WHO: Thế giới phải sẵn sàng đối phó Covid-19 trở thành đại dịch
(Dân trí) - Trong khi dịch viêm phổi cấp Covid-19 ở Trung Quốc dường như đã đạt đỉnh, tình hình có xu hướng diễn biến phức tạp hơn ở nhiều nơi trên thế giới do vậy các nước cần sẵn sàng cho kịch bản đại dịch.
Trung Quốc đã qua đỉnh dịch?
Phát biểu tại một cuộc họp báo tại Geneva ngày 24/2, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, đỉnh dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (Covid-19) gây ra đã đạt đỉnh ở Trung Quốc trong thời gian từ ngày 23/1 đến 2/2 và kể từ đó số ca nhiễm mới "đang có xu hướng giảm dần".
"Loại virus này hoàn toàn có thể kiểm soát được", ông Tedros nói và đánh giá cao nỗ lực của Trung Quốc trong việc ngăn dịch lan rộng.
Thực tế, số ca nhiễm mới Covid-19 bắt đầu giảm mạnh khoảng 2 tuần trở lại đây.
Theo số liệu công bố mới nhất của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, trong ngày 24/2, Trung Quốc chỉ ghi nhận 71 ca tử vong và 508 ca nhiễm mới. Đây là ngày có số người tử vong vì Covid-19 thấp nhất tại Trung Quốc trong hơn 2 tuần qua. Số ca nhiễm mới cũng giảm mạnh so với trung bình hơn 3.000 ca/ngày trước đó.
Các chuyên gia của WHO cho rằng, chiến dịch ngăn chặn dịch Covid-19 của Trung Quốc đạt được hiệu quả nhờ quyết định phong tỏa tâm dịch Hồ Bắc và hàng loạt thành phố lớn khác. "Trước một dịch bệnh chưa từng biết trước đó, Trung Quốc đã sử dụng một trong những chiến lược cổ xưa nhất để kiểm soát dịch bệnh”, Bruce Aylward, người đứng đầu nhóm chuyên gia của WHO điều tra dịch Covid-19 tại Trung Quốc, nhận định.
Thế giới cần sẵn sàng cho đại dịch
Trong khi đó, WHO bày tỏ lo ngại về tình trạng bùng phát dịch tại các quốc gia và vùng lãnh thổ khác, đặc biệt là Hàn Quốc, Nhật Bản, Italia, Iran. Tại Hàn Quốc, chỉ trong vòng một tuần qua, số ca nhiễm Covid-19 ở nước này đã tăng vọt từ 15 trường hợp lên gần 900 trường hợp ông khi 9 người tử vong. Tại Italia, số người nhiễm tăng từ 3 ca lên 229 ca trong vòng chưa đầy một tuần.
Bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc cuối năm ngoái, đến nay dịch Covid-19 đã lan ra hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Giới chức WHO khẳng định hiện vẫn còn quá sớm để công bố Covid-19 là đại dịch.
"Thông điệp quan trọng để khuyến khích, mang lại hy vọng và niềm tin cho tất cả các quốc gia rằng virus này hoàn toàn có thể ngăn chặn được. Thực tế đã có nhiều quốc gia làm được điều đó", ông Tedros nói. Người đứng đầu WHO nói thêm: "Liệu virus này có thể gây ra đại dịch hay không? Tất nhiên là có. Chúng ta đã ở giai đoạn đó chưa? Theo đánh giá của chúng tôi thì chưa".
Tuy nhiên, ông Tedros cũng nhấn mạnh: "Chúng ta cần tập trung ngăn chặn dịch, đồng thời làm mọi việc có thể để sẵn sàng cho nguy cơ một đại dịch". Ông Tedros bày tỏ “lo ngại sâu sắc” về tình trạng lan rộng của dịch Covid-19 ở các nước như Hàn Quốc, Italia, Iran.
Cùng ngày, ông Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình khẩn cấp của WHO, cũng bình luận: “Hãy xem những gì xảy ra ở Trung Quốc, chúng tôi nhận thấy các ca nhiễm mới giảm mạnh, điều đó đi ngược lại với logic của một đại dịch. Trong khi đó, số ca nhiễm đang tăng mạnh ở các nước như Hàn Quốc, do vậy, tình hình vẫn đang cân bằng”. Mặt khác, ông Ryan lưu ý: “Chúng ta đang ở giai đoạn sẵn sàng cho một đại dịch tiềm tàng". Ông cho rằng các nước cần sẵn sàng các nguồn lực để đối phó với dịch Covid-19 có thể trở thành đại dịch.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng, tình hình hiện nay có thể coi Covid-19 là đại dịch. Tiến sĩ Bharat Pankhania thuộc Đại học Y Exeter, nhận định: "Hiện giờ chúng tôi coi đây đã là đại dịch, vấn đề chỉ là cách gọi. Khái niệm đại dịch để chỉ một dịch bệnh lây lan hàng loạt sang nhiều nước khác nhau. Từ Trung Quốc, giờ thử đếm xem đã bao nhiêu nước có dịch rồi. Việc WHO có quyết định thừa nhận điều này không chỉ là vấn đề thời gian".
Dirk Pfeiffer, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Hong Kong, cũng bình luận: "Chúng ta cần thay đổi tư duy từ khống chế, cách ly virus sang giảm thiểu rủi ro. Chúng ta đã không còn một nguồn lây nhiễm tập trung là Trung Quốc nữa mà hiện giờ hầu như nước nào cũng có nguy cơ trở thành nguồn lây lan mới".
Minh Phương
Theo AFP