1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vũ khí đặc biệt của Ukraine có thể chặn tuyến tiếp viện huyết mạch của Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Các nguồn tin trên chiến trường cho biết, Ukraine đang gây ra thách thức cho lực lượng Nga trong việc tiếp tế cho tiền tuyến bằng vũ khí đặc biệt: đạn pháo rải mìn.

Vũ khí đặc biệt của Ukraine có thể chặn tuyến tiếp viện huyết mạch của Nga - 1

Thiết giáp Nga trúng mìn của Ukraine ở Vuhledar hồi tháng 3 (Ảnh: Kyiv Post).

Theo Business Insider, lực lượng Nga bảo vệ tiền tuyến trước đà phản công của Ukraine đang phải đối diện với một mối nguy hiểm rình rập phía sau và xung quanh với sự xuất hiện của những quả đạn pháo đặc biệt.

Phóng viên quân sự Nga Alexander Sladkov hôm 8/6 viết trên Telegram: "Ukraine đang rải mìn từ xa ở phía sau vị trí của lực lượng Nga, nhằm vào tuyến tiếp viện đạn dược và hậu cần của Moscow".

Để làm được điều này, Ukraine đang sử dụng mìn chống tăng RAAM - một loại đạn pháo có khả năng rải mìn từ xa. Mỹ đã gửi cho Ukraine hơn 10.000 viên đạn loại này cùng với các khẩu pháo 155mm có khả năng bắn chúng ra xa tối đa 17,7km.

Hệ thống mìn chống giáp từ xa (RAAM) là đạn lựu pháo 155mm chứa 9 quả mìn chống tăng bên trong. Khi quả đạn được bắn trên một khu vực trống, những quả mìn nhỏ sẽ bay ra nằm rải rác trên mặt đất. Điều này có nghĩa là các lực lượng Ukraine có thể đặt mìn từ xa thay vì bằng tay như các loại mìn truyền thống.

Được phát triển lần đầu tiên vào năm 1980, RAAM có thể được phóng bằng cách sử dụng lựu pháo M109 hoặc M198 hoặc M777 và có thể được kích hoạt trong khu vực đối thủ kiểm soát vào mốc thời gian đã định sẵn từ trước. Không có bất cứ cách đối phó nào với trận địa mìn hiệu quả hơn phương án buộc phải phá thiết bị bắn ra nó.

Các trận địa mìn đặt lực lượng Nga vào thế khó, đặc biệt là khi nó được phóng vào giữa vị trí của binh sĩ trên tiền tuyến và tuyến tiếp tế hậu cần phía sau. Để chuyển thêm vũ khí lên tuyến trên, các phương tiện của Nga rơi vào rủi ro bị cán phải mìn nằm rải rác trên mặt đất. Ngoài ra, Ukraine cũng có thể bắn RAAM vào các tuyến đường Nga rút quân như một cái bẫy nguy hiểm trên chiến trường.

Theo phóng viên Sladkov, lực lượng trinh sát kỹ thuật của Nga có thể đối phó với mối đe dọa từ những quả mìn này. Tuy nhiên, trên chiến trường khốc liệt, rất khó để đảm bảo việc loại bỏ hoàn toàn các mối đe dọa từ RAAM. Mặt khác, việc tiếp viện hay rút quân đều là những nhiệm vụ cần thực hiện với tốc độ cao nên Nga có thể gặp bất lợi với các trận địa mìn rải từ xa.

Hồi tháng 3, RAAM được cho là vũ khí đã giúp Ukraine gây tổn thất không nhỏ cho Nga trong trận Vuhledar, khu vực ở phía nam Bakhmut.

Theo Bộ Quốc phòng Anh, tại Vuhledar, Ukraine sử dụng chiến thuật phóng mìn lên khu vực phía trên và phía sau các đơn vị đang tiến lên của Nga, đẩy lực lượng Moscow vào thế tiến thoái lưỡng nan và gây hỗn loạn khi các phương tiện của Nga cố gắng rút lui. Các đoạn video quay từ hiện trường cho thấy, các thiết giáp Nga bị phá hủy khi liên tiếp cán phải mìn RAAM trên chiến trường. Khi rơi vào trận địa mìn, thiết giáp Nga sẽ vướng phải thế kẹt và rất khó xoay xở trong tình huống chiến đấu dữ dội.

Trong một số trường hợp, các quân nhân Ukraine sẽ chờ phía Nga dọn đường qua một bãi mìn để tiếp tục khai hỏa RAAM, biến khu vực Moscow vừa xử lý thành một bãi mìn mới. 

Theo Business Insider