1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vũ khí "đốt nóng" cuộc đua của các nước lớn dưới Thái Bình Dương

Đức Hoàng

(Dân trí) - Phương tiện không người lái dưới nước (UUV) có thể vũ khí làm nóng cuộc cạnh tranh dưới Thái Bình Dương khi các nước lớn như Mỹ, Anh, Nga, Trung Quốc đều đang tăng cường triển khai chúng.

Vũ khí đốt nóng cuộc đua của các nước lớn dưới Thái Bình Dương - 1

Ngư lôi Poseidon của Nga là một UUV được gắn đầu đạn hạt nhân (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga)

Trong những năm qua, giới chuyên gia quân sự đánh giá rằng máy bay không người lái (UAV) có thể sẽ là vũ khí của tác chiến trên cạn và trên không trong tương lai và các nước lớn đều đã tăng tốc đưa khí tài này vào biên chế.

Tuy nhiên, cuộc đua về phương tiện không người lái vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, khi nó tiếp tục mở rộng ra một môi trường tác chiến mới: dưới lòng nước. Các nước lớn vẫn đang nỗ lực phát triển và triển khai UUV nhằm tạo nên lợi thế chiến lược ở Thái Bình Dương và những khu vực rộng lớn hơn.

Theo giới quan sát, Mỹ, Anh, Nga, Trung Quốc dường như đều đang hướng mắt tới mục tiêu "phương tiện không người lái hóa" hoạt động tác chiến hàng hải trong tương lai.

Anh, quốc gia đang gia tăng hiện diện quân sự ở Thái Bình Dương, dự kiến sẽ vận hành đội UUV kích thước siêu lớn đầu tiên để hỗ trợ các tàu ngầm lớp Astute của họ. Dự án của hải quân Hoàng gia Anh mang tên CETUS nhằm tạo ra một phiên bản UUV dài 12 m, nặng 27 tấn. Hợp đồng dự án dự kiến sẽ được chốt vào năm tài chính 2021-2022 và chi phí dự kiến vào khoảng 29,3 triệu USD.

Ngoài ra, Anh cũng đang nghiên cứu UUV Manta, phiên bản không người lái của tàu lặn có người lái S201 do nhà thầu MSubs sản xuất.

Trong khi đó, hải quân Mỹ đã ký hợp đồng với nhà thầu Boeing với trị giá 274,4 triệu USD để sản xuất 5 chiếc UUV cực lớn Orca vào năm 2019. Orca có thể trở thành phương tiện xử lý mìn, tác chiến chống tàu ngầm, tác chiến chống tàu mặt nước, tác chiến điện tử và các nhiệm vụ tấn công mà không gây nguy hiểm đến tính mạng của người điều khiển nó.

Vũ khí đốt nóng cuộc đua của các nước lớn dưới Thái Bình Dương - 2

Đồ họa mô phỏng UUV Orca của Mỹ (Ảnh: Forbes).

Trung Quốc được cho cũng đã tham gia vào cuộc đua UUV. Manh mối của chương trình này được biết tới qua sự kiện cuối năm 2020, khi Indonesia thu được 3 chiếc UUV có nhãn hiệu "Viện tự động hóa Thẩm Dương, Học viện Khoa học Trung Quốc" ở gần đảo Selayar, ở Nam Sulawesi.

Vào cùng năm, Trung Quốc được cho đã triển khai 12 chiếc UUV Sea Glider tới Ấn Độ Dương để thu thập dữ liệu hải dương học nhằm hỗ trợ hoạt động tác chiến của tàu ngầm. Ngoài ra, Trung Quốc hiện đang vận hành UUV HSU-001 kích thước lớn và Bắc Kinh dường như đã thử nghiệm nó ở Phúc Kiến, với hoạt động mô phỏng chống tàu ngầm.

Nga trong khi đó đã bắt đầu các thử nghiệm với ngư lôi hạt nhân Poseidon. Đây là một thiết bị không người lái, hoạt động dưới nước và từng có tên gọi là Status-6. Theo một số nguồn tin, ngư lôi Poseidon mang đầu đạn cực mạnh, có sức công phá lên tới 100 megaton, có thể thổi bay các thành phố duyên hải. Tuy nhiên, cũng có thông tin cho rằng đầu đạn của Poseidon là 2 megaton. Mặc dù vậy, dù với thông số này, khi Poseidon phát nổ, nó có thể gây ra sóng thần tấn công các khu vực ven biển.

Vũ khí tác chiến trong tương lai

Video Nga thử nghiệm siêu ngư lôi hạt nhân "thần biển"

Theo các chuyên gia, sự xuất hiện của các UUV ở Thái Bình Dương sẽ làm thay đổi cục diện của hoạt động tác chiến dưới nước trong tương lai. Các UUV có thể được sử dụng để lập bản đồ lòng biển, thu thập các dữ liệu cần thiết nhằm lập bản đồ di chuyển an toàn cho tàu ngầm có người lái.

Chúng cũng có thể được sử dụng cho các hoạt động rà phá bom mìn. UUV có thể trinh sát các bãi mìn dưới nước và có thể giải giáp các loại mìn hải quân. Chúng có thể hỗ trợ cho hoạt động trinh sát, xác định và rà phá các khu vực tiềm năng cho các hoạt động tác chiến đổ bộ.

UUV có thể làm nhiệm vụ chống ngầm thông qua việc chủ động tìm kiếm và truy dấu các tàu ngầm đối thủ.

Ngoài ra, giống như cơ chế của Poseidon, UUV có thể trở nên đặc biệt nguy hiểm nếu chúng được gắn vũ khí tấn công, có thể là vũ khí hạt nhân. Những UUV như vậy có thể qua mặt hệ thống phòng thủ đối phương nhờ di chuyển dưới đại dương rồi tấn công bất ngờ các cơ sở quan trọng như quân cảng, căn cứ quân sự…

Theo asiatimes.com