1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Vụ nổ dẫn tới thảm kịch tàu lặn Titan đã xảy ra thế nào?

Đức Hoàng

(Dân trí) - Chuyên gia tin rằng một vụ nổ thảm khốc đã khiến tàu lặn Titan chở theo 5 người đã bị phá hủy trong thời gian tính bằng mili giây.

Vụ nổ dẫn tới thảm kịch tàu lặn Titan đã xảy ra thế nào? - 1

Tàu lặn Titan đã trải qua "vụ nổ thảm khốc" dưới lòng đại dương (Ảnh: AFP).

Chuẩn Đô đốc lực lượng Tuần duyên Mỹ John Mauger ngày 22/6 cho biết, chiếc tàu lặn Titan chở 5 người khám phá xác tàu đắm Titanic hôm 18/6 đã gặp phải một "vụ nổ thảm khốc".

Ông Mauger cho hay, một phương tiện điều khiển từ xa dưới nước (ROV) đã tìm thấy các mảnh vỡ từ phần đuôi của tàu lặn Titan cách Titanic khoảng 500m.

Đội tìm kiếm và cứu hộ đã tìm thấy thêm một số mảnh vỡ cho thấy chúng thuộc về tàu Titan, con tàu đã thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế những ngày qua.

OceanGate, công ty cung cấp dịch vụ tàu lặn Titan, tin rằng toàn bộ 5 người trên con tàu đã thiệt mạng.

Vẫn còn quá sớm để kết luận vụ nổ đã xảy ra khi nào và nỗ lực tìm kiếm vẫn đang được tiến hành để tìm thêm manh mối xâu chuỗi các sự kiện. Tuy nhiên, dựa vào các mảnh vỡ, tàu Titan đã trải qua một "vụ nổ thảm khốc", theo đúng nghĩa đen.

"Vụ nổ thảm khốc" là gì?

Trang web của OceanGate cho biết Titan là một tàu lặn bằng sợi carbon có thể di chuyển sâu 4.000m dưới mực nước biển.

Ở khu vực xác tàu Titanic nằm ở độ sâu 3.800m, áp suất đạt tới mức gấp 380-400 lần áp suất khí quyển trên bề mặt Trái đất, Stefan Williams, giáo sư tại Đại học Sydney (Australia), cho biết.

Chuyên gia trên nhận định, thân tàu Titan có thể bị hư hỏng dẫn đến vụ nổ khi nó phải chịu áp suất cao dưới lòng biển.

Nhà hải dương học Bob Ballard nói với ABC News rằng vụ nổ của tàu lặn tạo ra một lực rất lớn. "Vụ nổ xảy ra và xé nhỏ mọi thứ theo đúng nghĩa đen. Nó cực kỳ mạnh mẽ", ông nhận định.

Theo AFP, vụ nổ thảm khốc phá hủy tàu Titan xảy ra với lực cực lớn và tốc độ nhanh chóng với áp lực nước "nghiền nát" dưới đáy đại dương.

Thông thường, áp suất khí quyển là 16,7psi (tương đương 1,03kg/cm2). Dưới độ sâu ở khu vực xác tàu Titanic, áp suất có thể lên tới gần 6.000psi (420kg/cm2). Mức áp suất này ám chỉ áp lực dồn lên mỗi cm2 tàu lặn.

Theo Scientific American, trong "vụ nổ thảm khốc", tàu lặn Titan có thể đã nổ tung chỉ trong vài mili giây (mỗi mili giây bằng 1/1.000 giây). Áp lực mạnh xé nát con tàu trong tích tắc.

Với những người ở trong khu vực điều áp, khi tàu nổ, họ sẽ thiệt mạng gần như ngay lập tức.

Tàu Titan, do công ty OceanGate có trụ sở ở Everett, Washington chế tạo, được thiết kế để tồn tại trong áp suất nước cực lớn ở độ sâu của tàu Titanic và từng lặn xuống khu vực xác tàu trước đó.

Tuy nhiên, con tàu từng bị cảnh báo về mặt an toàn liên quan tới việc thân phương tiện này được chế tạo bằng sợi carbon thử nghiệm.

Giáo sư Roderick Smith tại Đại học Hoàng gia (Anh) cho biết vụ việc có khả năng là do phần thân tàu có vấn đề, nhưng chuyên gia sẽ cần thêm các mảnh vỡ để tiến hành một cuộc điều tra đầy đủ.

Tuy nhiên, nguyên nhân chính xác cũng có thể sẽ khó được xác nhận vì sức mạnh thảm khốc của vụ nổ, ông cảnh báo.

Vụ tàu lặn Titan mất tích: Nỗ lực chạy đua thời gian "mò kim đáy biển" (Video: WSJ).

Theo ABC News, AFP