1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

"Việt Nam có vị trí đặc biệt trong tim người Thụy Điển"

Đức Hoàng

(Dân trí) - Đây là phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Robert Rydberg khi nói về quan hệ giữa 2 nước tại buổi giao lưu với các sinh viên của Học viện Ngoại giao hôm nay.

Việt Nam có vị trí đặc biệt trong tim người Thụy Điển - 1

Thứ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Robert Rydberg (Ảnh: Đức Hoàng).

"Việt Nam và Thụy Điển có một quá khứ đặc biệt và nó đã đặt nền móng cho hiện tại. Hai nước đã là bạn và đối tác của nhau hơn 50 năm qua. Thụy Điển là quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (vào năm 1969)", Thứ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Robert Rydberg phát biểu tại Học viện Ngoại giao trong buổi giao lưu với các sinh viên hôm 10/6.

Sự kiện này nằm trong khuôn khổ chuyến thăm từ ngày từ ngày 09-11/6 của ông Rydberg tới Việt Nam với mục tiêu tăng cường quan hệ song phương giữa 2 nước.

Trong buổi giao lưu hôm nay, ông Rydberg đã trao đổi với các bạn trẻ Việt Nam về mô hình Thụy Điển và chính sách ngoại giao của Thụy Điển, tình hình an ninh Thụy Điển và châu Âu, mối quan hệ hợp tác, đối tác Thụy Điển - Việt Nam hướng tới tương lai.

Ông cho biết, Việt Nam là một người bạn và đối tác quan trọng của Thụy Điển tại khu vực ASEAN, đồng thời nhắc lại những sự hỗ trợ quý báu của Stockholm cho Việt Nam thời kỳ đất nước trải qua giai đoạn khó khăn.

"Việt Nam có vị trí đặc biệt trong tim người Thụy Điển", ông Rydberg nói.

Trong bài phát biểu, nhà ngoại giao đã nhắc tới chuyến thăm Nhà máy Giấy Bãi Bằng 1982 - 2022 (nay là Tổng Công ty Giấy Việt Nam - VINAPACO) ở Phú Thọ vào hôm qua nhân dịp 40 năm thành lập. Đây là công trình mà chính phủ và nhân dân Thụy Điển đã giúp đỡ Việt Nam xây dựng và được xem là biểu tượng lớn nhất và nổi bật nhất, thành quả của mối quan hệ hợp tác phát triển của 2 nước xuyên suốt thời gian.

Liên quan tới chủ đề chiến lược an ninh của Thụy Điển, Thứ trưởng Rydberg nhấn mạnh lại quan điểm của nước này khi nộp đơn xin gia nhập tổ chức Hiệp ước An ninh Bắc Đại Tây Dương (NATO). Đây được xem là động thái đã đảo ngược chính sách trung lập lâu năm của quốc gia Bắc Âu. Ông Rydberg nói rằng, Thụy Điển quyết định hành động gia nhập liên minh quân sự có mục đích là nhằm bảo vệ chính mình trong bối cảnh tình hình an ninh châu Âu đã có sự thay đổi.

Mặt khác, ông cũng nhấn mạnh lại sự kiên định của Thụy Điển trong việc duy trì chính sách ngoại giao toàn cầu với các đối tác và bạn bè truyền thống của nước này, dù thay đổi chiến lược trung lập lâu năm.

Tại buổi giao lưu, bà Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao, đã nhắc lại mối quan hệ thân thiết giữa 2 quốc gia trong hơn nửa thế kỷ qua.

"Trong giai đoạn khó khăn nhất của Việt Nam, Thụy Điển là một trong những nước đầu tiên đã thiết lập quan hệ song phương. Thụy Điển cũng là quốc gia có phong trào sớm và mạnh mẽ nhất nhằm ủng hộ Việt nam trong thời kỳ kháng chiến. Thụy Điển là một trong những nước viện trợ ODA nhiều nhất cho Việt Nam trong những thập niên 1970, 1980, 1990. Thụy Điển cũng là quốc gia châu Âu dẫn đầu trong phong trào ủng hộ Việt Nam trong thời kỳ Đổi mới", bà Dung nói. 

Hướng tới hiện tại và tương lai, các quan chức, chuyên gia 2 nước cho rằng, Việt Nam và Thụy Điển có tiềm năng tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực.

"Tôi rất lạc quan về triển vọng hợp tác giữa Việt Nam và Thụy Điển trong tương lai. Hai quốc gia đã có mối quan hệ tuyệt vời và sự hợp tác mạnh mẽ trong hàng chục năm qua", ông Rydberg nhấn mạnh.

"Một lĩnh vực mà tôi nghĩ có thể mang cơ hội hợp tác lớn cho 2 nước trong tương lai là: Chuyển đổi xanh", nhà ngoại giao Thụy Điển nói, nhắc lại cam kết quan trọng của Việt Nam về phát thải ròng bằng 0 năm 2050 tại hội nghị về Biến đổi khí hậu COP26 năm ngoái.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm