1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Gần 6 triệu người chết vì Covid-19, thế giới chưa thể thoát đại dịch

Minh Phương

(Dân trí) - Hơn hai năm kể từ khi bùng phát, Covid-19 đã lấy đi sinh mạng của khoảng 6 triệu người. Theo The Economist, con số thực tế có thể gấp 4 lần.

Gần 6 triệu người chết vì Covid-19, thế giới chưa thể thoát đại dịch - 1

Người dân đi tiêm chủng ở New Delhi (Ảnh: NDTV).

AP dẫn số liệu của Đại học Johns Hopkins cho biết, tính đến ngày 7/3, thế giới đã ghi nhận xấp xỉ 6 triệu người chết vì đại dịch Covid-19. Theo ghi nhận, số ca tử vong vì Covid-19 toàn cầu cán mốc một triệu ca sau 7 tháng kể từ khi đại dịch bùng phát, và cán mốc 2 triệu ca sau 4 tháng tiếp theo. Sau đó, cứ 3 tháng, thế giới ghi nhận thêm một triệu ca tử vong vì Covid-19, cho đến khi cán mốc tổng 5 triệu ca vào cuối tháng 10/2021. Hiện giờ, con số này chạm mốc 6 triệu người, nhiều hơn dân số của Berlin và Brussels cộng lại.

Tuy nhiên, theo ước tính của các chuyên gia của tạp chí The Economist, số người tử vong vì Covid-19 thực tế có thể dao động từ 14 triệu đến 23,5 triệu người.

"Số ca tử vong thống kê chính thức có thể chỉ là một phần con số thực tế do các hạn chế về xét nghiệm cũng như những thách thức trong việc xác định nguyên nhân tử vong. Ở một số nước, đặc biệt là quốc gia giàu có, con số thống kê tương đối sát, nhưng ở nhiều nơi khác, số liệu thống kê thấp hơn thực tế", Edouard Mathieu, người đứng đầu bộ phận số liệu của trang thống kê Our World in Data, nhận định.

Trong khi các quốc đảo Thái Bình Dương xa xôi bắt đầu ghi nhận các đợt bùng phát Covid-19 đầu tiên do biến chủng Omicron gây ra, Mỹ ghi nhận nhiều ca tử vong vì đại dịch nhất với gần một triệu ca tử vong bất chấp nguồn lực sẵn có như vaccine.

Tikki Pang, giáo sư tại Đại học Y khoa Quốc gia Singapore cho biết, người chưa tiêm chủng vaccine chiếm tỷ lệ lớn trong các ca tử vong do Covid-19. "Đây là đại dịch với người chưa tiêm vaccine. Hãy nhìn Hong Kong hiện giờ, hệ thống y tế đang bị quá tải. Đa số ca tử vong và bệnh nặng là những người thuộc nhóm nguy cơ cao chưa tiêm vaccine Covid-19", chuyên gia Pang nói.
Đến nay, thế giới đã ghi nhận hơn 445 triệu ca mắc Covid-19. Theo Tổ chức Y tế thế giới, số ca nhiễm mới tuần qua đã giảm ở tất cả các khu vực trên thế giới, ngoại trừ Tây Thái Bình Dương.

Nhiều quốc gia đã bắt đầu dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp phòng dịch, xác định sống chung với Covid-19 như một bệnh đặc hữu khi số ca tử vong và bệnh nặng do Covid-19 giảm mạnh.
Tuy nhiên, các chuyên gia dịch tễ cảnh báo, số ca Covid-19 có thể chỉ là dấu hiệu trước một làn sóng Covid-19 mới và một biến chủng mới nguy hiểm hơn có thể xuất hiện.

Chuyên gia dịch tễ Anh Adam Kucharski chỉ ra, thế giới từng trải qua giai đoạn tương tự trước khi xuất hiện các biến chủng đáng lo ngại Alpha và Delta. Ông cảnh báo, khi mức độ miễn dịch trong dân cư giảm đi, thế giới có thể dễ tổn thương với một đợt bùng phát mới. "Chúng ta có thể sẽ chứng kiến các làn sóng lây nhiễm khác, tùy thuộc vào khi nào biến chủng mới xuất hiện. Tất nhiên, mức độ nguy hiểm của các làn sóng trong tương lai còn phụ thuộc vào đặc tính của các biến chủng mới xuất hiện, hoặc nó nguy hiểm hơn Alpha, hoặc nhẹ hơn Omicron", ông nói.

Các chuyên gia cho rằng, để ngăn chặn các làn sóng lây nhiễm trong tương lai, thế giới cần đảm bảo cân bằng nguồn cung vaccine. "Cách duy nhất để chấm dứt đại dịch là chấm dứt nó ở mọi nơi. Tiêm chủng cho cả thế giới là hy vọng tốt nhất để giảm sự lây lan của virus, cứu sống con người, tái thiết kinh tế toàn cầu", Madhukar Pai, giáo sư dịch tễ tại Đại học McGill ở Montreal, nhấn mạnh.

Tại một cuộc họp báo cuối tháng trước, Tổng giám đốc WHO cảnh báo, thế giới có thể không đạt được mục tiêu tiêm chủng ít nhất 70% dân số ở tất cả các quốc gia để biến Covid-19 thành bệnh đặc hữu. "Đại dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc. Chúng ta phải đảm bảo tất cả các quốc gia có đủ xét nghiệm, đủ oxy điều trị, đủ trang thiết bị bảo hộ", ông Tedros bình luận.

Theo AP, SCMP