1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Xe tăng Challenger của Ukraine có thể phá lớp phòng ngự của Nga?

Nguyễn Bình

(Dân trí) - Ngoại cỡ và trang bị vũ khí kém, liệu xe tăng Challenger 2 do Anh sản xuất của Ukraine có thể giúp xoay chuyển cục diện chiến trường?

Xe tăng Challenger của Ukraine có thể phá lớp phòng ngự của Nga? - 1

Xe tăng Challenger 2 có thể giúp Ukraine đảo ngược tình thế? (Ảnh: Sky News).

Theo Sputnik, Quân đội Nga  xác nhận Ukraine đã triển khai Lữ đoàn tấn công đường không số 82 tinh nhuệ thuộc lực lượng dự bị chiến lược tại Zaporizhia. Lữ đoàn được trang bị Challenger 2, loại xe tăng được quảng cáo rầm rộ nhưng ít thấy của Anh.

Điểm mạnh và điểm yếu của xe tăng là gì và chúng sẽ đối mặt với những thách thức nào trước lực lượng Nga?

Lữ đoàn tấn công đường không số 82 gồm 2.000 binh sĩ đã chịu tổn thất đầu tiên ngay khi vừa tham chiến trong lúc cố gắng tấn công các tuyến phòng thủ của Nga gần làng Rabotino ở vùng Zaporizhia hôm 15/8.

Bộ Quốc phòng Nga báo cáo rằng, lực lượng Ukraine đã mất hơn 200 quân nhân, 5 xe tăng, 6 xe chiến đấu bộ binh. Các lực lượng Nga được cho là đã đẩy lùi 3 mũi tấn công riêng biệt của Ukraine dọc theo chiến tuyến.

Bộ Quốc phòng Nga không nêu cụ thể loại xe tăng nào bị phá hủy. Tuy nhiên, lữ đoàn tinh nhuệ của Ukraine được cho là có trong biên chế một số hoặc toàn bộ 14 xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2 được London gửi tới Kiev vào đầu năm nay, cùng với kho đạn uranium nghèo gây tranh cãi.

Challenger 2 sẽ phá lớp phòng ngự Nga như "dao nóng xuyên bơ"?

Xe tăng Challenger 2 là niềm tự hào của Quân đội Anh kể từ khi được đưa vào phục vụ vào cuối những năm 1990. Các phương tiện truyền thông khoe về thành tích bất bại trên chiến trường của chúng (không tính sự cố hỏa lực trong chiến tranh Iraq năm 2003).

Vì vậy, có những dự đoán một cách tự tin từ mùa xuân năm nay rằng, trong tay Ukraine, những chiếc Challenger 2, cùng với xe tăng Leopard 2 của Đức, sẽ làm tan chảy hàng phòng ngự của Nga như dao nóng xuyên qua bơ.

Ngay sau khi Ukraine bắt đầu cuộc phản công mùa hè vào đầu tháng 6, các nhà quan sát phương Tây cũng ngay lập tức nhận ra sự viển vông của những nhận định này.

Minh chứng cụ thể là việc Ukraine được cho là đã rút các xe tăng hạng nặng Leopard của Đức khỏi mặt trận chỉ vài ngày sau khi những chiếc xe khổng lồ này mắc kẹt trong các bãi mìn và tỏ ra dễ bị tổn thương trước hỏa lực pháo binh và trực thăng tấn công Nga ở những cánh đồng gần như bằng phẳng, trống trải tại Zaporizhia và Kherson.

Đối với những chiếc Challenger 2, các lực lượng Nga đã không báo cáo đã tiếp xúc với chúng trong suốt hai tháng rưỡi qua.

Xe tăng Challenger của Ukraine có thể phá lớp phòng ngự của Nga? - 2

Xe tăng của Quân đội Ukraine (Ảnh: CEPA).

Dấu hiệu cảnh báo đầu tiên

Quân đội Ukraine lần đầu tiên nhận được các dấu hiệu cảnh báo về tiềm năng chiến đấu của xe tăng Challenger vào tháng 1, khi các tướng lĩnh hàng đầu của lực lượng vũ trang Anh được cho là đã nói rõ ràng với các đối tác Ukraine tránh triển khai xe tăng ở những khu vực mà chúng có thể bị lực lượng Nga bắt hoặc phá hủy.

"Bước một là đào tạo và làm việc với những người lập kế hoạch chiến đấu để cố gắng đảm bảo Challenger 2 không được sử dụng trong các tình huống mà họ nghĩ rằng sự sụp đổ (của mặt trận) là một khả năng thực tế. Bước hai là đảm bảo, ở cấp độ chiến thuật, (rằng) người Ukraine được huấn luyện để cứu một chiếc xe tăng bị trúng đạn", một nguồn tin quốc phòng cho biết vào thời điểm đó.

Ukraine được yêu càu phải chăm sóc đặc biệt cho các thiết bị đắt tiền do London cung cấp đã đặt ra câu hỏi về việc liệu họ có thể sử dụng chúng ở tiền tuyến hay không, trước nguy cơ bị phá hủy và bắt giữ liên tục khi Nga tiếp tục thu được nhiều loại thiết bị NATO, đủ để tạo ra một đội quân nhỏ.

Vấn đề nghiêm trọng

Một vấn đề khác chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc triển khai những chiếc Challenger 2 của Lữ đoàn 82 ở Zaporizhia là cuộc chiến trên không và pháo binh - hai lĩnh vực mà Nga, ngay cả các quan chức phương Tây cũng phải thừa nhận, đã giành được ưu thế áp đảo.

Đây là một vấn đề chắc chắn ảnh hưởng đến tất cả các phương tiện quân sự, binh sĩ và công sự của Ukraine, dù ở gần tiền tuyến hay hậu phương. Nhưng Challenger 2 đặt ra hai thách thức đặc biệt về vấn đề này, liên quan đến kích thước và trọng lượng của nó.

Với trọng lượng từ 64 đến 75 tấn (tùy thuộc vào cấu hình lớp giáp), Challenger 2 là một trong những xe tăng nặng nhất trong kho vũ khí của NATO. Điều đó có nghĩa là việc di chuyển đơn giản, đặc biệt là ở những khu vực không phù hợp với xe tăng hạng nặng do bùn, sông ngòi, đường và cầu hẹp cũng như các chướng ngại vật tự nhiên và nhân tạo khác, có thể là một thách thức.

Ngoài ra, việc vận chuyển đường dài sẽ cần sự hỗ trợ của các phương tiện đặc biệt, các dịch vụ kỹ thuật luôn phải ở gần đó - và một lần nữa có nguy cơ bị pháo binh Nga hoặc cuộc tấn công từ trên không phá hủy.

Challenger 2 không hẳn là một chiếc xe tăng tàng hình vì chúng có thể bị phát hiện khi đang tiếp cận từ cách xa vài km trên cánh đồng trống trải (và xa hơn nữa từ trên không).

Giả sử thông tin liên lạc hiệu quả giữa các đơn vị trinh sát của Nga với sự hỗ trợ của pháo binh và không quân, các lực lượng Nga sẽ có thể chống lại bất kỳ cuộc tấn công bằng thiết giáp nào của Ukraine, bao gồm cả việc sử dụng những chiếc Challenger 2, dù chúng có khả năng tiên tiến như nào, cũng không thấm vào đâu trước cuộc tấn công của Nga ở phạm vi quá xa để có thể bắn trả.

Xe tăng Challenger của Ukraine có thể phá lớp phòng ngự của Nga? - 3

Xe tăng Challenger 2 do Anh chế tạo (Ảnh: Bộ Quốc phòng Ukraine).

Ngay cả khi chống lại các vũ khí chống tăng thông thường (như súng tăng và tên lửa chống tăng cầm tay của đối phương), Challenger 2 sẽ bị đe dọa liên tục bởi các lực lượng Nga.

Thứ nhất, Challenger 2 là xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại duy nhất không có súng nòng trơn, với thiết kế pháo chính L30A1 cỡ nòng 120mm kém chính xác và kém uy lực hơn so với các đối thủ của Nga - và không tương thích với các loại đạn pháo của NATO.

Thứ hai, việc số lượng triển khai chiến đấu ít ỏi đã hạn chế cơ hội cho các lực lượng tác chiến của đối phương thử nghiệm lớp giáp phòng thủ và các hệ thống bảo vệ chủ động của Challenger 2 bằng cách sử dụng tên lửa chống tăng vác vai.

Tuy nhiên, các xe tăng tương đương, bao gồm Leopard 2, Abrams và Merkava của Israel, đã được chứng minh là dễ bị tổn thương trước các hệ thống chống tăng do Nga sản xuất như tên lửa Kornet cũng như bất kỳ vũ khí nào khác.

Challenger 2 có thể xoay chuyển tình thế không?

Các nhà quan sát quân sự Nga kỳ vọng toàn bộ đại đội xe tăng Challenger 2 của Ukraine (cộng thêm các phương tiện kỹ thuật và phục hồi) trực thuộc Lữ đoàn 82 sẽ được nhóm lại thành một đơn vị duy nhất, do việc chia đại đội thành các trung đội và sử dụng chúng theo nhiều hướng khác nhau sẽ làm giảm khả năng bị phá hủy của chúng.

Với việc Ukraine mất hàng trăm xe tăng trong hai tháng qua, trong đó có tới 30 chiếc Leopard 2 với nhiều biến thể khác nhau, 14 chiếc Challenger 2 tự thân chúng không thể xoay chuyển được tình thế phản công của Kiev.

Nếu xe tăng bị mất, chúng sẽ bị mất vĩnh viễn, cả Ukraine và Anh - vốn không còn sản xuất nhiều bộ phận của xe tăng - hoàn toàn không có khả năng bổ sung tổn thất kịp thời.

Theo Sputnik
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine