1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

WHO sẽ bị ảnh hưởng ra sao khi mất nguồn tài trợ lớn từ Mỹ?

(Dân trí) - Trước quyết định của Tổng thống Donald Trump, Mỹ là nước đóng góp tài chính nhiều nhất cho WHO, khoảng 400 triệu USD/năm, tương đương gần 15% ngân sách hoạt động của tổ chức này.

WHO sẽ bị ảnh hưởng ra sao khi mất nguồn tài trợ lớn từ Mỹ? - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 14/4 tuyên bố dừng tài trợ cho WHO. (Ảnh: Reuters)

WHO lấy ngân sách từ đâu?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là cơ quan trực thuộc Liên Hợp Quốc (LHQ), được thành lập năm 1948 với mục tiêu trở thành lãnh đạo quốc tế trong lĩnh vực y tế công, thông qua cảnh báo các quốc gia về các mối nguy hiểm, chống lại các bệnh dịch, phát triển chính sách y tế và cải thiện sự tiếp cận tới chăm sóc sức khỏe.

Trong các tình huống khẩn cấp như đại dịch Covid-19, WHO cần trở thành cơ quan điều phối trung tâm trong mạng lưới chia sẻ thông tin của các quốc gia với giới khoa học để ứng phó với sự bùng nổ của đại dịch. WHO được kỳ vọng sẽ hướng dẫn cách kiềm chế dịch bệnh, ban bố tình trạng khẩn cấp và đưa ra các khuyến nghị.

Dù có ảnh hưởng lớn trên thế giới, WHO chịu ảnh hưởng bởi các áp lực ngân sách và chính trị, nhất là từ các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc và các nguồn tài trợ tư nhân như Quỹ Gates (của vợ chồng tỷ phú Mỹ Bill Gates). Nguồn tài trợ của WHO đến từ các khoản đóng góp bắt buộc hoặc tự nguyện của các quốc gia thành viên, các tổ chức quốc tế và các nhà tài trợ tư nhân.

Phần kinh phí bắt buộc của các thành viên chỉ bằng khoảng 1/4 khoản tiền Mỹ tài trợ cho WHO và được tính toán dựa trên khả năng kinh tế và dân số của mỗi quốc gia thành viên. Phần còn lại là các khoản đóng góp tự nguyện từ các quốc gia và các tổ chức, có thể thay đổi theo mỗi năm.

Mỹ là nước đóng góp nhiều nhất, tới 14,67% ngân sách hoạt động của WHO. Nhà tài trợ lớn thứ hai cho WHO là Quỹ Gates. Trong số các quốc gia thành viên, Anh, Đức và Nhật Bản là các nước có đóng góp cho WHO lớn sau Mỹ.

Sau quyết định ngừng tài trợ của Mỹ

WHO sẽ bị ảnh hưởng ra sao khi mất nguồn tài trợ lớn từ Mỹ? - 2

Tổng thống Trump đã cáo buộc Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus thiên vị và xử lý chưa phù hợp trong đại dịch Covid-19. (Ảnh: Reuters)

Trong năm 2019, Mỹ đóng góp cho WHO 553 triệu USD trong ngân sách hoạt động cho 2 năm 2018-2019 trị giá 6,3 tỷ USD của tổ chức này.

Phần lớn các khoản tài trợ từ Mỹ được dành cho các chương trình xóa bỏ bệnh bại liệt, phát triển các loại vắc-xin và cải thiện sự tiếp cận tới các dịch vụ y tế và dinh dưỡng thiết yếu. Chỉ khoảng 2,97% đóng góp của Mỹ được dùng cho các hoạt động khẩn cấp và 2,33% được sử dụng cho việc phòng ngừa và kiểm soát các đại dịch.

Trong ngân sách hai năm 2020-2021, WHO đã dành khoảng 4,8 tỷ USD cho các chương trình y tế như chống lại bệnh sốt rét, xóa bỏ bệnh bại liệt cũng như các nghiên cứu đặc biệt và công tác chuẩn bị cho các đại dịch tiềm tàng.

Theo New York Times, việc mất đi nguồn tài trợ từ Mỹ có thể ảnh hưởng lớn đến các chương trình xóa bỏ bệnh bại liệt và phát triển vắc-xin chống lại các bệnh dịch, trong đó có Covid-19.

Trang tin Alzeera bình luận, quyết định của Mỹ có thể khiến 720 triệu USD đóng góp bắt buộc và tự nguyện cho các chương trình của WHO bị dừng cấp vốn, bao gồm cả chiến dịch kiềm chế sự lây lan của Covid-19.

Ngoài ra, theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc, đến tháng 3/2020, Mỹ vẫn còn một khoản đóng góp vào khoảng 99 triệu USD chưa chuyển cho WHO theo cam kết hỗ trợ từ cho năm 2019 và 3 tháng đầu 2020.

Hiện nhiều quốc gia lên tiếng phản đối mạnh mẽ tuyên bố dừng cấp ngân sách cho WHO của Tổng thống Trump ngày 14/4, trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 toàn cầu đã lên tới 2 triệu người.

Hà Phương

Tổng hợp