch.
NATO khó vượt Moscow
Hồi tháng 3, Tổng thống Putin đã hứa rằng Mỹ và các đồng minh sẽ không thể vượt Nga ở Ukraine, đồng thời ông chỉ ra rằng cứ mỗi quả đạn pháo hoặc đạn pháo xe tăng mà NATO sản xuất và chuyển tới Kiev, Moscow có thể sản xuất gấp 3 lần hoặc hơn nữa.
Sản lượng vũ khí tăng lên không chỉ giới hạn ở các thiết bị cũ có sẵn dây chuyền từ thời Chiến tranh Lạnh. Sau 18 tháng giao tranh, nhiều doanh nghiệp quốc phòng đã chứng minh rằng Nga có khả năng phát triển hàng loạt thiết bị mới hoàn toàn.
Moscow đủ khả năng chống lại các lệnh trừng phạt của phương Tây và tăng cường sản xuất nhiều loại vũ khí, bất chấp việc vào năm ngoài, các quan chức cấp cao và truyền thông Mỹ dự đoán táo bạo rằng Nga sẽ sớm cạn kiệt chip cho tên lửa.
Phương Tây cũng từng cho rằng xe tăng tiên tiến NATO sẽ có thể xuyên thủng hệ thống phòng thủ Nga như một con dao nóng xuyên qua bơ. Tóm lại Nga đơn giản là không thể sánh được với các công nghệ quân sự vượt trội của các nước phương Tây giàu có và tiên tiến.
Tuy nhiên, chiến dịch tấn công dồn dập bằng tên lửa chính xác của Nga vào Ukraine và sự đình trệ trong cuộc phản công của Kiev, đã chứng minh điều ngược lại.
Ngay cả các phương tiện truyền thông phương Tây vốn thường hạ thấp Moscow kịch liệt nhất giờ đây cũng thừa nhận rằng cuộc phản công đã sa lầy, khiến một số quan chức Mỹ đổ lỗi cho chiến thuật và chỉ huy của Ukraine, nhưng nhấn mạnh rằng thiết bị do họ cung cấp không phải là vấn đề.
Sau khi bơm hơn 95 tỷ USD mua vũ khí cho Ukraine, đến nay các nước phương Tây ngày càng bắt đầu nói nhiều về việc họ không thể tiếp tục cung cấp vũ khí và đạn dược cho Kiev với tốc độ như trước.
Một số quốc gia châu Âu đã tính toán rằng, sau khi gửi vũ khí và đạn cho Kiev, nếu phải tham gia một cuộc chiến tranh toàn diện, quân đội của họ sẽ chỉ còn đủ dự trữ để chiến đấu trong vòng 24-48 giờ.
Đầu tháng này, Tổng thống Biden thừa nhận với truyền thông rằng Mỹ đang chuyển giao bom đạn chùm tới Ukraine vì nước này sắp hết đạn pháo 155mm thông thường. Quyết định này đã làm dấy lên sự chỉ trích gay gắt từ cựu Tổng thống Donald Trump.
"Huyền thoại" Mỹ đối mặt trước thực tế
Chuyên gia Andrei Martyanov nói, "Hãy để tôi diễn đạt theo cách này: Trong 15 tháng qua, chúng ta đã chứng kiến sự sụp đổ của các huyền thoại quân sự cũng như công nghệ Mỹ".
"Những chuyên gia cố vấn dự đoán sự suy yếu của quân đội Nga hầu hết chưa từng phục vụ một ngày nào trong lực lượng vũ trang. Tướng Robert Latiff, tác giả cuốn sách Chiến tranh trong tương lai từng viết: "mọi thứ mà công chúng Mỹ và các chính trị gia biết về chiến tranh chủ yếu là từ ngành công nghiệp giải trí". Tôi bắt đầu nghĩ rằng nhiều tướng lĩnh Mỹ cũng biết và học về chiến tranh từ ngành công nghiệp giải trí, từ Hollywood", ông Martyanov phân tích.
Chuyên gia nhấn mạnh: "Về khả năng phòng không, Mỹ thậm chí không cùng đẳng cấp với Nga. Về tên lửa hành trình, một lần nữa, Mỹ tụt hậu ở đây không phải theo năm tháng, họ tụt hậu theo nhiều thế hệ".
Chuyên gia Martyanov nói, Moscow sử dụng rộng rãi nhiều loại vũ khí đạn đạo, hành trình và vũ khí siêu thanh tấn công vào Ukraine và phòng không - không quân đủ sức đè bẹp không quân Ukraine để đảm bảo ưu thế gần như hoàn toàn trên bầu trời.
"Các hệ thống phòng không Nga đã ứng dụng mô hình lấy mạng làm trung tâm từ lâu", chuyên gia quân sự cho biết và khẳng định, từ thực tế chiến đấu, đã có những cải tiến và tối ưu hóa, giúp tăng ngay lập tức hiệu suất chiến đấu cho các tổ hợp tên lửa phòng không Pantsir-S1, Tor-M2 và Buk -M3.