DMagazine

Vũ khí phương Tây "thử lửa" ở Ukraine

(Dân trí) - Xung đột ở Ukraine khiến nơi này trở thành bãi thử những vũ khí công nghệ của các nền quân sự mạnh ở châu Âu, từ vệ tinh, máy bay không người lái, trí tuệ nhân tạo đến không gian mạng.

VŨ KHÍ PHƯƠNG TÂY "THỬ LỬA" Ở UKRAINE

Xung đột ở Ukraine khiến nơi này trở thành bãi thử những vũ khí công nghệ của các nền quân sự mạnh ở châu Âu, từ vệ tinh, máy bay không người lái, trí tuệ nhân tạo đến không gian mạng.

Cựu Tổng giám đốc điều hành Google Eric Schmidt mới đây đã gặp các quan chức cấp cao Ukraine để tìm hiểu về vai trò của công nghệ trong cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga. Ông đặt câu hỏi: "Điều tôi quan tâm là ngành công nghệ đã làm gì ở Ukraine".

Yếu tố quan trọng nhất hỗ trợ Ukraine trên thực địa là các gói viện trợ chưa từng có mà Mỹ và các đồng minh giúp Ukraine xếp ngang hàng với 20 quốc gia hàng đầu trên toàn thế giới về chi tiêu quân sự. Điều này cũng biến Ukraine thành nơi thử nghiệm tất cả các loại vũ khí từ vệ tinh, máy bay không người lái, trí tuệ nhân tạo (AI) đến không gian mạng.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Alexey Reznikov từng nói, Kiev đã mời các nhà sản xuất vũ khí phương Tây đến nước này để tiến hành thử nghiệm vũ khí trên thực địa. Ông cho biết, quan điểm của ông là Ukraine về cơ bản đã có thể coi như một "bãi thử nghiệm".

"Nhiều vũ khí hiện đang được thử nghiệm trên thực địa, trong điều kiện chiến đấu thực tế, đối đầu với quân đội Nga, lực lượng vốn có nhiều hệ thống vũ khí hiện đại", ông Reznikov giải thích. Ông nói thêm: "Chúng tôi đang chia sẻ tất cả thông tin và kinh nghiệm với các đối tác của chúng tôi. Chúng tôi quan tâm đến việc thử nghiệm các hệ thống hiện đại trên thực địa và đang mời các nhà sản xuất vũ khí thử nghiệm các sản phẩm mới của họ tại đây".

Ông cho biết, Ukraine cần một loạt các hệ thống vũ khí mới. Ukraine cần các hệ thống phòng không để hạn chế các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga, và và cần pháo tầm xa, máy bay, xe tăng cùng các loại phương tiện khác để làm chậm đà tiến và phá hủy các trung tâm hậu cần, trung tâm chỉ huy của Moscow.

Theo ông, lời đề nghị của Ukraine có thể mang lại cơ hội tốt cho Ba Lan, Mỹ, Pháp, Đức và các quốc gia khác "để thử nghiệm thiết bị của họ". "Hãy giao cho chúng tôi công cụ, chúng tôi sẽ hoàn thành công việc và bạn sẽ nhận được dữ liệu mới về những công cụ đó", ông nói.

Giới chức Ukraine khẳng định, việc thích ứng vận hành các loại vũ khí mới không phải trở lại quá lớn, vấn đề quan trọng nhất lúc này là phương Tây đẩy nhanh tốc độ viện trợ quân sự cho Ukraine.

UKRAINE THỬ NGHIỆM CÔNG NGHỆ MỚI

Vũ khí phương Tây thử lửa ở Ukraine - 1

Binh sĩ Ukraine thử nghiệm một thiết bị không người lái (Ảnh: Reuters).

Mùa thu năm 2022, khi Ukraine giành lại quyền kiểm soát một phần lãnh thổ bằng một loạt cuộc phản công, họ đã dùng pháo và tên lửa do Mỹ sản xuất. Song, điều hướng một số loại pháo đó là một hệ thống nhắm mục tiêu tự chế mà Ukraine đã phát triển trên chiến trường.

Một phần mềm do Ukraine sản xuất đã biến máy tính bảng và điện thoại thông minh sẵn có thành công cụ nhắm mục tiêu tinh vi và chúng hiện được sử dụng rộng rãi trong quân đội nước này. Ứng dụng di động này biến hình ảnh vệ tinh và hình ảnh tình báo khác thành thuật toán nhắm mục tiêu theo thời gian thực, giúp các đơn vị ở gần tiền tuyến bắn trực tiếp vào các mục tiêu cụ thể. Do nó là một ứng dụng, thay vì một phần cứng, nên có thể dễ dàng cập nhật và nâng cấp nhanh chóng, đồng thời có sẵn cho nhiều binh lính.

Các quan chức Mỹ quen thuộc với công cụ này nói rằng, nó có hiệu quả cao trong việc điều hướng hỏa lực của pháo binh Ukraine nhằm vào các mục tiêu của Nga.

Ứng dụng ngắm mục tiêu này là một trong số hàng chục công nghệ đổi mới trên chiến trường mà Ukraine đã đưa ra trong gần một năm xung đột với Nga. Kiev thường cố gắng tìm ra cách khắc phục những vấn đề đắt đỏ bằng phương án tốn ít chi phí.

Những chiếc máy bay không người lái nhỏ, làm bằng nhựa, lặng lẽ di chuyển, thả lựu đạn và các đạn dược khác xuống vị trí của quân đội Nga. Máy in 3D tạo ra các phụ tùng thay thế để binh lính có thể sửa chữa các thiết bị hạng nặng ngay tại hiện trường. Trong khi đó, các kỹ thuật viên đã biến những chiếc xe bán tải thông thường thành bệ phóng tên lửa di động. Các kỹ sư tìm ra cách gắn tên lửa tinh vi của Mỹ lên máy bay chiến đấu cũ của Liên Xô như MiG-29, giúp duy trì hoạt động của lực lượng không quân Ukraine.

Ukraine thậm chí đã phát triển Neptune, vũ khí chống hạm của riêng họ, dựa trên các thiết kế tên lửa của Liên Xô, với khả năng nhắm mục tiêu vào hạm đội Nga từ khoảng cách 300km.

Những thiết bị tự chế này của Ukraine đã gây ấn tượng mạnh với giới chức Mỹ. Họ từng ca ngợi khả năng của Kiev trong việc đưa ra giải pháp tiết kiệm chi phí cho các nhu cầu trên chiến trường, nhằm lấp đầy những khoảng trống chiến thuật quan trọng mà những vũ khí lớn hơn, tinh vi hơn của phương Tây chưa thể giải quyết.

Mặc dù giới chức Mỹ và phương Tây chưa thể đánh giá toàn diện về cách thức hoạt động chính xác của các hệ thống tùy chỉnh do Ukraine tự chế - phần lớn là do chúng không hoạt động ở trên mặt đất, song họ đều nói rằng Ukraine đã trở thành một bãi thử nghiệm thực sự để thử nghiệm những giải pháp giá rẻ nhưng hiệu quả đối với vũ khí.

Seth Jones, giám đốc chương trình an ninh quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Vấn đề quốc tế, cho biết: "Sự đổi mới của họ cực kỳ ấn tượng".

NƠI VŨ KHÍ PHƯƠNG TÂY "THỬ LỬA"

Vũ khí phương Tây thử lửa ở Ukraine - 2

Binh sĩ Ukraine sử dụng hệ thống phòng không vác vai Stinger ở Bakhmut, Ukraine (Ảnh: Getty).

Cuộc chiến ở Ukraine cũng mang đến cho Mỹ và các đồng minh một cơ hội hiếm có để nghiên cứu xem các hệ thống vũ khí của chính họ hoạt động như thế nào khi được sử dụng với cường độ cao cũng như những loại đạn mà cả hai bên đang sử dụng để giành ưu thế trong cuộc xung đột khốc liệt này. Bên cạnh đó, các sĩ quan tác chiến của Mỹ và quan chức quân sự khác không ngừng theo dõi mức độ hiệu quả của Nga trong việc sử dụng máy bay không người lái sát thủ giá rẻ để phá hủy lưới điện Ukraine.

Ukraine hoàn toàn là một phòng thí nghiệm vũ khí theo mọi nghĩa vì không có thiết bị nào trong số này thực sự được sử dụng trong một cuộc chiến giữa hai quốc gia có nền công nghiệp phát triển tương xứng, một nguồn tin thân cận với tình báo phương Tây cho biết. "Đây là thử nghiệm chiến đấu trong thế giới thực", người này nói.

Đối với quân đội Mỹ, xung đột ở Ukraine là một nguồn dữ liệu khổng lồ về các hệ thống của chính họ.

Một số hệ thống vũ khí tiên tiến được cung cấp cho Ukraine, như máy bay không người lái Switchblade 300 và tên lửa được thiết kế để nhắm mục tiêu vào các hệ thống radar của đối phương, hóa ra lại kém hiệu quả trên chiến trường hơn so với dự tính, theo một sĩ quan tác chiến của quân đội Mỹ cũng như một nghiên cứu gần đây của viện nghiên cứu Anh.

Trong khi đó, bệ phóng tên lửa đa nòng M142 hạng nhẹ do Mỹ sản xuất, hay còn gọi là HIMARS, vẫn đóng vai trò quan trọng đối với thành công của Ukraine. Phía Ukraine đã có được những bài học quý giá về tốc độ sửa chữa bảo trì mà những hệ thống này yêu cầu trong điều kiện sử dụng nhiều như hiện nay.

Một quan chức quốc phòng cho biết, cách Ukraine sử dụng nguồn cung tên lửa HIMARS hạn chế của họ để phá hủy cơ quan chỉ huy và kiểm soát, kho nhiên liệu của Nga đã khiến các nước có nhìn nhận rõ ràng hơn. Người này cho biết thêm rằng, các nhà lãnh đạo quân sự sẽ phải mất nhiều năm để nghiên cứu điều này.

Một thông tin chi tiết quan trọng khác là về lựu pháo M777, loại pháo mạnh mẽ từng là một phần quan trọng tạo nên sức mạnh trên chiến trường của Ukraine. Theo một quan chức quốc phòng khác, các nòng pháo sẽ bị mòn đường rãnh nếu bắn quá nhiều đạn trong một khoảng thời gian ngắn, khiến pháo kém chính xác và kém hiệu quả hơn.

Người Ukraine cũng đã có những đổi mới chiến thuật gây ấn tượng với các quan chức phương Tây. Trong những tuần đầu của cuộc xung đột, các chỉ huy Ukraine đã điều chỉnh cách tác chiến của họ, sử dụng các nhóm bộ binh khi Nga tiến công vào Kiev. Được trang bị tên lửa vác vai Stinger và Javelin, quân đội Ukraine có thể tập kích xe tăng Nga mà không cần bộ binh ở hai bên sườn.

Mỹ cũng đã nghiên cứu kỹ lưỡng cuộc xung đột để rút ra những bài học lớn hơn về cách một cuộc chiến giữa hai quốc gia hiện đại có thể xảy ra trong thế kỷ XXI.

Theo sĩ quan tác chiến, một bài học mà Mỹ có thể rút ra từ cuộc xung đột này là pháo kéo, như hệ thống lựu pháo M777, có thể chỉ còn là dĩ vãng. Những hệ thống đó khó di chuyển nhanh khi bị bắn trả, và cũng khó để che giấu chúng khi mà máy bay không người lái được sử dụng rất phổ biến để giám sát trên cao.

Một công nghệ nữa được cho là được sử dụng ngày càng phổ biến ở Ukraine là AI. Tuy chưa quốc gia nào trên thế giới sử dụng robot chiến đấu hoàn toàn tự động cho mục đích chiến sự, nhưng Ukraine và Nga đều tuyên bố sở hữu máy bay không người lái được trang bị AI có khả năng nhận diện mục tiêu.

Giới chuyên gia nhận định, xung đột Nga - Ukraine càng kéo dài, khả năng các phương tiện không người lái được sử dụng để xác định, lựa chọn và tấn công mục tiêu mà không cần sự can thiệp của con người càng cao. Điều này có thể tạo ra một bước ngoặt lớn trong công nghệ quân sự.

CƠ HỘI CHO CÁC NHÀ THẦU QUỐC PHÒNG

Các nhà thầu quốc phòng Mỹ cũng đã lưu ý đến cơ hội mới để nghiên cứu và tiếp thị các hệ thống vũ khí của họ.

BAE Systems cho biết, hiệu quả của Nga với máy bay không người lái sát thủ đã ảnh hưởng đến cách công ty này thiết kế một phương tiện chiến đấu bọc thép mới cho quân đội Mỹ, nhằm bổ sung thêm áo giáp để bảo vệ binh lính khỏi các cuộc tấn công từ trên cao.

Các cơ quan khác của chính phủ và ngành công nghiệp Mỹ đã tìm cách thử nghiệm những hệ thống và giải pháp mới trong cuộc xung đột mà Ukraine đang cần tất cả sự giúp đỡ có thể có.

Trong những ngày đầu của cuộc xung đột, Cơ quan Tình báo Không gian Địa lý Mỹ đã gửi 5 máy bay không người lái giám sát hạng nhẹ, có độ phân giải cao tới Bộ Chỉ huy Chiến dịch đặc biệt của Mỹ ở châu Âu trong trường hợp chúng có thể hữu ích ở Ukraine. Loại máy bay không người lái này, được sản xuất bởi công ty Hexagon, không nằm trong chương trình hồ sơ của Bộ Quốc phòng Mỹ và điều đó cho thấy bản chất thử nghiệm vũ khí mới tại cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Phó Đô đốc Hải quân Robert Sharp, người đứng đầu Cơ quan Tình báo Không gian Địa lý Mỹ vào thời điểm đó, thậm chí công khai rằng, Mỹ đã đào tạo một đối tác quân sự ở châu Âu chuyên về hệ thống nói trên. "Loại máy bay này cho phép bạn đi ra ngoài mà không bị phát hiện và có thể thu thập dữ liệu tình báo về địa lý của bạn", ông Sharp cho hay.

Mặc dù một nhóm nhỏ quan chức Mỹ và công ty tư nhân vẫn đang nỗ lực hết sức, song chưa rõ liệu những máy bay không người lái này có tham gia vào cuộc xung đột Nga - Ukraine hay không.

Trong khi đó, nhiều quan chức tình báo và quân sự nói rằng, họ hy vọng việc tạo ra thứ mà quân đội Mỹ gọi là máy bay không người lái giá rẻ, sử dụng một lần đã trở thành ưu tiên hàng đầu của các nhà thầu quốc phòng.

Minh Phương

Theo Vox, Washington Post

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine