1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Các nước "phản pháo" quyết định cắt ngân sách WHO của Mỹ

(Dân trí) - Tuyên bố dừng cấp ngân sách cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã vấp phải sự phản đối từ nhiều quốc gia khi số ca mắc Covid-19 toàn cầu đã lên tới 2 triệu người.

Các nước phản pháo quyết định cắt ngân sách WHO của Mỹ - 1

Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Getty)

Tổng thống Donald Trump ngày 14/4 chỉ trích WHO “thất bại trong việc thực hiện nghĩa vụ cơ bản và phải chịu trách nhiệm”. Ông Trump chỉ đạo chính quyền Mỹ ít nhất tạm dừng cấp ngân sách cho WHO trong khi Washington xem xét lại vai trò của tổ chức này trong việc “quản lý thất bại và che đậy sự lây lan của virus corona”.

Tổng thống Trump cho rằng WHO đã thúc đẩy “những thông tin sai lệch” do Trung Quốc đưa ra về virus corona khiến dịch có nguy cơ bùng phát mạnh hơn. Theo ông chủ Nhà Trắng, nếu WHO ngay từ đầu đã đưa các chuyên gia y tế tới Trung Quốc để đánh giá khách quan tình hình và làm rõ sự thiếu minh bạch của Trung Quốc, dịch bệnh có thể đã được kiểm soát ngay từ nguồn khởi phát với số người chết ít hơn.

Tuyên bố của Tổng thống Trump được đưa ra trong bối cảnh Reuters thống kê có khoảng 1,99 triệu người trên toàn thế giới bị mắc Covid-19 và gần 128.000 người tử vong. Mỹ hiện là thành viên tài trợ kinh phí nhiều nhất cho WHO, với số tiền đóng góp năm 2019 lên tới hơn 400 triệu USD.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho rằng hiện tại không phải thời điểm để cắt giảm ngân sách cho WHO, thay vào đó cộng đồng quốc tế cần đoàn kết với nhau để ngăn chặn Covid-19 và những hệ quả nguy hiểm của dịch bệnh.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian cho biết Bắc Kinh “quan ngại sâu sắc” về quyết định dừng cấp ngân sách cho WHO của Tổng thống Trump, đồng thời kêu gọi Mỹ thực hiện đầy đủ trách nhiệm với tổ chức này.

“Quyết định của Mỹ sẽ làm suy yếu năng lực của WHO và làm xói mòn sự hợp tác quốc tế. Trung Quốc sẽ luôn ủng hộ WHO đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động y tế công cộng quốc tế và ứng phó với dịch bệnh toàn cầu”, ông Zhao cho biết.

Trong một bình luận trên Twitter, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về an ninh và chính sách đối ngoại Josep Borrell cho biết: “Vô cùng đáng tiếc khi Mỹ quyết định dừng đóng góp ngân sách cho WHO. Không có lý do gì để giải thích cho hành động này vào thời điểm đang cần tới các nỗ lực của họ hơn bao giờ hết”.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho rằng WHO là một trong những khoản đầu tư tốt nhất.

"Đổ lỗi không giúp được gì. Virus này không có biên giới. Chúng ta phải hợp tác chặt chẽ với nhau để chống lại Covid-19. Một trong những khoản đầu tư tốt nhất là củng cố Liên Hợp Quốc, đặc biệt là tài trợ cho WHO, chẳng hạn để phát triển và phân phối các bộ xét nghiệm và vắc xin", Ngoại trưởng Maas nhận định.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho rằng WHO đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết đại dịch Covid-19.

“Vào thời điểm như hiện nay, khi chúng ta cần chia sẻ thông tin và cần lời khuyên để trông cậy, WHO đã đưa ra điều đó. Chúng ta sẽ tiếp tục ủng hộ WHO và tiếp tục phần đóng góp của chúng tôi”, Thủ tướng Ardern nói thêm.

Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết ông thông cảm với việc Tổng thống Trump chỉ trích WHO. Tuy nhiên, ông Morrison cho rằng WHO vẫn là một tổ chức có vai trò quan trọng tại khu vực Thái Bình Dương và Australia vẫn sẽ “làm việc chặt chẽ” với WHO.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cũng bày tỏ “quan ngại” về quyết định của Tổng thống Trump. Ông Ryabkov cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy cách tiếp cận “ích kỷ” của chính quyền Mỹ khi thế giới đang phải đối phó với dịch bệnh. Nga kêu gọi Mỹ “dừng công kích WHO và thực hiện hướng đi có trách nhiệm”.

Thành Đạt

Tổng hợp