Vũ khí vô hình giúp Nga lật ngược tình thế trên chiến trường Ukraine
(Dân trí) - Tác chiến điện tử tạo ra lá chắn giúp Nga đối phó với các cuộc tấn công tên lửa và máy bay không người lái (UAV) của Ukraine để giành ưu thế trên chiến trường.
Ban đầu, Ukraine nhận thấy các pháo dẫn đường Excalibur loại 155mm bất ngờ đi chệch hướng. Tiếp đến, các pháo khai hỏa bằng tổ hợp HIMARS cũng bắt đầu chệch mục tiêu mặc dù vốn được đánh giá cao về độ chính xác. Tình trạng tương tự cũng xảy ra đối với bom dẫn đường JDAM mà Mỹ viện trợ cho Ukraine.
Sau quá trình điều tra, Ukraine phát hiện ra, tất cả những vũ khí này của họ đều trở thành nạn nhân của một mối đe dọa mới: Tác chiến điện tử của Nga. Moscow đã âm thầm phát triển khả năng vô hiệu hóa một số loại tên lửa uy lực nhất của Ukraine.
Đây là một ví dụ hiếm hoi nhưng quan trọng về lợi thế công nghệ của Nga trong một cuộc chiến đang dần nghiêng về phía Moscow.
Dọc gần như toàn bộ chiến tuyến, một bức tường xung điện từ vô hình giờ trải dài như một tấm khiên che chắn cho lực lượng Nga. Một mạng lưới tín hiệu vô tuyến, hồng ngoại và radar phức tạp được phóng lên bầu trời trên chiến trường mang lại cho lực lượng Nga sự bảo vệ chưa từng có ở một số khu vực.
"Tác chiến điện tử của họ tốt hơn của chúng tôi"
Các hệ thống tác chiến điện tử của Nga không chỉ vô hiệu hóa tên lửa mà cả máy bay không người lái (UAV) - loại vũ khí mà Ukraine ngày càng phụ thuộc để thực hiện nhiệm vụ trinh sát và tấn công tầm xa. Ukraine biết rằng, họ đang ở thế bất lợi.
"Họ luôn có tác chiến điện tử tốt kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine. Bây giờ, năng lực của họ còn tốt hơn", một người lính Ukraine nói với Telegraph.
"Đây là một vấn đề lớn trên chiến trường", Andrey Liscovich, chuyên gia thuộc Quỹ Quốc phòng Ukraine, nhận định đồng thời cho rằng Nga và Ukraine đang ở thế "mèo vờn chuột" khi hai bên tranh giành quyền kiểm soát sóng vô tuyến.
Tần số vô tuyến được sử dụng để điều khiển cả máy bay không người lái tấn công góc nhìn thứ nhất và máy bay không người lái trinh sát, song đang bị gây nhiễu.
Các thiết bị tác chiến điện tử của Nga có thể gây nhiễu hệ thống dẫn đường của vũ khí Ukraine hoặc đơn giản là cắt đứt các liên kết điều khiển vô tuyến với người vận hành. Một số máy bay không người lái bị rơi khi chưa kịp tiếp cận mục tiêu, trong khi số khác bay lơ lửng không kiểm soát cho đến khi hết pin.
Viện Dịch vụ Thống nhất hoàng gia (RUSI) tại Anh cho biết, Nga đang bố trí các hệ thống tác chiến điện tử cách nhau khoảng 10km chạy dọc theo chiến tuyến.
Shipovnik-Aero, một thiết bị tác chiến điện tử gắn trên xe tải của Nga, cho thấy hiệu quả trong việc vô hiệu hóa các máy bay không người lái của Ukraine.
Với tầm hoạt động khoảng 10km, nó có thể chặn máy bay không người lái và cũng có thể thu được tọa độ vị trí của phi công trong phạm vi nhất định để chỉ điểm cho hỏa lực pháo binh đáp trả.
Ở những khu vực tiền tuyến không được trang bị các hệ thống phức tạp, Nga sử dụng các thiết bị nhỏ hơn, đặt trên chiến hào. Tại những khu vực này, Ukraine có thể dễ dàng tấn công các mục tiêu của Nga hơn vì tác chiến điện tử không có khả năng gây nhiễu mạnh.
Ngược lại, ở những vùng mà mật độ hệ thống tác chiến điện tử của Nga dày hơn, lính Ukraine buộc phải thận trọng hơn trước khi phóng máy bay không người lái.
Ukraine triển khai máy bay không người lái đến tiền tuyến bằng cách sử dụng máy phân tích phổ để tìm ra tần số gây nhiễu gần đó.
Biện pháp đối phó chính là lập trình lại máy bay không người lái, song điều này cũng không hề đơn giản nếu máy bay không người lái được mua từ nước ngoài.
Một chiến thuật khác là triển khai máy bay không người lái theo bầy đàn bởi vì không phải mọi tần số đều có thể bị chặn cùng một lúc. Các biện pháp đối phó phức tạp hơn được các nước NATO sử dụng phần lớn được coi là ngoài tầm của Ukraine.
Mỹ đã cấm xuất khẩu, chuyển giao các thiết bị tác chiến điện tử được Bộ Ngoại giao quản lý vì lo ngại công nghệ của nước này sẽ rơi vào tay đối phương. Một yếu tố khác nữa là chi phí đắt đỏ.
Trước những thách thức này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mới đây tuyên bố Ukraine sẽ tìm cách sản xuất một triệu máy bay không người lái.