WHO thảo luận về thời điểm và cách tuyên bố kết thúc đại dịch
(Dân trí) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang xem xét các tiêu chí cần thiết để tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với đại dịch Covid-19.
Các chuyên gia y tế công cộng tại WHO đã bắt đầu thảo luận về cách thức và thời điểm tuyên bố chấm dứt cuộc khủng hoảng Covid-19 toàn cầu, đánh dấu một cột mốc quan trọng hơn 2 năm sau khi dịch bệnh bùng phát.
WHO cho biết hiện họ không xem xét đưa ra tuyên bố như vậy. Trong khi số ca nhiễm giảm ở nhiều nơi, số ca tử vong đã tăng đột biến ở Hong Kong, và tuần này, lần đầu tiên trong 2 năm, Trung Quốc đã ghi nhận hơn 1.000 ca mắc mới mỗi ngày.
Thay vào đó, WHO cho biết hiện sẽ tập trung thảo luận về việc các điều kiện nào là tín hiệu cho thấy tình trạng khẩn cấp y tế công cộng được tuyên bố vào ngày 30/1/2020 đã kết thúc.
Tuyên bố như vậy sẽ không chỉ là một bước đi biểu tượng mà còn sẽ tạo thêm động lực cho việc triển khai nhiều chính sách y tế công cộng trong thời đại dịch.
"Ủy ban Khẩn cấp Quy định Y tế Quốc tế về Covid-19 đang xem xét các tiêu chí cần thiết để tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm là đã chấm dứt," cơ quan này cho biết trong một email. "Nhưng hiện tại, chúng ta vẫn chưa có đạt đến mức đó".
Nhiều quốc gia trên khắp thế giới đã áp dụng các biện pháp để trở lại cuộc sống bình thường, nới lỏng quy định đeo khẩu trang, cách ly đồng thời mở cửa biên giới, đón khách du lịch.
Tuy nhiên, nhiều quốc gia châu Á vẫn ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục, và ở Đức cũng vậy. Trong tuần qua, thế giới đã có thêm 10 triệu ca nhiễm Covid-19 và 52.000 ca tử vong, WHO cho biết.
Các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo rằng ngay cả khi các trường hợp mắc Covid-19 giảm xuống mức thấp hơn, căn bệnh này vẫn có khả năng gây ra hàng nghìn ca tử vong hàng năm, không khác gì những căn bệnh khác như sốt rét và lao.
Ngoài ra, vẫn không thể đoán trước được về nguy cơ xuất hiện biến chủng mới, nguy hiểm hơn.
Các cuộc thảo luận của WHO có thể có ý nghĩa đối với các nhà sản xuất thuốc như Pfizer và Merck & Co, vốn đã nhất trí phương pháp điều trị Covid-19 chi phí thấp của họ cho đến khi đại dịch kết thúc. Các nhà sản xuất vaccine bao gồm AstraZeneca cũng cho biết sẽ giữ nguyên mức giá thấp cho đến khi đại dịch kết thúc.
Lời kêu gọi thận trọng
Trước đây, WHO đã thận trọng trong việc tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu và các dịch bệnh bùng phát.
David Heymann, cựu nhà dịch tễ học của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), người tư vấn cho WHO về các đợt dịch bùng phát, cho biết nhiều quốc gia không còn chỉ dựa vào hướng dẫn của WHO.
"Họ không bỏ qua WHO, nhưng không còn phụ thuộc nhiều vào các nhóm cố vấn khoa học quốc gia và khu vực", ông Heymann nói trong một cuộc phỏng vấn.
Vai trò của các nhóm này đã được nâng cao kể từ những ngày dịch SARS bùng phát khi các tuyên bố của WHO về du lịch và thương mại được chú ý nghiêm ngặt. Ngày nay, các quốc gia có nhiều thông tin và giám sát cập nhật hơn.
Ông Heymann cho hay, một số liệu quan trọng đối với các quốc gia đang xem xét tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp là khả năng miễn dịch quần thể, nghĩa là tỷ lệ những người có một số kháng thể chống lại virus do chủng ngừa, đã nhiễm bệnh hoặc cả hai. Các nhà nghiên cứu ước tính, khoảng 98% dân số Anh có một số khả năng miễn dịch vốn có thể ngăn ngừa bệnh nặng, ông nói.
Ở Mỹ, khoảng 98% dân số sống ở các quận nơi không cần thiết phải sử dụng khẩu trang tại các không gian công cộng trong nhà, theo CDC. Tuy nhiên, những lo ngại vẫn đang gia tăng liên quan đến biến chủng BA.2, một phiên bản của chủng Omicron đang lây lan rộng rãi ở một số quốc gia khác ở châu Âu.
WHO đã công bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu vào tháng 3/2020. Và quyết định về việc tuyên bố kết thúc tình trạng khẩn cấp sẽ do Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra sau khi tham vấn với các chuyên gia.