1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

WHO: Không nên hoảng sợ trước siêu biến chủng Omicron

Thành Đạt

(Dân trí) - Chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi người dân không nên hoảng sợ trước sự xuất hiện của biến chủng Omicron mới.

WHO: Không nên hoảng sợ trước siêu biến chủng Omicron - 1

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Seoul, Hàn Quốc (Ảnh: AFP).

Phát biểu trong cuộc phỏng vấn với Reuters hôm 3/12, bà Soumya Swaminathan, nhà khoa học hàng đầu của WHO, cho biết không thể đoán được liệu Omicron có thể trở thành biến chủng "thống trị" hay không.

Hiện biến chủng Omicron đã được phát hiện ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ, Trung Đông, châu Âu và đã lan ra ít nhất 7 trong số 9 tỉnh của Nam Phi, nơi đầu tiên xác nhận sự xuất hiện của biến chủng này. Nhiều chính phủ đã thắt chặt các biện pháp hạn chế đi lại để ngăn chặn sự lây lan của biến chủng mới.

Bà Swaminathan cho biết Omicron "có khả năng lây nhiễm cao", trích dẫn dữ liệu từ Nam Phi cho thấy số ca nhiễm tăng gấp đôi hàng ngày.

"Chúng ta nên lo lắng đến mức nào? Chúng ta cần chuẩn bị và thận trọng, không nên hoảng sợ, vì chúng ta đang ở trong tình huống khác một năm trước", nhà khoa học của WHO nói.

Theo bà Swaminathan, biến chủng Delta hiện chiếm 99% các ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới, do vậy biến chủng này sẽ phải có khả năng dễ lây lan hơn để có thể thay thế Delta trở thành chủng "thống trị" toàn cầu. Nhà khoa học của WHO cho rằng "điều đó có thể xảy ra, nhưng không thể đoán trước được".

Hiện vẫn còn nhiều điều chưa biết về Omicron, dù biến chủng này đã được phát hiện ở 38 quốc gia, đặc biệt tại châu Âu - nơi đang vật lộn với làn sóng lây nhiễm của biến chủng Delta. WHO đã xếp Omicron vào nhóm biến chủng "đáng lo ngại" do số lượng đột biến nhiều chưa từng có.

"Chúng ta cần chờ đợi, hy vọng biến chủng mới sẽ nhẹ hơn, nhưng còn quá sớm để kết luận một cách tổng thể về biến chủng này", bà Swaminathan nói.

Theo ông Mike Ryan, giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của WHO, chưa có bằng chứng cho thấy cần phải thay đổi vaccine để đối phó với biến chủng Omicron.

"Hiện tại, chúng ta có các loại vaccine hiệu quả cao đang phát huy tác dụng. Chúng ta cần tập trung vào việc phân phối chúng một cách công bằng hơn. Chúng ta cần tập trung vào việc đưa những người có nguy cơ cao nhất đi tiêm chủng", ông Ryan nhấn mạnh.

Trong khi đó, người phát ngôn của WHO, Christian Lindmeier, nói trong một cuộc họp của Liên Hợp Quốc tại Geneva rằng các nhà sản xuất vaccine nên chuẩn bị cho khả năng phải điều chỉnh sản phẩm của họ nhằm đối phó với biến chủng mới.

Ugur Sahin, Giám đốc điều hành hãng dược BioNTech (Đức), công ty sản xuất vaccine Covid-19 với Pfizer, nói Reuters rằng công ty có thể điều chỉnh các mũi vaccine tương đối nhanh chóng.

Sahin cũng cho biết các loại vaccine hiện tại vẫn tiếp tục cung cấp khả năng bảo vệ chống lại các ca bệnh nghiêm trọng, bất chấp các đột biến.

"Tôi tin về nguyên tắc, tại một thời điểm nhất định chúng ta sẽ cần một loại vaccine mới chống lại biến chủng mới này. Câu hỏi đặt ra là nó cần được cung cấp khẩn cấp như thế nào", Sahin nói.

Nhiều nhà khoa học nói rằng cách để ngăn chặn sự lây lan của virus là đảm bảo các nước nghèo hơn được tiếp cận với vaccine, chứ không phải tiêm vaccine tăng cường cho người dân ở các nước giàu.