WHO nói bệnh viện lớn nhất Gaza đã biến thành "vùng chết chóc"
(Dân trí) - Một nhóm công tác của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mô tả Al Shifa, bệnh viện lớn nhất Dải Gaza, đã biến thành "vùng chết chóc" khi Israel tăng cường tấn công vào đây nhằm loại bỏ Hamas.
WHO ngày 19/11 cho biết, một nhóm đánh giá tình hình nhân đạo đã đến thăm bệnh viện Al Shifa ở phía bắc Gaza và chứng kiến khung cảnh pháo kích và súng đạn ở cơ sở y tế lớn nhất dải đất.
Nhóm do WHO dẫn đầu bao gồm các chuyên gia y tế công cộng, nhân viên hậu cần và nhân viên an ninh từ nhiều cơ quan khác nhau của Liên hợp quốc. Họ chỉ có thể ở trong bệnh viện 1 giờ đồng hồ hôm 18/11 do lo ngại về an ninh.
Nhóm công tác mô tả bệnh viện lớn nhất Gaza là "vùng chết chóc" và cho biết tình hình tại đây là "tuyệt vọng". Bệnh viện về cơ bản không hoạt động như một cơ sở y tế do khan hiếm nước sạch, nhiên liệu, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác.
Tuyên bố của WHO cho biết: "Có dấu hiệu pháo kích và tiếng súng. Nhóm nghiên cứu nhìn thấy một ngôi mộ tập thể ở lối vào bệnh viện và được thông báo rằng hơn 80 người đã được chôn cất ở đó".
Hành lang và khuôn viên bệnh viện chứa đầy chất thải y tế và chất thải rắn, trong khi bệnh nhân và nhân viên y tế lo ngại cho sức khỏe và sự an toàn của họ. WHO cho biết Al Shifa hiện có 25 nhân viên y tế và 291 bệnh nhân ở lại, trong đó có 32 trẻ sơ sinh đang trong tình trạng nguy kịch.
"WHO và các đối tác đang khẩn trương xây dựng kế hoạch sơ tán ngay lập tức những bệnh nhân còn lại, nhân viên và gia đình họ", thông báo cho biết.
Ngoài ra, WHO cho biết 2.500 người di tản trước đó từng ẩn náu tại khu vực Al Shifa đã rời đi sau khi Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) ban hành lệnh sơ tán hôm 18/11.
Lực lượng Israel đã tập kích Al Shifa trong cuộc tấn công khắp phía bắc Gaza vào tuần trước. IDF nói rằng nơi này che giấu một trung tâm chỉ huy ngầm của Hamas.
Quân đội Israel cho biết, họ tìm thấy bằng chứng về một căn cứ của Hamas dưới lòng đất, nhưng nhân viên của bệnh viện Al Shifa bác bỏ thông tin này. Việc Israel tấn công vào bệnh viện đã gây ra những phản ứng trái chiều và lo ngại về mặt nhân đạo.
WHO kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức và hỗ trợ nhân đạo lâu dài, đồng thời cảnh báo các dịch vụ chăm sóc y tế ở vùng đất nhỏ ven biển đang ngày càng bị thu hẹp.
Israel vẫn đang tăng cường nỗ lực tấn công trên không và trên bộ với mục tiêu xóa sổ hoàn toàn Hamas, nhóm đã gây ra vụ tấn công ngày 7/10 vào khu vực Tel Aviv kiểm soát làm 1.200 người chết.
Các cuộc tấn công trả đũa của Israel đã khiến 12.000 người Palestine thiệt mạng, phần lớn là dân thường. Israel đang đối mặt với áp lực ngày càng lớn từ cộng đồng quốc tế liên quan tới chiến dịch quân sự của họ ở Gaza.
Tại bắc Gaza, Philippe Lazzarini, quan chức UNRWA, tổ chức viện trợ của Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine, cáo buộc Israel đã ném bom 2 trường học của tổ chức này tại Gaza. Ông cho biết hơn 4.000 thường dân đã trú ẩn tại các cơ sở này khi vụ tấn công xảy ra.
Ông nói: "Hàng chục người được cho là đã thiệt mạng trong đó có cả trẻ em. Lần thứ 2 trong vòng chưa đầy 24 giờ, các trường học bị nhằm mục tiêu. Điều này là quá đủ rồi. Những nỗi kinh hoàng này phải dừng lại".
Người phát ngôn của chính quyền Hamas ở Gaza cho biết 200 người đã thiệt mạng hoặc bị thương tại trường học. Quân đội Israel chưa bình luận về thông tin này.