1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Dưỡng khí trong tàu lặn Titan mất tích có thể đã cạn kiệt

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nguồn oxy bên trong tàu lặn Titan mất tích khi thám hiểm nơi đắm tàu Titanic có thể đã cạn kiệt nhưng các nỗ lực tìm kiếm vẫn chưa dừng lại.

Dưỡng khí trong tàu lặn Titan mất tích có thể đã cạn kiệt - 1

Tàu lặn Titan (Ảnh: Reuters).

Lực lượng tuần duyên Mỹ ước tính, nguồn dưỡng khí bên trong tàu lặn Titan có thể đã cạn kiệt hoặc gần như cạn kiệt. Tuy nhiên, lực lượng này vẫn đang tập trung vào nỗ lực tìm kiếm con tàu mất tích và 5 người bên trong phương tiện.

Vào 9h sáng ngày 18/6 (giờ địa phương), tàu lặn Titan mất liên lạc với tàu mặt nước khi đang thực hiện chuyến tham quan xác tàu Titanic dưới lòng Đại Tây Dương ở khu vực cách Newfoundland, Canada khoảng 600km.

Theo Tuần duyên Mỹ, lượng oxy trong tàu vào thời điểm nó mất tích có thể đủ cho 5 người dùng trong 96h đồng hồ, tức là nó có thể cạn kiệt vào 8h sáng ngày 22/6 (giờ địa phương). Tuy nhiên, giới chức Mỹ nhấn mạnh đây chỉ là con số ước tính, không phải là chính xác tuyệt đối.

Các nỗ lực tìm kiếm con tàu vẫn đang được tiến hành, nhưng đội cứu hộ đang đối mặt với áp lực khổng lồ về mặt thời gian.

Vụ tàu lặn Titan mất tích: Nỗ lực chạy đua thời gian "mò kim đáy biển"

Theo Newsweek, lượng dưỡng khí trong tàu Titan có thể cạn kiệt nhanh hơn dự kiến vì nhiều yếu tố.  

Trong tình trạng căng thẳng cao độ, những người trên tàu lặn có thể thở nhanh hơn, sử dụng hết không khí nhanh hơn. Nếu Titan bị mất điện, tàu lặn có thể rất lạnh, khiến hành khách mất thân nhiệt, khiến cơ thể sử dụng oxy nhanh hơn.

Mặt khác, nếu 5 người trên tàu giữ bình tĩnh thông qua thiền định, ngủ và thở chậm có kiểm soát, lượng oxy có thể sẽ được tiết kiệm và họ sẽ có cơ hội sống sót cao hơn.

"Một trong những yếu tố khiến việc dự đoán lượng oxy còn lại trở nên khó khăn là chúng tôi không biết tốc độ tiêu thụ oxy của mỗi người trên tàu lặn", Chuẩn Đô đốc John Mauger từ lực lượng Tuần duyên Mỹ nói với BBC.

Tàu Titan có kích cỡ bằng một chiếc xe tải cỡ lớn. Một khi đã vào bên trong tàu, các hành khách sẽ không thể tự ra được nếu không có người mở cửa từ bên ngoài.

Đội cứu hộ từ Mỹ và Canada đã tiến hành hoạt động tìm kiếm trên diện rộng với một số loại tàu được sử dụng, ví dụ tàu mặt nước mang theo thiết bị đo sóng âm phản xạ ở sâu dưới lòng đại dương.

Pháp cũng cử tàu điều khiển từ xa (ROV) cùng với tàu tương tự của Mỹ và Canada. Đây là phương tiện có thể lặn sâu xuống đáy đại dương để khảo sát tình hình. 

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, nếu tàu lặn đã bị chìm xuống đáy đại dương, việc cứu nạn sẽ gần như bất khả thi. Xác tàu Titanic nằm ở độ sâu khoảng 4km dưới mặt nước. 

Hiện chỉ có một số ít tàu lặn có thể xuống tới độ sâu của xác tàu Titanic. Ngay cả khi ROV của đội cứu hộ có thể tìm và tiếp cận tàu Titan, ROV cũng không đủ khả năng kéo con tàu mất tích lên mặt nước.

Ngay cả trong kịch bản con tàu ở gần bề mặt đại dương, việc tìm thấy nó cũng thách thức không kém. Việc khoanh vùng đại dương rộng lớn để tìm con tàu là không dễ dàng. Những người bên trong tàu Titan vẫn đối mặt nguy cơ cạn kiệt dưỡng khí vì họ không thể tự mở tàu đi ra ngoài. 

Theo Newsweek

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm