1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

WHO cảnh báo về Omicron, Đông Nam Á siết đi lại với các nước châu Phi

Minh Phương

(Dân trí) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, dù ca Covid-19 đang có xu hướng giảm ở hầu hết các nước Đông Nam Á, nhưng khu vực này vẫn cần cảnh giác, tăng cường các biện pháp phòng dịch, tăng độ phủ vaccine.

WHO cảnh báo về Omicron, Đông Nam Á siết đi lại với các nước châu Phi - 1

Nhiều nước trên thế giới đã siết quy định đi lại với một số nước châu Phi do lo ngại biến chủng Omicron (Ảnh: Getty).

"Mặc dù số ca Covid-19 đang giảm ở hầu hết các nước trong khu vực (Đông Nam Á), nhưng số ca nhiễm ở những nơi khác tiếp tục tăng cộng với sự xuất hiện của biến chủng đáng lo ngại mới là lời cảnh báo về mối đe dọa vẫn còn. Chúng ta cần tiếp tục nỗ lực hết sức để bảo vệ mình trước mối đe dọa của virus và ngăn nó lan rộng. Bằng mọi giá, chúng ta cũng không được lơ là cảnh giác", Tiến sĩ Poonam Khetrapal Singh, giám đốc WHO phụ trách khu vực Đông Nam Á, cảnh báo.

Bà nhấn mạnh: "Virus càng lây lan, nó càng có cơ hội để biến đổi và đại dịch sẽ còn kéo dài lâu hơn nữa".

Quan chức WHO khuyến cáo, các nước Đông Nam Á cần đánh giá nguy cơ xâm nhập của biến chủng Omicron và có các biện pháp ứng phó thích hợp. Các nước trong khu vực cần tăng cường năng lực giám sát, giải trình tự gen, đồng thời tiếp tục thực hiện các biện pháp cả về y tế và xã hội nhằm ngăn virus lây lan. Các biện pháp này bao gồm đeo khẩu trang ở nơi công cộng, giữ khoảng cách, tránh tập trung đông người ở không gian kín, rửa tay thường xuyên và tiêm chủng vaccine.

Theo bà Singh, tính đến cuối tuần này, khoảng 31% dân số Đông Nam Á đã tiêm đủ hai mũi vaccine Covid-19, 21% đã tiêm một mũi, trong khi gần 48% dân số hay một tỷ người vẫn chưa tiêm mũi nào.

Khuyến cáo được đưa ra trong bối cảnh giới khoa học bày tỏ lo ngại về sự xuất hiện của B.1.1.529, một biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19. B.1.1.529 được phát hiện lần đầu tiên tại Botswana hôm 11/11 và cũng đã xuất hiện ở Nam Phi, Bỉ, Hong Kong, Israel, Cộng hào Séc và có thể cả Đức.

WHO ngày 26/11 chính thức gắn cho biến chủng này tên gọi Omicron và xếp nó vào nhóm biến chủng "đáng lo ngại". Theo các nhà khoa học, Omicron có tổng cộng khoảng 50 đột biến, trong đó có 32 đột biến trên protein gai, cấu trúc virus sử dụng để bám dính và xâm nhập tế bào người.

Đây là phiên bản virus đột biến nhiều nhất từ trước đến nay, làm dấy lên lo ngại nó thậm chí có thể nguy hiểm hơn Delta - biến chủng trội toàn cầu khiến nhiều nước lao đao. Tuy nhiên, giới khoa học cần thêm khoảng vài tuần nữa mới có thể xác định liệu các đột biến có làm cho Omicron tăng khả năng lây lan, giảm hiệu quả của vaccine hay né miễn dịch không.

Đông Nam Á siết đi lại với nhiều nước châu Phi

Lo ngại Omicron có thể gây ra làn sóng Covid-19 mới, một số nước Đông Nam Á đã lập tức hạn chế đi lại đối với nhiều nước châu Phi. Giới chức Thái Lan ngày 27/11 thông báo sẽ tạm thời ngừng nhập cảnh đối với người đến từ 8 quốc gia châu Phi bị coi là có nguy cơ cao với biến chủng Omicron.

Opas Karnkawinpong, một quan chức y tế cấp cao của Thái Lan, cho biết bắt đầu từ ngày 1/12/2021, Thái Lan sẽ không tiếp nhận người đến từ các nước châu Phi gồm Botswana, Eswatini, Lesotho, Malawi, Mozambique, Namibia, Nam Phi và Zimbabwe. Du khách của các nước này không được phép đăng ký nhập cảnh vào Thái Lan bắt đầu từ hôm nay. Người đến từ các nơi khác của châu Phi, kể cả đã tiêm chủng, không được miễn cách ly như quy định hiện hành.

Malaysia cũng bắt đầu siết đi lại với một số nước châu Phi từ hôm nay. Theo đó, người dân không được phép đến 7 quốc gia gồm Nam Phi, Botswana, Lesotho, Mozambique, Namibia và Zimbabwe. Người nước ngoài có tiểu sử đi lại qua những nước trên trong vòng 14 ngày cũng không được phép nhập cảnh Malaysia, Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin cho biết. Công dân và thường trú nhân của Malaysia từ 7 nước trên trở về phải cách ly tập trung 14 ngày kể cả đã tiêm chủng.

Trước đó, hôm 26/11, Philippines và Singapore cũng thông báo hạn chế đi lại với 7 nước châu Phi trên. Lệnh cấm nhập cảnh, quá cảnh đối với người đến từ các nước này của Singapore có hiệu lực từ ngày 27/11, trong khi của Philippines có hiệu lực từ 26/11 đến ngày 15/12. Ngoài ra, Philippines sẽ truy vết dịch tễ mọi cá nhân có lịch sử đi lại đáng lo ngại vừa nhập cảnh Philippines trong tuần qua. Những người này sẽ phải cách ly y tế tập trung 14 ngày và làm xét nghiệm PCR.

Singapore vẫn cho phép nhập cảnh với công dân và thường trú nhân trở về từ các nước châu Phi trên nhưng với điều kiện cách ly y tế tập trung 10 ngày.