1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Việt Nam đứng dậy sáng lòa

Xin mượn ý thơ “... Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” trong bài Đất nước của Nguyễn Đình Thi để nói về vị thế Việt Nam hôm nay. 2015 - một năm đối ngoại thành công - đã nâng bước chân chúng ta tiếp tục tiến lên phía trước

Hôm 2-12-2015, tại thủ đô Brussels (Bỉ), với sự kiện Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng và Cao ủy Thương mại Liên minh châu Âu (EU) Cecilia Malmstrom đặt bút ký văn bản chính thức kết thúc đàm phán Hiệp định Tự do thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk, Việt Nam đã kết thúc một năm hoạt động đối ngoại nhiều thành tựu có ý nghĩa quan trọng.

Linh hoạt giữa các trung tâm quyền lực

Năm 2015 là một năm thế giới tiếp tục có những chuyển động mạnh mẽ theo các chiều hướng thuận - nghịch. Trật tự thế giới hình thành từ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc đang rạn nứt từng mảng lớn nhưng một trật tự mới, hay một cấu trúc an ninh - chính trị - kinh tế mới, vẫn chưa định hình để thay thế các khoảng trống quyền lực. Tuy vậy, quan hệ quốc tế lại có cơ may rất lớn vận hành đa dạng hóa và đa phương hóa trên các lĩnh vực quan trọng của đời sống thế giới.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng trong chuyến Tổng Bí thư thăm chính thức Mỹ vào tháng 7-2015.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng trong chuyến Tổng Bí thư thăm chính thức Mỹ vào tháng 7-2015.

Hòa bình - phát triển vẫn là xu hướng chủ đạo; khoa học - công nghệ đạt được những tiến bộ vượt bậc với những ứng dụng thật phi thường nhưng cũng rất đỗi bình thường trước chuyển động “nhanh” của cuộc sống. Thế giới không có khủng hoảng lớn nhưng các cuộc khủng hoảng cục bộ mỗi nơi một tính chất khác nhau diễn ra ở châu Á, châu Âu, châu Phi và cực kỳ nóng bỏng ở khu vực Trung Cận Đông.

Kinh tế thế giới thiếu động lực tăng trưởng, phục hồi chậm, tăng trưởng yếu; thời kỳ hậu khủng hoảng từ năm 2008 đến 2009 đang đòi hỏi thay đổi các mô hình kinh tế đã vận hành thuần thục trong mấy thập kỷ trước nhưng nay không còn thích hợp; các khối kinh tế khu vực xuất hiện như xu thế chủ đạo của quan hệ quốc tế.

Hai trung tâm quyền lực chủ yếu của thế giới - Trung Quốc và Mỹ - đều thiết kế những cấu trúc quyền lực kinh tế mang tầm vóc chiến lược. Có thể hình dung, Trung Quốc tạo ra các liên kết kinh tế theo trục “tung” với Nhất Đới Nhất Lộ - một Vành đai kinh tế trên bộ và một Con đường tơ lụa trên biển - bao quát ba châu lục Á, Âu, Phi, chủ trì Ngân hàng Phát triển cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB).

Mỹ xây dựng liên kết theo trục “hoành” với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa hoàn tất hồi cuối năm vừa rồi và đang tiếp tục đàm phán sau 11 vòng để hình thành Hiệp định Thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP).

Về địa - chính trị, Mỹ tiếp tục xoay trục sang châu Á, Trung Quốc chú trọng thúc đẩy quan hệ Đại chủ biên (khu vực láng giềng lớn). Tại Đông Á, Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh chiến lược gay gắt; Trung Quốc thiết lập những cứ điểm chiến lược ở khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhằm kiểm soát các thủy lộ ngang qua biển Đông và chèn ép những nước láng giềng có các cứ điểm tiền tiêu ở vùng biển này.

Mỹ giương ngọn cờ bảo vệ tự do hàng hải, bác bỏ tính hợp pháp của các đảo nhân tạo của Trung Quốc và với sự thỏa thuận của Singapore, cuối tháng 12 vừa rồi, đã triển khai máy bay tuần thám P-8 hoạt động tại biển Đông, mà một trong nhiệm vụ chính là phát hiện các hoạt động của tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc triển khai dưới lòng sâu của vùng biển tranh chấp này.

Ngoài ra, có một sự kiện sẽ tác động lâu dài đến an ninh châu Á - Thái Bình Dương, đó là việc Nhật Bản thông qua đạo luật an ninh mới, từ đó trở thành một quốc gia bình thường để có thể đóng một vai trò tích cực và chủ động hơn trong cán cân quyền lực ở khu vực quan trọng này của thế giới.

Bốn phương diện thành công

Tuy không là tác nhân nhưng Việt Nam là đối tác của các bên trong cuộc tranh hùng xưng bá giữa những cường quốc.

Việt Nam nằm ở vị trí nào trong chuỗi các chuyển động của quan hệ quốc tế 2015? Nằm ở rất gần trung tâm của các sự kiện quan trọng. Với vị trí địa chiến lược đặc thù - là láng giềng ở biên giới phía Nam của Trung Quốc và án ngữ bờ Tây của biển Đông - Việt Nam rất khó tránh khỏi bị cuốn vào vòng xoáy của cuộc cạnh tranh, cọ xát chiến lược giữa các nước lớn tại châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam tuy không là tác nhân nhưng là đối tác của các bên trong cuộc tranh hùng xưng bá của những cường quốc ở khu vực.

Trước những tác động từ các cường lực trái chiều nhau, hoạt động đối ngoại của Việt Nam đã thể hiện sự tỉnh táo, tích cực và chủ động, đã thiết kế nên một tư thế đối ngoại mới khá phù hợp với vị trí địa chiến lược và nhu cầu an ninh phát triển của đất nước ta.

Các thành tựu thể hiện trên bốn phương diện chính.

Một là, tiếp tục củng cố định hướng đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, làm bạn với tất cả các quốc gia trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển. Các hoạt động đối ngoại năm 2015 đã đưa các quan hệ quốc tế từ chiều rộng nhưng khá tản mạn của những năm trước đi vào chiều sâu có trọng tâm, trọng điểm với tính hướng đích cao nhằm phục vụ nhiệm vụ trọng tâm là bảo đảm an ninh và phát triển đất nước.

Như Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nhấn mạnh trong tuyên bố báo chí ngày 2-12-2015 nhân dịp ký kết EVFTA: “Hiệp định Thương mại tự do cùng với Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác Toàn diện Việt Nam - EU sẽ giúp tạo dựng mối quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn và giúp Việt Nam, với tư cách một nền kinh tế thị trường, hội nhập thành công vào kinh tế toàn cầu”.

Hai là, triển khai được mối quan hệ ngoại giao cân bằng giữa các nước lớn chủ yếu. Bằng những chuyến thăm viếng cấp cao, trước hết là của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc (tháng 4), tới Mỹ (tháng 7), tới Nhật Bản (tháng 9) và đón Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam (tháng 11), Việt Nam đã định hình quan hệ đối ngoại của mình với “tam giác chiến lược” Trung - Mỹ - Nhật; bên cạnh đó, tiếp tục thúc đẩy các mối quan hệ quan trọng với Ấn Độ, Nga và EU.

Mối quan hệ ngoại giao này giữ thăng bằng quan hệ với các nước lớn, trước hết là với Trung Quốc và Mỹ - một thứ thăng bằng không cứng nhắc mà linh hoạt. Chủ trương “3 không” đã được bổ sung thêm thành tố mới, đó là cần phát huy tối đa các đòn bẩy chiến lược và chiến thuật ta có trong tay để tối ưu hóa lợi ích quốc gia trước các sức ép gia tăng của những nước lớn.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk (hàng sau) chứng kiến lễ ký văn bản chính thức kết thúc đàm phán Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam - EU hồi đầu tháng 12-2015. Ảnh: EURACTIV
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk (hàng sau) chứng kiến lễ ký văn bản chính thức kết thúc đàm phán Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam - EU hồi đầu tháng 12-2015. Ảnh: EURACTIV

Ba là, tích cực tham gia vào cuộc đàm phán hoàn tất hiệp định TPP, không phải rụt rụt rè rè như thuở đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) để đến nỗi lỡ mất một nhịp phát triển so với láng giềng trong khu vực.

Với TPP, Việt Nam mạnh dạn dấn thân vào một cuộc chơi lớn thuộc đẳng cấp cao ở thế kỷ XXI. TPP không phải là một “bữa ăn trưa miễn phí” mà là những mối quan hệ có đi có lại, có được có mất. Từ trên những lợi ích, nghĩa vụ và ràng buộc của TPP, Việt Nam sẽ phải tái cơ cấu một số ngành kinh tế, vượt lên trên nhiều cái manh mún, nhỏ lẻ, củng cố các ngành kinh tế thế mạnh để có thể cạnh tranh và hội nhập vào một cộng đồng kinh tế khu vực mạnh nhưng “khó nhằn”. Văn hóa Việt Nam vốn là văn hóa lúa nước tạo nên một thói quen cho người Việt “nước đến chân mới nhảy”. Vào TPP, (hy vọng) Việt Nam sẽ sửa thói quen không hay này.

Bốn là, tích cực góp phần thúc đẩy đoàn kết ASEAN, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức khu vực quan trọng này, triển khai thành công Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Không phải mọi thứ trong ASEAN đều hoàn thiện mà có nhiều vấn đề thống nhất, lại không ít vấn đề bị phân hóa. Nhưng giữa dòng thời cuộc đầy biến động và lắm bất trắc trên thế giới hiện nay, ASEAN vẫn là một tổ chức khu vực mạnh, được tôn trọng với không ít kỳ vọng.

Điều khá quan trọng là trong những cuộc gặp thượng đỉnh năm 2015, các nước lớn liên quan đều tuyên bố ủng hộ vai trò chủ đạo của ASEAN trong các cơ chế của khu vực như Thượng đỉnh Đông Á (EAS), ARF, ASEAN +... Với thống nhất là căn bản, không tránh khỏi có các dị biệt nhưng các thành viên ASEAN đều nhận thức được tầm quan trọng của tổ chức này đối với duy trì hòa bình, ổn định, phồn vinh và phát triển của Đông Nam Á, một trong các tiền đề để mỗi nước duy trì độc lập và bản sắc của mình.

ASEAN là “căn cứ địa”, từ đó Việt Nam vươn ra thế giới. Với các thỏa thuận song phương và đa phương về chính trị, kinh tế và an ninh mà Việt Nam đạt được trong năm qua, các đối tác đều xem chúng ta là một thành viên quan trọng của ASEAN và về mặt kinh tế, khi hướng tới Việt Nam, các đối tác đều tính tới AEC. Chúng ta cũng đạt được một bước tiến mới về nhận thức vai trò quan trọng của tổ chức khu vực này: Đi từ thói quen xem tách biệt “ta” và “ASEAN” đã chuyển thành “ta-ASEAN”.

Thế giới không ngừng vận động, không ngừng biến đổi. Những thành tựu mà nước ta đạt được trên lĩnh vực đối ngoại trong năm 2015 cần được cụ thể hóa thành những lực lượng vật chất, những giải pháp cụ thể. Có như vậy mới phục vụ tốt hơn nữa tối ưu hóa lợi ích quốc gia.

Sức mạnh mọi mặt được nâng lên

Nhìn tổng thể, qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN (…), đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Kinh tế tăng trưởng khá, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN từng bước hình thành, phát triển. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường. Văn hóa - xã hội có bước phát triển; bộ mặt đất nước và đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi. Dân chủ XHCN được phát huy và ngày càng mở rộng. Đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền và cả hệ thống chính trị được đẩy mạnh. Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ XHCN được giữ vững. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.

Những thành tựu đó tạo tiền đề quan trọng để nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong những năm tới...

(Trích: Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng)

Theo Nguyễn Ngọc Trường (Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và phát triển quốc tế, CSSD)

Người Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm