1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vụ thử hạt nhân dưới lòng đất diễn ra như thế nào?

(Dân trí) - Các vụ thử hạt nhân được tiến hành trong lòng đất để ngăn ngừa ô nhiễm phóng xạ. Thiết bị có thể được đưa xuống hố sâu 200 - 800m và lèn chặt, trước khi bị kích nổ.

Trình tự một vụ thử hạt nhân dưới lòng đất (Video: AFP)

Thử hạt nhân trong lòng đất ngoài tác dụng giúp bảo vệ môi trường còn có thể đảm bảo yếu tố bí mật.

Phóng xạ phát tán từ một vụ nổ hạt nhân trong lòng đất - một hiện tượng còn được gọi là “phát tán vào không khí” - sẽ hé lộ những manh mối về thành phần kỹ thuật cũng như kích thước của thiết bị được thử nghiệm. Từ đây, năng lực hạt nhân của quốc gia thử nghiệm cũng có thể được đánh giá.

(Ảnh: BBC)
(Ảnh: BBC)

Một vụ thử hạt nhân trong lòng đất thường gồm các bước: chuẩn bị, thử nghiệm và sau thử nghiệm.

Trong giai đoạn chuẩn bị, hiện trường sẽ được khảo sát kỹ lưỡng về địa chất để đảm bảo sự ổn định. Các địa điểm được chọn thường cách rất xa các trung tâm đông dân cư.

Thiết bị hạt nhân được đặt vào một hố khoan, hoặc một hầm ngầm, sâu từ 200 - 800m, rộng vài mét. Một hộp nhỏ bằng chì chứa thiết bị đo đạc sẽ được đưa xuống hố khoan và nằm ngay trên khu vực đặt thiết bị nổ. Hố này sau đó được lèn chặn sỏi, cát, thạch cao và các vật liệu mịn khác để kìm chế vụ nổ, cũng như hiện tượng phát tán phóng xạ.

(Ảnh: BBC)
(Ảnh: BBC)

Thiết bị hạt nhân sẽ được kích nổ từ xa bởi một trạm điều khiển trên mặt đất. Vụ nổ hạt nhân sẽ khiến lớp đá ngầm hóa thành hơi, tạo ra một khoang trống trong lòng đất chứa đầy khí phóng xạ cực nóng. Khi khoang trống này nguội đi, dưới đáy của nó sẽ là một vũng đá nóng chảy.

Vài phút hoặc vài giờ sau vụ nổ, khi áp suất giảm dần, khoang trống này tự sụp xuống, khiến hiện tượng sụt lún và hố sâu xuất hiện trên mặt đất.

(Ảnh: BBC)
(Ảnh: BBC)

Trong vụ thử hạt nhân của Triều Tiên hôm 6/1, một địa chấn 5,1 độ richter đã được ghi nhận, tại khu vực gần bãi thử hạt nhân Punggye-ri, trong một khu vực hẻo lánh phía đông nước này. Các thành phố của Trung Quốc nằm gần biên giới Triều Tiên bị rung lắc.

Vài giờ sau đó, truyền thông nhà nước Triều Tiên đã loan tin về “vụ thử nghiệm thành công đầu tiên” bom nhiệt hạch dưới lòng đất.

Các chuyên gia hạt nhân bày tỏ đôi chút hoài nghi, khi cho rằng một vụ nổ bom nhiệt hạch thực sự sẽ phải mạnh hơn. Dù vậy sẽ cần vài tuần trước khi những kiểm nghiệm độc lập có thể xác nhận hay bác bỏ tuyên bố của Bình Nhưỡng.

Đây là lần thứ tư nước này thử hạt nhân tại Punggye-ri. Những lần trước vào các năm 2006, 2009 và 2013.

Thanh Tùng

Theo BBC