WHO đối mặt nguy cơ tê liệt hoạt động vì thiếu kinh phí
(Dân trí) - Tổ chức Y tế Thế giới WHO đang đối mặt với viễn cảnh có thể bị tê liệt hoạt động vì thiếu kinh phí, giữa lúc thế giới đang đối mặt với đại dịch Covid-19 chết chóc.
Reuters đưa tin, Giám đốc chương trình khẩn cấp của WHO Mike Ryan ngày 25/5 cho hay tổ chức này đang thiếu ngân sách để duy trì các hoạt động, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều khu vực trên thế giới.
Ông Ryan nhắc lại tuyên bố hồi tháng 2 của WHO, kêu gọi các thành viên đóng góp 1,96 tỷ USD trong nỗ lực ứng phó đại dịch Covid-19 trong năm nay.
"Ngân sách thiếu hụt 70% đã khiến tổ chức đối mặt với mối nguy hiểm cấp bách là không có khả năng duy trì các hoạt động cốt lõi để giải quyết những ưu tiên khẩn cấp", ông Ryan nhấn mạnh.
"Tình trạng thiếu hụt có nguy cơ làm tê liệt khả năng của WHO trong nỗ lực hỗ trợ nhanh chóng và linh hoạt cho các nước. Điều này cũng gây ra hậu quả cho các hoạt động hiện tại", quan chức WHO cho hay.
Liên quan tới phản ứng với Covid-19, WHO trong thời gian đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.
Ủy ban Quốc tế về Chuẩn bị và Ứng phó Đại dịch, một hội đồng gồm các chuyên gia độc lập do cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark và cựu Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf dẫn đầu, hôm 12/5 đã công bố báo cáo đánh giá về cách ứng phó đại dịch Covid-19 của WHO và các nước.
Báo cáo nói rằng, sự chuẩn bị của các nước còn thiếu nhất quán, chưa có sự đầu tư đúng mức, hệ thống cảnh báo quá chậm trễ và sơ sài, trong khi đó "WHO không phát huy hết năng lực". Theo báo cáo, WHO lẽ ra nên tuyên bố Covid-19 là vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu sớm hơn thay vì chờ đến ngày 30/1/2020.
Trong khi đó, hồi giữa tháng, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo, năm thứ hai của đại dịch Covid-19 có thể sẽ chết chóc hơn nhiều so với năm đầu tiên.
Theo thống kê của Worldometers, thế giới cho đến nay đã ghi nhận hơn 168 triệu ca mắc Covid-19 và hơn 3,48 triệu ca tử vong.