1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Xung đột Israel - Iran: "Nắm quyền phát bóng", khi nào Tel Aviv khai hỏa?

Minh Phượng

(Dân trí) - Cuộc khủng hoảng giữa Iran và Israel hiện nay giống một "trận đấu bóng bàn" và thế chủ động đang ở phía Tel Aviv.

Xung đột Israel - Iran: Nắm quyền phát bóng, khi nào Tel Aviv khai hỏa? - 1

Một phụ nữ Iran đi ngang qua một biển tâm lớn in hình tên lửa ở Tehran ngày 19/4 (Ảnh: Reuters).

Trận đấu "bóng bàn" giữa Iran và Israel

Nhìn từ bên ngoài, tình hình Trung Đông luôn không bình yên. Hai quốc gia Iran và Israel - là đối thủ truyền kiếp, luôn muốn xóa tên nhau trên bản đồ thế giới - đang có những màn "ăn miếng, trả miếng" như trong một trận đấu bóng bàn.

Do hai bên không có chung đường biên giới nên Tehran tiến hành chống Tel Aviv thông qua "Trục kháng chiến" do họ lãnh đạo. Nói cách khác, đó là một cuộc chiến tranh ủy nhiệm của Iran, thông qua các "cánh tay nối dài" như Hamas, Hezbollah, Houthi…

Sự cân bằng ở Trung Đông một lần nữa lại bị phá vỡ, khi Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) tiến hành chiến dịch quân sự vào lãnh thổ Li Băng, IDF tiếp tục tấn công Beirut và các vùng ngoại ô một cách không nhân nhượng.

Không thể ngồi nhìn đồng minh đang oằn mình chống đỡ các đòn tấn công như vũ bão của Israel, Iran đã phát động chiến dịch "Lời hứa đích thực - True Promise 2", bằng cách phóng khoảng 200 tên lửa đạn đạo vào lãnh thổ Israel vào đêm ngày 1, rạng sáng ngày 2/10.

Hai điểm chính của đòn tấn công bằng tên lửa của Iran là:

Thứ nhất, tiến hành tập kích ồ ạt, nhằm gây quá tải cho hệ thống phòng thủ tên lửa đa tầng, vốn được ca ngợi của Israel và tiêu hao càng nhiều số lượng tên lửa đánh chặn của Israel càng tốt.

Có lẽ điểm yếu của Israel dường như đã bị các đối thủ phát hiện, đó là diện tích lãnh thổ của họ tương đối nhỏ, các mục tiêu khá rõ ràng, khó có thể che giấu bí mật.

Như vậy, nếu Iran và các đồng minh, tiến hành một cuộc tấn công với số lượng từ 1.000 đến 1.500 tên lửa liên tục, có thể làm suy yếu đáng kể tiềm năng phòng thủ của đối phương nhưng Israel không thể thực hiện một chiến dịch tấn công trên bộ, để giải quyết "tận cùng" vấn đề.

Thứ hai, cuộc tấn công chỉ làm số lượng nhỏ dân thường Israel thương vong. Chính xác là chỉ có một người Palestine thiệt mạng khi một mảnh tên lửa của Iran bị đánh chặn, đã rơi trúng người đàn ông bất hạnh. Điều này cho thấy tính chọn lọc mục tiêu trong cuộc tấn công của Iran và rõ ràng là công nghệ tên lửa của họ có độ chính xác cao.

Bất chấp quy mô của chiến dịch Lời hứa đích thực 2, các hành động của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) dường như bị "giới hạn có điều kiện". Có vẻ như Iran không đặt mục tiêu gây ra một thất bại nặng nề cho quân đội Israel, để tránh tình hình bị đẩy đi quá xa.

Câu hỏi chính trong câu chuyện tấn công của Iran, là phản ứng của Israel. Nhiều chuyên gia nhận định, đừng bao giờ đánh giá thấp quyết tâm trả thù của người Do Thái, nên nhớ Israel được coi là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, điều mà Tel Aviv hiện không công nhận cũng không phản đối.

Một quốc gia có vũ khí hạt nhân, đã bị đối thủ "không đội trời chung", tấn công một cách dữ dội bởi hàng trăm tên lửa đạn đạo, hành động này đơn giản là không thể chấp nhận được với Israel.

Theo các nhà phân tích của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ, dường như chiến dịch "True Promise 2" của Iran thế là đủ, không nhằm mục đích gây thêm sát thương cho đối thủ.

Biểu hiện là Iran không tấn công toàn lực, mà hành động mang tính chất chính trị và tuyên truyền nhiều hơn. Như vậy không còn nghi ngờ gì nữa, Tehran có thể tấn công mạnh mẽ hơn nhiều.

Xung đột Israel - Iran: Nắm quyền phát bóng, khi nào Tel Aviv khai hỏa? - 2

Tiêm kích F-15 Israel (Ảnh: AFP/Getty).

Khi nào Israel sẽ tấn công trả đũa Iran?

Có cảm giác rằng, ở Trung Đông mọi quốc gia đều tuân thủ một quy định về một "luật chơi nhất định". Chính xác hơn, trên khắp thế giới, họ đang cố gắng chơi theo luật, nhưng xung quanh Israel là nơi các trò chơi không theo luật nào.

Tehran và Tel Aviv đang tham gia vào cuộc "đấu bóng bàn" trả đũa qua lại lẫn nhau và "quyền giao bóng" lúc này thuộc về Israel. Nếu trận đấu giữa hai bên ở mức độ tối đa, IDF có thể tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran.

Gần đây, Israel cố gắng không khiêu khích và hạn chế phá hoại Iran tại các địa điểm chiến lược. Thứ nhất, Tehran có thể đáp trả; Thứ hai, Iran không quá xa Israel và Tel Aviv hoàn toàn có thể tấn công các mục tiêu hạt nhân của đối thủ, ít nhất là trong thể thức đối đầu hiện tại.

Nếu muốn phá hủy máy ly tâm và các cơ sở hạt nhân khác của Iran, Israel cần phải thực hiện nhiều đợt bắn phá trong hơn một tuần, và lúc này cuộc chiến có thể được đẩy lên mức toàn diện.

Hiện Không quân Israel không có máy bay ném bom chiến lược, để có thể mang được những loại bom xuyên đất trọng lượng lên tới cả chục tấn, nhằm phá hủy các cơ sở hạt nhân của Iran nằm sâu dưới lòng đất.

Do vậy, một cuộc tấn công trả đũa của Không quân Israel vào các mỏ dầu và nhà máy chế biến, dường như còn hợp lý và dễ tiếp cận hơn. Khi các mục tiêu này có kích thước lớn, dễ cháy và không dẫn đến thảm họa hạt nhân.

Nhưng việc Israel tấn công các mỏ dầu của Iran, có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng nhiên liệu trên toàn thế giới, giống cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973. Và Mỹ đang nỗ lực rất nhiều để kịch bản này không xảy ra, khi họ sắp có cuộc bầu cử tổng thống và việc giá dầu tăng không thể tránh khỏi, sau đòn trả đũa của Israel là "rất không phù hợp".

Washington đang cố gắng ngăn cản sự leo thang căng thẳng hơn nữa của Israel, chính là vì lý do này.

Bất chấp sự hiện diện trên Vịnh Ba Tư, ngay sát gần lãnh thổ Iran, nhưng Hạm đội 5 của Hải quân Mỹ không có nhiều cơ hội để giúp đỡ Tel Aviv, khi tất cả các quốc gia Hồi giáo ở Trung Đông, đều có thể trực tiếp hoặc gián tiếp cầm vũ khí chống lại Israel.

Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê Út và UAE dường như đều sẽ không góp phần vào hành động gây hấn của Mỹ chống lại Iran. Thời kỳ mà các hoạt động được Liên đoàn Ả Rập hỗ trợ như chiến dịch "Bão táp sa mạc" tấn công Iraq đã qua đi vĩnh viễn khi họ nhận thấy chiến lược của Mỹ và cả Israel là làm suy yếu khối này.

Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, Nhà Trắng chắc chắn không muốn một cuộc chiến ở Trung Đông với sự tham gia trực tiếp của họ, khi họ "gánh Ukraine" là quá đủ. Iran hiểu rất rõ điều này và tin tưởng vào phản ứng có chừng mực của Israel.

Rất có thể, Tehran có thể lợi dụng tình hình căng thẳng trước bầu cử và một lần nữa, tiếp tục phóng tên lửa vào Israel mà không sợ bị đáp trả, khi rủi ro đối với đảng Dân chủ ở Mỹ là quá lớn.

Không thể nêu chính xác thời gian, địa điểm và ngày tháng Israel tấn công trả đũa. Việc họ chưa có phản ứng ngay lập tức, điều đó có nghĩa là Iran đã không vượt qua "ranh giới đỏ" của Tel Aviv. Phản ứng chậm trễ của IDF cũng sẽ được điều chỉnh và phù hợp về mặt chính trị, không hơn, không kém.

Vào ngày 9/10, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant - trong chuyến thị sát Đơn vị Tình báo 9900 của quân đội nước này - khi trả lời phỏng vấn của Times of Israel đã tuyên bố cứng rắn rằng, cuộc tấn công của Israel vào Iran sẽ "chết người, chính xác và bất ngờ".

Ông Gallant nhấn mạnh, trong cuộc tấn công mới nhất của Iran, lực lượng không quân Israel không bị thiệt hại gì, tất cả các đường băng đều hoạt động bình thường và không có binh sĩ hay dân thường nào bị thương. Ông cũng cho biết, toàn bộ hệ thống an ninh của Israel nhất quán trong việc tấn công Iran.

Tất nhiên, những sự kiện bi thảm ở Trung Đông đang gây hậu quả nặng nề. Hàng nghìn người dân vô tội đang chết, không ai mong muốn xung đột sẽ leo thang mạnh mẽ đến mức không thể kiểm soát được.

Tất cả các bên của cuộc chiến đang diễn ra từ lâu, đã chấp nhận các quy tắc của trò chơi "giao hữu bóng bàn là tôi phóng tên lửa vào anh và anh ném bom vào tôi". Có thể nhận thấy, họ chưa sẵn sàng phá vỡ chúng.

Nhưng điều này chỉ đúng cho đến khi một trong các bên hành động sai lầm. Iran đã tiến gần đến việc phát triển vũ khí hạt nhân và nếu thành công, khu vực sẽ rung chuyển nghiêm trọng. Tehran, khi đó, với tư cách là một cường quốc hạt nhân, sẽ không bao giờ đồng ý với vai trò mà người Mỹ đã chuẩn bị cho mình.