1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Xáo trộn bàn cờ Syria

Châu Âu có thể phải làm quen với thực trạng không mong muốn là các cuộc khủng bố sẽ diễn ra liên tục, thậm chí là hằng ngày

Cục diện Syria vừa chứng kiến bước ngoặt đáng chú ý khi nhóm Mặt trận Al-Nusra tuyên bố chấm dứt quan hệ với mạng lưới khủng bố Al-Qaeda. Bước đi này có nguy cơ làm xáo trộn chiến lược của Mỹ, theo đó tìm cách tách biệt các nhóm nổi dậy ôn hòa với những phần tử thánh chiến có liên hệ với Al-Qaeda.

Bước đi “thiết thực”

Abu Mohamed al-Jolani, thủ lĩnh Mặt trận Al-Nusra, lộ diện lần đầu tiên trong đoạn video công bố hôm 28-7 và cho biết sẽ cùng các nhóm phiến quân khác lập ra phong trào mới gọi là Jabhat Fateh al-Sham. Trước đó cùng ngày, nhân vật thứ hai của Al-Qaeda, Abu al-Khayr al-Masri, nói trong một đoạn ghi âm rằng đây là “bước đi thiết thực” nhằm đoàn kết tất cả nhóm nổi dậy đang chống chế độ Tổng thống Bashar al-Assad.

Không phải ngẫu nhiên mà quyết định của Mặt trận Al-Nusra diễn ra vào lúc lực lượng chính phủ Syria được sự hỗ trợ của Nga đang siết chặt vòng vây quanh Aleppo, thành phố lớn nhất Syria, trước khi nổ ra nội chiến và hiện là thành trì quan trọng nhất của phe nổi dậy. Nga và chính quyền ông Assad vừa thông báo mở “các hành lang an toàn” để người dân rời khỏi Aleppo, khiến các nước phương Tây lo ngại liên quân này sắp tấn công vào đó.

Riêng người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nhận định đây có thể là nỗ lực nhằm buộc người dân sơ tán và các nhóm phiến quân đầu hàng. Khoảng 250.000 dân thường được cho là đang mắc kẹt tại những khu vực do phe nổi dậy kiểm soát bên trong Aleppo và nguồn cung thực phẩm sẽ can kiệt trong vài tuần tới, theo Liên Hiệp Quốc.

Abu Mohamad al-Golani (giữa), thủ lĩnh nhóm Mặt trận Al-Nusra, đọc tuyên bố cắt đứt quan hệ với Al-Qaeda. (Ảnh: REUTERS)
Abu Mohamad al-Golani (giữa), thủ lĩnh nhóm Mặt trận Al-Nusra, đọc tuyên bố cắt đứt quan hệ với Al-Qaeda. (Ảnh: REUTERS)

Ông Amarnath Amarasingam, một chuyên gia về chủ nghĩa cực đoan tại trường ĐH Dalhousie (Canada), cho rằng Mặt trận Al-Nusra đã nhận thấy một số lợi ích chiến lược từ cuộc “chia tay” Al-Qaeda, một cái tên không được lòng phe đối lập ở Syria.

“Các thủ lĩnh Al-Nusra mong muốn các nhóm nổi dậy khác đoàn kết với họ, từ đó gia tăng ảnh hưởng của nhóm trong phong trào đối lập Syria” - ông Amarasingam giải thích. Ngoài ra, nhóm này còn hy vọng không còn bị lực lượng nước ngoài gán cho cái mác “một chi nhánh của Al-Qaeda” để tránh bị không kích trong thời gian tới. Giới thủ lĩnh Al-Nusra ngày càng lo ngại về những vụ tấn công như thế sau khi chứng kiến Mỹ - Nga thảo luận về khả năng hợp tác chống khủng bố tại Syria.

Vẫn cực đoan, nguy hiểm

Trước mắt, không có dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ nương tay với Mặt trận Al-Nusra, vốn bị Washington xem là tổ chức khủng bố vào tháng 12-2012. Ông Kirby hôm 28-7 cho biết các tay súng nhóm này vẫn là mục tiêu không kích hợp pháp của Mỹ và Nga. “Chúng tôi đánh giá một nhóm thông qua hành động, không phải tên gọi” - quan chức này nói thêm.

Ngoài ra, tạp chí Foreign Policy (Mỹ) nhận định sẽ không có chuyện đối thủ chính của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria bớt nguy hiểm và cực đoan hơn thời “hậu Al-Qaeda”. Thay vào đó, việc cắt đứt quan hệ với Al-Qaeda chỉ càng nêu bật tham vọng lâu dài của Mặt trận Al-Nusra tại Syria: Bắt tay với các nhóm nổi dậy khác để chống lại các kẻ thù hiệu quả hơn. Chiến lược này tương phản hoàn toàn với IS - tổ chức chỉ muốn “đơn thân độc mã” và không ngại “gây thù chuốc oán” với các phe phái vũ trang Hồi giáo khác.

Ông James Comey, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), hôm 27-7 cảnh báo về một hậu quả tiềm tàng trong trường hợp IS bị đánh bại ở Trung Đông: Một cuộc “di cư” của các thành viên nhóm này đến Mỹ và Tây Âu. Theo ông Comey, giới chức chống khủng bố đang tập trung xem xét khả năng hàng trăm chiến binh IS sống sót ngoài chiến trường sẽ kéo sang Tây Âu thực hiện các vụ tấn công như ở thủ đô Paris - Pháp và thủ đô Brussels - Bỉ gần đây. Sự đi lại dễ dàng cũng khiến Mỹ khó tránh nguy cơ này.

Ông Comey đánh giá các vụ bạo lực được truyền cảm hứng và do IS chỉ đạo là mối đe dọa lớn nhất hiện nay đối với sự an toàn của người Mỹ và rất khó để ngăn chặn. Khoảng 100 người Mỹ bị bắt từ đầu năm 2014 vì những cáo buộc ủng hộ IS. Tuy nhiên, không dễ để lực lượng thực thi pháp luật Mỹ phát hiện một cá nhân ủng hộ IS trên mạng có kế hoạch ra tay hành động.

Theo tờ The Wall Street Journal, làn sóng tấn công nhỏ ở châu Âu gần đây cho thấy IS đang gieo rắc hoảng sợ mà không cần mất công huấn luyện, trang bị như đầu tư cho các nhóm tiến hành những vụ khủng bố lớn.

Không như 2 vụ khủng bố ở Paris và Brussels - được lên kế hoạch tỉ mỉ và do các tay súng được huấn luyện bài bản ra tay, những vụ tấn công gần đây do những kẻ nghiệp dư gây ra, sử dụng “vũ khí thô sơ” như như dao và xe tải. Dù vậy, giới chức Mỹ và châu Âu vẫn tin rằng IS không từ bỏ ý đồ thực hiện các vụ khủng bố quy mô lớn.

Ông Devin Nunes, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, cảnh báo châu Âu có thể phải làm quen với thực trạng không mong muốn là các cuộc khủng bố sẽ diễn ra liên tục, thậm chí là hằng ngày. “Mối đe dọa thánh chiến không kết thúc sớm mà trên thực tế có nguy cơ gây chết chóc nhiều hơn. Điều quan trọng là các phần tử Hồi giáo cực đoan đã tuyên chiến với phương Tây” - ông Devin Nunes, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, nhấn mạnh.

Theo Hoàng Phương - Xuân Mai

Người Lao động